Tháng 3/2022, với sự hậu thuẫn của GreenFeed, G Kitchen đã mở được 95 cửa hàng ở miền Nam, nhưng hiện tại chỉ còn 19. Hoàng Anh Gia Lai từng có 200 cửa hàng Bapi Food song giờ họ đã thoái hết vốn khỏi đây. Với kinh nghiệm dày dặn…
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Masan quyết mua lại chuỗi siêu thị VinMart/VinMart thuộc VinCommerce (giờ đã đổi thành WinMart/WinMart thuộc WinCommerce) từ Vingroup là sở hữu và phát triển một hệ thống phân phối riêng. Thương hiệu mới của Masan thời điểm đó – thịt mát MeatLife sớm có vị thế vững chắc trên thị trường một phần nhờ được phân phối rộng khắp trên hệ thống siêu thị khổng lồ WinMart/WinMart , bên cạnh hệ sinh thái gia vị – thực phẩm đa dạng đã có chỗ đứng như nước mắm, nước tương, mì gói hay xúc xích…
Tất nhiên, không chỉ Masan mà nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cũng nhìn ra điều này, ví dụ như GreenFeed, Ba Huân hay Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là một bài toán không dễ giải, nhất là với các DN không có quá nhiều sản phẩm có thể bày bán tới người tiêu dùng đầu cuối.
Năm 2019, nhà sản thức ăn chăn nuôi và thịt nổi tiếng GreenFeed đã cho ra mắt thương hiệu thực phẩm B2C tên G với thương hiệu tiêu biểu là thịt mát G Kitchen, cùng phân khúc thịt mát mà MeatDeli của Masan ra mắt năm 2018.
Vào tháng 3/2022, G Kitchen từng chia sẻ là họ có 95 cửa hàng tại khu vực miền Nam, cụ thể là ở TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Nhưng hiện tại, trên website chính thức, G Kitchen hiện có 19 cửa hàng tọa lạc tại TP.HCM.
Trong các cửa hàng của G Kitchen có thịt tươi heo bò gà cá (mát và đông lạnh); đồ nguội như giò chả – xúc xích – thịt viên; đồ khô – đồ ăn vặt như da cá – lạp xưởng, pate; bữa ăn tiện lợi như thực phẩm ready to cook và ready to eat…
Về phần mình, vào giữa năm 2023, Ba Huân đã cho ra mắt hàng loạt sản phẩm mới bên cạnh các sản phẩm thế mạnh truyền thống trứng gà – vịt; đó là thịt gà tươi và các loại thực phẩm ready to eat như chân gà xốt Thái, khô gà xé sợi, dồi sụn truyền thống, xúc xích, chà bông, lạp xưởng, ức gà, gà viên…
Vào cuối 2023, Ba Huân đã ra mắt cửa hàng tên “Ba Huân Fresh” nằm ở Quận 2 – TP.HCM.
“Sau hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển trong ngành chăn nuôi – lương thực thực phẩm, cung ứng những sản phẩm chủ yếu về trứng gia cầm, thịt gà tươi cho người tiêu dùng, Ba Huân đã chuyển mình sang giai đoạn trở thành công ty cung cấp các giải pháp thực phẩm sạch toàn diện cho khách hàng là người tiêu dùng, các đơn vị đối tác, doanh nghiệp đang có nhu cầu phát triển trong ngành ẩm thực.
Ba Huân Fresh Store không chỉ là điểm đến mua sắm thực phẩm hàng ngày mà còn là nơi mang đến trải nghiệm mua sắm độc đáo và chất lượng đối với khách hàng. Với diện tích thiết kế hiện đại và bày biện đẹp mắt, cửa hàng mới của Ba Huân sẽ cung cấp một loạt các sản phẩm đa dạng, từ thịt gà tươi sống đến các sản phẩm thực phẩm chế biến đóng gói chất lượng cao, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng“, Ba Huân thông cáo.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Ba Huân vẫn chưa mở thêm bất cứ cửa hàng nào ngoài tiệm đầu tiên kể trên.
Sau Covid-19 là suy thoái kinh tế, mặt bằng bán lẻ trở nên dư thừa, việc mở chuỗi cửa hàng không phải là điều gì đó quá khó khăn. Tuy nhiên, làm sao để vận hành hiệu quả, nhanh chóng hòa vốn và có lời, hoặc tác động tốt lên việc kinh doanh của doanh nghiệp trong bức tranh tổng thể là nhiệm vụ không dễ thực hiện. Sự rút lui của Hoàng Anh Gia Lai khỏi liên minh BapiFood vẫn là một bài học nhãn tiền cho tất cả.
Năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai hợp tác với Công ty dược phẩm Đông Á thành lập công ty CP Bapi Food nhằm phân phối các nông sản mà họ sản xuất được như thịt heo ăn chuối – thực phẩm chế biến, gà – bò, chuối, mít, xoài, rau củ… Bapi có vốn điều lệ khoảng 50 tỷ đồng, HAGL chiếm 55% vốn góp, nên Bapi Food là công ty con của họ. Chiến lược này đi đúng theo xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp: từ nông trại đến bàn ăn.
Đến đầu năm 2023, HAGL cho hay họ đã chuyển nhượng bớt cổ phần tại Bapi. Cụ thể, Bầu Đức cho biết mời thêm ông Đỗ Xuân Diện (thành viên HĐQT của THACO và một lãnh đạo của HNG) tham gia nắm 35% vốn tại Bapi. Như vậy, sau khi hoàn tất việc phát hành và tăng vốn, sang nhượng, Bapi không còn là công ty con của HAGL
Đến tháng 8/2023, Bầu Đức có chia sẻ về vài khó khăn của Bapi. Theo ông thì HAGL nuôi heo không lỗ, chỉ có Bapi lỗ do hệ thống phân phối chưa ổn, nhưng lỗ không đáng kể.
Lãnh đạo HAGL thẳng thắn thừa nhận, hệ thống phân phối Bapi Food của HAGL không đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nói chung là thực tế rất khốc liệt. Trong năm 2022, Bapi đã mở gần 200 cửa hàng nhưng chuỗi này kinh doanh không đạt yêu cầu, ghi nhận lỗ. Vì vậy, Bapi Food đã giảm số lượng cửa hàng xuống chỉ còn 52 cửa hàng – siêu thị (trong đó 46 cửa hàng đặt tại TP.HCM).
Còn hiện tại thì HAGL đã thoái hết vốn khỏi Bapi Food. Sự rút lui của ‘linh hồn’ Hoàng Anh Gia Lai gần như khai tử thương hiệu Bapi Food. Hiện, HAGL tự phân phối thịt heo của mình trên website heoanchuoihagl.vn/Zalo và 4 cửa hàng vật lý tại TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương. Ngoài ra, DN này cũng chỉ tập trung vào 3 sản phẩm nông nghiệp chủ lực là heo, chuối và sầu riêng.
Cũng như tất cả các nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu ở Việt Nam, KIDO chưa bao giờ từ bỏ kế hoạch xây dựng chuỗi phân phối riêng của mình, đặc biệt là cho mảng thực phẩm lạnh như kem và bánh. Tuy nhiên, cái duyên của KIDO vẫn chưa tới, khi 2 lần họ quyết tâm mở chuỗi cà phê – trà – bánh đều chưa thu được thành công.
Sau khi mua lại Thọ Phát năm 2023 và quan sát mô hình cửa hàng MiniBao mà Thọ Phát đang làm, KIDO đã nảy ra ý tưởng khác. Có thể cách tiếp cận trước đây của họ chưa đúng, vì thị trường chuỗi quán cà phê quá cạnh tranh và đầu tư lớn. Thậm chí chưa kịp nhân bản rộng khắp thì bản thân chuỗi Chuk đã không thể gồng nổi chi phí nhân sự và mặt bằng. Trong khi đầu tư mô hình MiniBao lại dễ cân chỉnh về chi phí và quy mô.
Thọ Phát đã vận hành mô hình MiniBao theo hình thức nhượng quyền khi hợp tác với những người dân có mặt bằng nhỏ và muốn kiếm thêm thu nhập. Lúc đó, Thọ Phát chủ yếu chỉ làm ở TP.HCM. Sau khi tiếp quản Thọ Phát, KIDO đã đặt rất nhiều hy vọng vào chuỗi này và hiện họ đang trong quá trình mở cấp tập khắp cả nước.
“Chúng tôi đã triển khai kế hoạch này được 45 ngày và có 150 cửa hàng trên toàn quốc – tất cả đều có lời. Tới cuối năm 2024, chúng tôi sẽ tăng lên 500 cửa hàng. Sau mỗi 500 cửa hàng, chúng tôi sẽ dừng lại một chút để đánh giá các KPI, cũng như điều chỉnh và thay đổi những điểm chưa phù hợp“, ông Mai Xuân Trầm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO chia sẻ trong ĐHCĐ 2024 của KIDO.
Các cửa hàng MiniBao trước đây thường bán bánh bao – dimsum – hamburger là chủ yếu; còn MiniBao phiên bản mới 2024 có bán thêm xôi. Mới đây, KIDO đã mở thêm 1 quầy bán bánh trung thu ở các cửa hàng MiniBao, để bán bánh Trung Thu 2 thương hiệu Thọ Phát và KIDO.
“Như đã đề cập, năm nay là lần đầu tiên chúng tôi đưa Thọ Phát sản xuất và kinh doanh Bánh Trung Thu. Qua đó, chúng tôi cho ra mắt những bộ sản phẩm mới khắc họa rõ nét những chi tiết, những hình ảnh Trung thu quen thuộc: Con lân, lồng đèn… trong thiết kế bao bì, đồng thời thông qua các loại nhân xốt truyền thống như đậu xanh, khoai môn, sữa dừa, hạt sen, thập cẩm… người tiêu dùng có thể thả hồn và tận hưởng những hương vị của tuổi thơ.
Đối với KIDO’s Bakery, chúng tôi tiếp tục hướng đến định vị truyền thống cao cấp với những loại nhân xốt độc đáo, thượng hạng, mỹ vị 5 sao của thế giới như bào ngư, vi cá, tôm Alaska, sò điệp… nhằm đáp ứng nhu cầu biếu tặng. Bản thân tôi là người có niềm đam mê lớn với ẩm thực, đã thử qua tất cả các hương vị của mùa này và tôi rất hài lòng với chúng” – ông Trần Lệ Nguyên – CEO Tập đoàn KIDO cho biết.
Với sự hợp lực của chuỗi MiniBao và thương hiệu mới Thọ Phát, KIDO cho hay họ đang nỗ lực hướng đến mục tiêu dẫn đầu thị trường Trung Thu ở phân khúc truyền thống (tức chiếm 50% thị phần thị trường bánh Trung Thu), trở thành đơn vị đứng thứ 2 thị trường bánh Trung Thu tại Việt Nam. Chuỗi MiniBao sẽ là miếng ghép cần thiết cho tham vọng gia nhập cuộc chơi bán hàng O2O – Online đến Offline mà vị CEO của họ hay nói đến.
“Tôi muốn KIDO khôi phục được bản chất và quy mô vốn có. Tôi kỳ vọng nhiều vào hệ thống 12.000 cửa hàng miniBao bán bánh bao – dimsum Thọ Phát trong vài năm tới“, ông Trần Kim Thành – Chủ tịch Tập đoàn KIDO từng bày tỏ.
Không chỉ KIDO mà các DN sản xuất F&B lớn tại Việt Nam cũng đang nín thở chờ kết quả của dự án MiniBao, xem thử ‘anh cả’ này có giải được bài toán tự xây dựng chuỗi siêu khó này hay không.
An ninh tiền tệ