Khó ‘dò đáy’ cổ phiếu chứng khoán

Nhóm cổ phiếu chứng khoán thời gian qua ghi nhận tốc độ lao dốc mạnh hơn thị trường chung. So với đỉnh, nhiều cổ phiếu mất tới 70 – 80% giá trị. “Cổ chứng” bị chi phối bởi nhiều yếu tố Cổ phiếu ngành chứng khoán luôn là nhóm nhạy…

F.admin lúc 2022-10-17

Nhóm cổ phiếu chứng khoán thời gian qua ghi nhận tốc độ lao dốc mạnh hơn thị trường chung. So với đỉnh, nhiều cổ phiếu mất tới 70 – 80% giá trị.

“Cổ chứng” bị chi phối bởi nhiều yếu tố

Cổ phiếu ngành chứng khoán luôn là nhóm nhạy cảm nhất với đà tăng/giảm của thị trường chung. Cùng với nhịp sụt giảm sâu của thị trường trong hơn một tháng qua, thị giá của nhóm cổ phiếu chứng khoán đã “bốc hơi” từ 30 – 40%.

QUẢNG CÁO

Nếu so với vùng đỉnh, nhiều mã mất 60 – 80% giá trị (xem bảng thống kê), mức giảm này thậm chí còn lớn hơn mức suy giảm khi thị trường tạo đáy giai đoạn đại dịch Covid-19 mới bùng phát. Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), nhóm cổ phiếu chứng khoán có độ biến động (beta) rất cao và gắn liền với diễn biến thị trường chứng khoán, vì diễn biến thị trường ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh trong kỳ. Thị trường chứng khoán giai đoạn vừa qua giảm mạnh cả về thanh khoản và điểm số nên thị giá nhóm này giảm sâu là phù hợp logic.

Xét về ngắn hạn, Agriseco cho rằng, lực bán tại nhóm này vẫn lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại, vì vậy, xác định đáy trong giai đoạn này chưa rõ ràng. Tuy nhiên, khi thị trường có dấu hiệu hồi phục thì nhóm chứng khoán có thể sẽ có sức bật tốt hơn các nhóm khác. P/B của nhóm này hiện trên dưới 1 lần, mặc dù thấp hơn nhiều giai đoạn trước, nhưng là mức phù hợp khi thị trường chung đang xấu đi.

Với biến động của thị trường chứng khoán trong quý III, không khó để dự báo các mảng hoạt động của nhóm công ty chứng khoán đều bị ảnh hưởng.

Doanh thu môi giới có thể giảm mạnh do thị chung suy giảm cả về thanh khoản và điểm số. Giá trị giao dịch bình quân quý III chỉ đạt khoảng 16.000 tỷ đồng/phiên (có những phiên chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng), giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Lợi nhuận gộp giảm do cạnh tranh ngày càng cao, hoa hồng trả cho nhân viên môi giới với tỷ lệ ngày càng lớn, trong khi đó phí giao dịch có xu hướng ngày càng thấp.

Cho vay ký quỹ, mảng nghiệp vụ được xem là đem lại nguồn thu chủ yếu cho các công ty chứng khoán, cũng bị thu hẹp. Dư nợ margin toàn thị trường đã giảm 40% so với đỉnh và dự báo tiếp tục giảm trong quý IV. Sự sụt giảm mạnh của thị trường từ giữa tháng 9 tới nay buộc nhiều công ty chứng khoán phải bán giải chấp để thu hồi vốn cho vay khi tỷ lệ margin vượt quá ngưỡng quy định, khiến nhà đầu tư càng thận trọng sử dụng margin.

Mảng tư vấn tài chính (IB) bị ảnh hưởng xấu từ thị trường. Đặc biệt, các công ty chứng khoán làm dịch vụ gắn với phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ những diễn biến gần đây.

Mảng tự doanh, bao gồm cả cổ phiếu lẫn trái phiếu đều gặp khó khăn trong quý III. Nhiều công ty có thể đối diện với nguy cơ thua lỗ tự doanh nếu không kịp thoát vị thế khi VN-Index giảm gần 6% trong quý III, trong đó riêng tháng 9 giảm gần 12%…

Tựu trung lại, nếu như quý III năm ngoái, các công ty chứng khoán đua nhau báo lãi ỷ lục thì quý III năm nay, nhiều công ty khó tránh khỏi thua lỗ hoặc giảm mạnh lợi nhuận.

Bối cảnh vĩ mô năm nay rõ ràng không ủng hộ cho hoạt động kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán khi mà lạm phát, lãi suất tăng, dòng tiền bị rút ra phục vụ các hoạt động sản xuất – kinh doanh. Dù được định giá ở mức khá hấp dẫn vì hầu hết các cổ phiếu đầu ngành như SSI,VCI, HCM đã giảm 70% kể từ vùng đỉnh, song nhóm cổ phiếu ngành này vẫn bị bán tháo trong nhịp giảm vừa qua.

Vẫn có thể rẻ hơn

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, hiện định giá của nhóm chứng khoán đã hợp lý hơn rất nhiều và có thể nói là rẻ khi đã chia đôi, chia ba từ đỉnh. Hiện P/B của nhóm ngành chứng khoán chỉ khoảng 1,1 – 1,2 lần và P/E chỉ khoảng 8 – 9 lần. Tuy nhiên, P/B ngành vẫn cao hơn so với giai đoạn thị trường tạo đáy hồi tháng 3/2020, khi đó P/B ngành chứng khoán ở dưới 1 lần.

Theo Bloomberg, chứng khoán Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm qua khi tình trạng force sell diễn ra trên thị trường trước mối lo ngại nâng lãi suất. Chỉ số VN-Index giảm hơn 18% trong vòng 1 tháng qua, trở thành chỉ số giảm mạnh nhất trong số các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu.

Chứng khoán Việt Nam đang là một trong những thị trường trong tình cảnh bị bán mạnh nhất thế giới. Với bối cảnh thị trường được dự báo còn nhiều khó khăn, triển vọng lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong thời gian tới khó tích cực. Do đó, nhiều chuyên gia đồng quan điểm, mức định giá hấp dẫn chưa hẳn là kèm theo việc xác nhận tạo đáy.

“Việc tạo đáy của nhóm ngành chứng khoán sẽ đi kèm với việc thị trường xác nhận đáy hay chưa, hiện tại, ngưỡng 1.000 điểm của chỉ số

VN-Index ít nhiều có hy vọng tạo đáy. Nếu ngưỡng 1.000 điểm bị xuyên thủng, thị trường cần thời gian để đi tìm điểm cân bằng mới và nhóm chứng khoán cũng như vậy. Cũng cần phần tích kỹ về mô hình kinh doanh của từng doanh nghiệp, bởi tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận của các mảng kinh doanh là không giống nhau”, ông Huy nói

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng, dù nhóm cổ phiếu chứng khoán đã giảm nhiều, phản ánh triển vọng nói trên, do đó cơ hội sẽ mở ra với nhóm chứng khoán nếu thị trường khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, ai cũng hiểu còn nhiều khó khăn phía trước, do đó, cần hết sức chọn lọc công ty chứng khoán để đầu tư trong giai đoạn hiện tại.

“Cổ phiếu chứng khoán đã rẻ rồi nhưng chưa chắc đã là đáy”, ông Khoa chốt lại.

Hoàng Anh

Share
Bài viết bởi

F.admin

Bình luận đã bị đóng.