Trong bối cảnh nhiều ngành nghề, doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, thua lỗ, không chia cổ tức, giữ lại lợi nhuận… thì trên sàn chứng khoán vẫn có những công ty trả cổ tức tiền mặt gấp hàng chục lần giá cổ phiếu. Điểm chung của những doanh nghiệp…
Hai doanh nghiệp trả cổ tức trên 600%
Trong nhóm doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt năm 2022, PTG (CTCP May xuất khẩu Phan Thiết) dẫn đầu về tỷ suất sinh lời, lên tới 666%. Thị giá PTG là 300 đồng/cổ phiếu, và cổ tức cho năm 2022 là 2.000 đồng/cổ phiếu. Đây chưa phải mức cổ tức “khủng” nhất mà cổ đông PTG nhận được.
Năm 2021, tỷ suất cổ tức thậm chí lên đến 4.000%, từ năm 2010 đến nay, tỷ suất này luôn dao động quanh 500-4.000%. Năm 2023, PTG đã thông báo trả cổ tức đợt 1, cũng ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 5/5, thời gian thực hiện là 8/6. Ngay sau khi doanh nghiệp công bố ngày đăng ký cuối để trả cổ tức tiền mặt, PTG liên tục dư mua trần lượng lớn cổ phiếu.
Sáng 26/4, ngay giờ mở cửa, 416 nghìn cổ phiếu cổ phiếu PTG được đặt mua giá trần. Hơn 13 năm kể từ ngày đầu niêm yết (4/1/2010), PTG gần như không có thanh khoản. Ngày 4/11/2022 là lần duy nhất ghi nhận giao dịch của PTG, với khối lượng 100 cổ phiếu được khớp ở mức giá 300 đồng. Giá trị giao dịch chỉ 30.000 đồng.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từng nhiều lần áp dụng cơ chế đặc biệt không thực hiện điều chỉnh giá tham chiếu cho cổ phiếu PTG khi giá trị cổ tức lớn hơn thị giá.
Doanh nghiệp khác có tỷ suất cổ tức lên tới 650% là CPH (CTCP Mai táng Hải Phòng). Ngày 21/4 vừa qua, cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu CPH nhận 1.960 đồng cổ tức, gấp 6 lần thị giá cổ phiếu (300 đồng). Với tỷ lệ thực hiện 19,6%, cùng 4,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính CPH đã chi khoảng 8,6 tỷ đồng trả cổ tức đợt này. Đây cũng là mức cổ tức cao nhất mà doanh nghiệp này từng chi trả kể từ khi lên sàn. Những năm qua, doanh nghiệp đều đặn trả cổ tức với tỷ lệ khoảng 15-16%
Việc mua được cổ phiếu CPH cũng gần như là không thể. Vì cơ cấu cổ đông cô đặc nên cổ phiếu CPH không có thanh khoản suốt nhiều năm, hiện đứng yên ở mức 300 đồng mỗi cổ phiếu (do điều chỉnh giá sau mỗi lần chia cổ tức). UBND TP Hải Phòng, là cổ đông lớn nhất sở hữu gần 65% vốn CPH.
CPH là doanh nghiệp mai táng duy nhất đang giao dịch trên sàn chứng khoán. Năm ngoái, công ty ghi nhận doanh thu 154 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 11 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu từ cung cấp dịch vụ hỏa táng và bán các sản phẩm phục vụ tang lễ.
Năm 2023, CPH dự kiến doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 110 tỷ đồng và 9 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức sẽ giảm xuống 16,1%, tức cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu nhận 1.610 đồng.
Cổ phiếu cổ tức “khủng” có khó mua?
Ngoài các doanh nghiệp có tỷ suất “khủng” nhưng gần như không thể mua được cổ phiếu, thì trên sàn vẫn có những công ty có cổ tức hấp dẫn, duy trì đều đặn, thanh khoản đều đặn.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã RAL) quyết định mức chia cổ tức năm 2022 đợt 2 vào ngày 26/4 tới với tỷ lệ 25%, nâng tổng tỷ lệ cổ tức năm 2022 lên 50% (bằng tiền mặt). Đây là năm thứ 5 liên tiếp Công ty duy trì mức chi trả cổ tức này. Mức cổ tức 2023 sẽ được đại hội cổ đông RAL quyết định trong tháng 5/2023, tuy nhiên theo tiết lộ của lãnh đạo công ty thì “vẫn cố gắng duy trì mức tương đương năm 2022”.
Hiện, RAL giao dịch ở mức 94.000 đồng/cổ phiếu, dù có điều chỉnh qua 1 năm sóng gió của thị trường, nhưng không giảm quá sâu như phần nhiều cổ phiếu trên sàn. Qua 1 năm, RAL “bốc hơi” 20% thị giá, phần cổ tức đã bù đắp lại cho nhà đầu tư.
Mức cổ tức 3 con số cho năm 2022 còn ghi nhận được tại PRC (CTCP Logistics Portserco), PAT (Phốt pho Apatit Việt Nam). Ngày 20/4 vừa qua, PRC vừa thực hiện chi trả cổ tức năm 2022 ở mức 350% bằng tiền mặt. Hiện, PRC có giá khoảng 23.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 24/4, PAT vừa trả cổ tức đợt 3/2022 bằng tiền với tỷ lệ 106,55%.
Trước đó, Công ty đã thực hiện 2 đợt tạm ứng cổ tức, với tổng tỷ lệ 200% bằng tiền mặt. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2022 cổ đông PAT được hưởng lên đến 306,5%. Trên UPCoM, PAT đang giao dịch ở mức 78.100 đồng/cổ phiếu.
Tiền phong