Không ai bị để lại phía sau

(KTSG) – Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, khoảng 80% người trưởng thành (tức khoảng 65 triệu người) có tài khoản tại ngân hàng. Lấy con số bình quân mỗi người có ba tài khoản ngân hàng, số lượng tài khoản hiện tại có thể lên đến 180…

Fatz Admin lúc 2024-09-28

(KTSG) – Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, khoảng 80% người trưởng thành (tức khoảng 65 triệu người) có tài khoản tại ngân hàng. Lấy con số bình quân mỗi người có ba tài khoản ngân hàng, số lượng tài khoản hiện tại có thể lên đến 180 triệu.

Với chủ trương xác thực sinh trắc học bằng gương mặt cho những giao dịch điện tử từ 10 triệu đồng trở lên, một tuần sau khi áp dụng quy định này các ngân hàng đã xác thực gương mặt đối với chừng 19 triệu tài khoản, chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số tài khoản.

Cho đến nay nhìn chung việc giao dịch qua ứng dụng ngân hàng điện tử là thông suốt; những người có nhu cầu chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên ắt đã tiến hành việc xác thực, còn lại đa số người dân (chiếm đến 92%) chỉ giao dịch dưới 10 triệu đồng nên việc xác thực là chưa cần thiết.

QUẢNG CÁO
Ngân hàng đã và đang đẩy mạnh công tác hỗ trợ khách hàng hoàn tất cập nhật sinh trắc học.

Tuy nhiên, theo Thông tư 17/TT-NHNN, kể từ ngày 1-1-2025, những trường hợp không xác thực sinh trắc học sẽ không thể giao dịch trực tuyến, bất kể việc giao dịch chỉ là vài chục ngàn đồng thanh toán bữa ăn sáng. Có thể hình dung, đến cột mốc này, số lượng tài khoản đã xác thực sẽ tăng lên nhưng cuối cùng vẫn sẽ còn một tỷ lệ không nhỏ các tài khoản không thể xác thực được vì nhiều lý do khác nhau như điện thoại chưa có NFC.

Không thể để những lý do này, có thể là do thiết bị chưa đáp ứng, ngăn cản người dân thụ hưởng thành tựu công nghệ. Không thể để những người dân, có thể vì tuổi tác, khuyết tật hay điều kiện kinh tế mà bị bỏ lại đằng sau, không thể giao dịch trực tuyến, mua hàng trực tuyến hay chuyển tiền vào ví điện tử.

Cách hay nhất là để người dân tự chọn lựa: với những ai muốn được bảo vệ kỹ khỏi rủi ro bị kẻ gian lừa đảo, họ có thể đăng ký với ngân hàng là mọi giao dịch bất kể hạn mức đều phải qua xác thực gương mặt. Còn lại, hãy duy trì mức bắt buộc là từ 10 triệu đồng trở lên như hiện nay. Cái này cũng tương tự như những rào chắn khác bảo vệ người dùng, có thể từng người đăng ký với ngân hàng như tự đặt ra hạn mức giao dịch tối đa mỗi ngày chỉ ở một mức nào đó; mỗi lần giao dịch không quá một con số cụ thể. Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ – không nên tạo ra một rào cản cho xu hướng này.

Chuyện không để người dân nào bị để lại phía sau cũng nên mở rộng ra lĩnh vực dịch vụ hành chính công. Nỗ lực xây dựng các quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến là rất đáng quý vì sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân, kể cả tiết kiệm thời gian và công sức. Tuy nhiên, trong giai đoạn triển khai ban đầu, ắt hẳn sẽ có nhiều trục trặc do hệ thống vận hành chưa thông suốt. Trong trường hợp này, cần đặt ra chọn lựa cho người dân, họ có quyền tiến hành theo cách trực tiếp như cũ hoặc thực hiện qua mạng.

Cộng đồng dân cư rất đa dạng nên lúc nào cũng có những trường hợp khó tiếp cận công nghệ do tuổi tác, khuyết tật hay điều kiện kinh tế. Vì thế mọi dịch vụ công trực tuyến cần phải đi kèm chọn lựa dịch vụ công thực hiện trực tiếp với cán bộ hành chính để đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng của người dân. Dĩ nhiên chúng ta có quyền đặt ra những ưu đãi cho người làm dịch vụ công trực tuyến để khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi số.

Công nghệ là để phục vụ con người chứ không phải ngược lại. Đích đến sau cùng của mọi ứng dụng công nghệ cũng vì lợi ích của người dân. Đó là nguyên tắc cần hướng đến khi thiết kế mọi chính sách chuyển đổi số liên quan đến người dân sao cho không để bất kỳ ai bị bỏ sót lại đằng sau.

 

Kinh tế Sài Gòn

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.