(KTSG Online) – Thị trường đầu tư vốn tư nhân chưa đi qua “mùa đông”, nhưng dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang câu chuyện bền vững, không chỉ ở quỹ đầu tư mạo hiểm quy mô nhỏ mà còn cả những định chế tài chính lớn. Quy trình…
(KTSG Online) – Thị trường đầu tư vốn tư nhân chưa đi qua “mùa đông”, nhưng dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang câu chuyện bền vững, không chỉ ở quỹ đầu tư mạo hiểm quy mô nhỏ mà còn cả những định chế tài chính lớn.
Những chuyển động mới
Trong bối cảnh thị trường huy động vốn đầu tư suy giảm theo đà giảm chung của thế giới, dường như các quỹ đầu tư ở Việt Nam đang tập trung xây dựng khả năng huy động vốn đường dài cho câu chuyện bền vững.
Chẳng hạn như hồi giữa tháng 9, Câu Lạc Bộ Nhà Đầu Tư Vốn Tư Nhân (Vietnam Private Capital Agency – VPCA) ra mắt gồm 15 quỹ đầu tư có tiếng như Do Ventures, Ascend Vietnam Ventures (AVV), Mekong Capital, VinaCapital, Vietnam Investments Group (VIG)…
Mục tiêu cũng nhóm này là kêu gọi 35 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư tư nhân dành cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, qua đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững. Con số huy động mục tiêu trong 10 năm tới là rất tham vọng khi nhìn vào kết quả tổng số vốn 4,4 tỉ đô la mà Việt Nam huy động được trong giai đoạn 2018-2023, theo báo cáo Vietnam Innovation & Tech Investment 2024, Do Venture và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thực hiện.
Từ đầu năm đến nay, thị trường vẫn có thương vụ được công bố, ngoài lĩnh vực tăng trưởng tốt là giáo dục và y tế, có một số ít tập trung vào các nhóm năng lượng tái tạo hay nông nghiệp bền vững.
Chẳng hạn như như hồi tháng 5, Quỹ đầu tư Beacon Fund công bố thương vụ đầu tư mới vào Công ty TNHH Năng lượng CAS (CAS Energy), hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có trụ sở ở Đà Nẵng. Hay Alternō, giải pháp lưu trữ năng lượng bằng pin cát phục vụ cho nông nghiệp, công bố vượt mục tiêu trong vòng hạt giống, huy động thành công hơn 1,5 triệu đô trong vòng vốn được dẫn dắt bởi quỹ The Radical Fund (Singapore), Touchstone Partners (Việt Nam) và nhiều nguồn tham gia từ tổ chức khác.
Gần đây, hãng sản xuất xe điện 2 bánh Dat Bike hồi tháng 8 cho biết đã huy động được khoản vay chuyển đổi trị giá 4 triệu đô la từ InfraCo Asia, thành viên của Tập đoàn Phát triển hạ tầng Tư nhân (PIDG). Trước đó công ty này cũng huy động nhiều vòng với tổng giá trị vài chục triệu đô.
Trong thông cáo phát đi, đại diện của InfraCo Asia nhấn mạnh cấp vốn cho các công ty hoạt động hướng đến bảo vệ khí hậu là một phần trong chiến lược của mình. Quỹ này trước đó đã tham gia một số dự án liên quan đến mảng năng lượng tại Việt Nam.
Các tổ chức quốc tế cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ và hướng vốn (dù quy mô nhỏ) đến các công ty khởi nghiệp. Dat Bike hay CAS Energy trước đó nằm trong danh sách 9 dự án được hỗ trợ năm 2023 trong Chương trình “Thúc đẩy Tài chính Khí hậu Việt Nam” với tổng kinh phí thực hiện là 11,8 triệu bảng Anh, do Quỹ Tài chính Khí hậu Quốc tế (International Climate Finance – ICF) của Vương quốc Anh tài trợ thông qua Bộ An ninh Năng lượng và Trung hòa Các-bon (DESNZ). Năm nay, chương trình tiếp tục có 11 gương mặt mới, trong mục tiêu tìm kiếm các dự án ở giai đoạn tiền khả thi có nhu cầu huy động vốn từ 5 triệu đô la trở lên.
Thêm một điểm lạc quan hơn nữa là trong xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư sớm, không chỉ có các quỹ đầu tư mạo hiểm, mà cả những định chế tài chính dài hạn muốn bổ sung danh mục theo xu hướng mới.
Chẳng hạn như hồi tháng 3, Công ty bảo hiểm Prudential công bố mở thêm quỹ liên kết đơn vị thứ 7, mang tên “PRUlink Tương Lai Xanh” theo định hướng phát triển bền vững và đầu tư có trách nhiệm. Ông Ngô Thế Triệu, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Eastspring Investments, đơn vị quản lý tài sản cho Prudential, định nghĩa “xanh” ở đây không chỉ gồm môi trường, mà rộng hơn là một khái niệm chỉ sự bền vững, bao gồm cả sức khỏe cộng đồng và các tiến bộ xã hội.
Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Công ty quản lý quỹ VinaCapital cũng thành lập thêm Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon, hướng sâu hơn đến các công ty và dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon.
Vẫn còn nhiều rào cản
Môi trường – xã hội – quản trị (ESG) sẽ là “từ khóa” để các doanh nghiệp tăng cường gọi vốn trong thời gian tới. Trên thị trường chứng khoán, hiện nay có một số doanh nghiệp nội địa niêm yết thu hút rất nhiều quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu, chẳng hạn như Vinamilk thu hút được 300 quỹ nước ngoài, trong đó có đến 126 quỹ đầu tư ESG.
Tuy nhiên, vấn đề là số lượng doanh nghiệp tiếp cận vốn ngoại vẫn còn ít, trong khi sự chú ý của thị trường cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ nhận thức. Tại hội thảo IR View chủ đề “Xanh hóa” chuỗi cung ứng diễn ra mới đây, bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) đánh giá Việt Nam đang đi sau các nước trong khu vực về số lượng các quỹ đầu tư ESG, dù thế giới đang tăng nhanh (tổng tài sản có quy mô lên đến 58.000 tỉ đô la Mỹ, gấp hơn 10 lần so với cách đây 10 năm).
Trong khi các doanh nghiệp niêm yết tăng tốc trên cuộc đua ESG, những công ty khởi nghiệp sẽ khó khăn hơn nhiều khi chưa đủ hấp dẫn để lọt “mắt xanh” các ngân hàng.
Các giải pháp xanh đòi hỏi phải có tiền vì công nghệ và phần cứng thường yêu cầu chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Đây được xem là thách thức lớn nhất bên cạnh nhiều yếu tố khác như khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực, theo ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners.
Giải pháp khơi thông dòng vốn không chỉ là sớm hoàn thiện pháp lý, như câu chuyện phân loại các tiêu chí xanh, mà có thể còn đến từ chỗ thiết lập nền tảng mở cho khởi nghiệp xanh. “Điều này nghĩa là khi doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề nào trong chuỗi cung ứng, họ có thể đưa ra yêu cầu và kết nối với nhiều công ty khởi nghiệp cung cấp giải pháp thông qua nền tảng này, hỗ trợ các nhà sáng lập huy động thêm nguồn vốn xanh”, ông Khanh nói.
Chung tay cùng làm cũng là điều mà ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam kêu gọi tại một diễn đàn phát triển bền vững hồi đầu tháng 8. Nền tảng tài chính hỗn hợp Pentagreen, liên doanh giữa HSBC và Temasek, được kỳ vọng là giải pháp vượt qua rào cản tín dụng ngân hàng truyền thống.
Năm ngoái, Pentagreen hoàn tất giao dịch đầu tiên, tài trợ sáu dự án điện mặt trời trên đảo Luzon của Philippines. Mới đây, Pentagreen cùng Clifford Capital, một nền tảng tài chính hạ tầng, công bố hợp tác cho vay xanh trị giá 30 triệu đô la cho BE C&I Solutions triển khai dự án năng lượng sinh học bền vững phân tán ở khắp Đông Nam Á và Ấn Độ.
Về mặt chính sách, bên cạnh đến câu chuyện tín chỉ carbon thường xuyên được nhắc đến trong nỗ lực giảm cường độ phát thải khí nhà kính và xa hơn là Net-zero. Thực tế Việt Nam đã bắt đầu thực hiện Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn từ năm 2022.
Tại hội thảo trong khuôn khổ Hội nghị Vietnam Circular Economy in Action (VCEA) năm 2024 tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư) đánh giá ý thức về kinh tế tuần hoàn đang có sự cải thiện khi những mô hình mới liên quan đến nông nghiệp, năng lượng, thương mại – dịch vụ đang hình thành. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp ứng dụng và phát triển các hoạt động kinh tế tuần hoàn.
Khơi thông dòng vốn mạo hiểm cho phát triển bền vững còn một chặng đường rất dài, bước đầu tiên là sự chờ đợi vào chính sách liên quan. Mặc dù vậy, động lực thúc đẩy không chỉ đến từ cam kết của chính phủ, mà các giới doanh nghiệp còn hi vọng vào sự hành động của mỗi cá nhân khi mua hàng hóa dán “nhãn xanh” nhiều hơn.
Kỳ vọng thị trường vốn mạo hiểm
Những diễn biến mới của thị trường vốn đang dịch chuyển về xu hướng bền vững, trong khi thị trường vốn đầu tư tư nhân Việt Nam vẫn đang nằm ở giai đoạn “mùa đông”. Năm 2023, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm giảm 17%, nhưng vẫn được cho là có nhiều điểm tích cực trong bối cảnh toàn cầu giảm đến 35%.
Theo đó, giá trị giao dịch trong nửa cuối năm 2023 đã tăng tới 34% so với năm trước, cho thấy những dấu hiệu phục hồi bắt đầu xuất hiện. Mặt khác, số liệu cũng cho thấy số lượng giao dịch có giá trị nằm trong khoảng 0,5-3 triệu đô la chỉ giảm nhé, cho thấy phân khúc vốn đầu tư mạo hiểm cốt lõi vẫn ở trong tình trạng “lành mạnh”.
“Xu hướng này cho thấy các nhà đầu tư duy trì triển vọng lạc quan đối với các giao dịch giai đoạn đầu, có thể do sự tin tưởng của họ vào chất lượng cao hơn của các nhà sáng lập khởi nghiệp trong thời kỳ khó khăn”, báo cáo đánh giá.