(KTSG Online) – Ngành công nghiệp giải trí đang có sự giao thoa mạnh mẽ với các lĩnh vực kinh doanh khác. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh sử dụng câu chuyện giải trí, từ phim ảnh, âm nhạc, thể thao và người nổi tiếng để làm nổi bật thương…
(KTSG Online) – Ngành công nghiệp giải trí đang có sự giao thoa mạnh mẽ với các lĩnh vực kinh doanh khác. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh sử dụng câu chuyện giải trí, từ phim ảnh, âm nhạc, thể thao và người nổi tiếng để làm nổi bật thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ của mình.
Gần đây nhất là sự kiện Ngân hàng SHB thuê máy bay đưa cổ động viên sang Thái Lan, cổ vũ đội tuyển Việt Nam thi đấu trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024. Những người tham gia được tài trợ miễn phí bao gồm khách hàng thân thiết và khách hàng may mắn khi gửi tiền mới.
Lĩnh vực âm nhạc, với nhiều chương trình truyền hình thực tế kết hợp các buổi đại nhạc hội, đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ các ngân hàng. Số lượng các chương trình đã tăng mạnh sau một vài thành công đáng kể trong năm 2023.
Ví dụ, chương trình “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” với sự tham gia của Yeah1 và Techcombank với vai trò là “nhà đồng đầu tư”. Yeah1 từng ghi dấu với chương trình “Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng” trong năm ngoái. Cả hai đều được mua bản quyền từ Trung Quốc.
Đối thủ cạnh tranh gay gắt với chương trình này là “Anh Trai Say Hi”, được tổ chức bởi Vie Channel, với Ngân hàng VIB giữ vai trò nhà tài trợ kim cương. Trướ đó, ngân hàng này cũng đồng hành với nhiều gameshow nổi tiếng khác như “Ca Sĩ Mặt Nạ”, phiên bản Việt của Hàn Quốc, hay Rap Việt.
Trong năm 2023, nhiều ngân hàng cũng đã gắn liền thương hiệu của mình với những gameshow. Chẳng hạn, ngân hàng MB với chương trình “Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng”, VPBank tài trợ độc quyền cho “Big Song Big Deal”, chương trình tìm kiếm tài năng vừa hát vừa sáng tác. Trước đó, VPBank cũng là nhà tài trợ chính đưa về ban nhạc Westlife, gắn liền với ký ức của thế hệ gen Y. VietinBank trở thành đối tác đồng hành trong “Show của Đen” năm 2023, một rapper Việt Nam trở thành sao hạng A trong những năm gần đây.
Một điểm đáng chú ý là nhiều ngân hàng trở thành nơi cung cấp vé sớm cho các đêm nhạc hội. Chẳng hạn, ngân hàng số Cake định vị trở thành nền tảng bán vé độc quyền cho các đêm diễn, trước đó là ca sĩ Hoàng Thùy Linh hay Mỹ Tâm. Khán giả Việt cũng có thể “đu idol” các sự kiện nước ngoài, như ngân hàng UOB với đêm diễn The Eras Tour tại Singapore của nữ ca sĩ quốc tế nổi tiếng Taylor Swift.
Không chỉ ngân hàng, tập đoàn Vingroup cũng đang thúc đẩy sự phát triển mô hình kết hợp giữa âm nhạc, du lịch và giải trí. “Bắt đầu ra mắt từ năm 2023, VinWonders tập trung phát triển sản phẩm theo các chiến dịch mùa lễ hội, trong đó đặc biệt cho ra mắt sản phẩm 8Wonder đón đầu xu hướng du lịch của thế giới”, báo cáo thường niên của Vingroup năm 2023 có đoạn.
Trong chuỗi sự kiện lễ hội kéo dài, tâm điểm là sự kiện “siêu đại nhạc hội” 8Wonder với sự góp mặt của các ca sĩ và ban nhạc nổi tiếng thế giới. Những cái tên như Charlie Puth, Maroon 5, hay gần đây nhất là Imagine Dragon với hai đêm diễn ở Hà Nội và TPHCM.
Trong năm qua, hai chương trình “Anh Trai” đã “gây bão” trên mạng xã hội, thu hút sự tranh cãi và so sánh của người hâm mộ về dàn sao, sức ảnh hưởng cũng như số lượng khán giả tham gia. Con số tổng số người tham gia lên đến 50.000 trong các đêm diễn là khả thi, cho thấy sức hút mạnh mẽ từ những câu chuyện mới mẻ.
“Sự đầu tư bài bàn, dàn dựng sáng tạo nâng tầm các sự kiện âm nhạc trong nước, trở thành điểm hẹn văn hóa nổi bật và đặc biệt thu hút giới trẻ”, báo cáo phát hành đầu năm 2025 của Z-lab (một sản phẩm của VC Corp) đánh giá. Thống kê cho thấy người hâm mộ từ 18-30 tuổi chiếm 70% lượng vé bán ra. Các vé mở bán từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng hết rất nhanh, trong khi đã xuất hiện hạng cao cấp với giá vé từ 15-20 triệu đồng.
Những chương trình truyền hình thực tế gần đây làm tốt khâu truyền thông, giúp thu hút được phần lớn sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, yếu tố thành công đầu tiên có thể kể đến là tập hợp được nhiều “thần tượng”, từ đó thu hút fan hâm mộ và các cộng đồng người hâm mộ khác nhau, góp phần gia tăng quy mô cho các sự kiện.
Theo bà Lê Hồng Bảo Quyên, Giám đốc Tăng trưởng (CGO) của Metub Network, mạng lưới các nhà sáng tạo nội dung số, chia sẻ trong buổi tọa đàm trực tuyến về xu hướng Truyền thông Tiếp thị 2025 do Endeavor tổ chức mới đây, việc sử dụng người nổi tiếng hay nội dung giải trí để bán hàng sẽ tiếp tục phát triển, bởi đây là “con đường ngắn nhất để gắn kết sản phẩm với khách hàng”.
Việc các nhãn hàng, bao gồm cả ngân hàng và doanh nghiệp tham gia tài trợ, quảng bá không chỉ giúp tăng cường nhận diện thương hiệu mà còn tạo kết nối với khách hàng thông qua các giá trị và mối quan tâm chung. Các chương trình giải trí thường gắn liền với những cảm xúc tích cực, từ đó dễ tạo nên mối liên kết với khách hàng, bước tiếp theo là “thúc” khách hàng chấp nhận bỏ tiền.
Cách làm của các nhà băng năm nay đặc biệt ở chỗ gắn liền với cơn sốt “săn vé 0 đồng”. Việc mở bán độc quyền của nhà băng không chỉ khuyến khích mở thêm tài khoản, gửi tiền, thậm chí lên đến hàng tỉ đồng, để được trao cơ hội “săn vé” tham gia.
Một ví dụ thành công có thể kể đến là Techcombank khi gắn liền với tính năng “sinh lời tự động” trên ứng dụng vào đầu năm 2024. Tương tự, ngân hàng SHB ngay sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan trên sân Việt Trì, ngay lập tức đưa ra chương trình khuyến mãi tiền gửi để nhận vé tài trợ đi Thái Lan.
Dù các chiến dịch marketing giải trí đã nở rộ trong năm qua nhưng cũng không tránh khỏi những thách thức. Đầu tiên, các chương trình có xu hướng độc quyền và quy tụ nhiều nhân vật nổi tiếng thường yêu cầu ngân sách rất lớn. Có lẽ vì vậy mà hiện nay sân khấu chỉ xuất hiện những ông lớn trong nước hoặc chỉ một số nhãn hàng tiêu dùng nhanh đa quốc gia.
Thách thức tiếp theo là câu chuyện của con người. Đối tượng của các chương trình hiện nay là giới trẻ, đặc biệt là gen Z, những người được cho là sẵn lòng chi tiền nhiều hơn câu chuyện giải trí. Tuy nhiên, các chuyên gia marketing thường bày tỏ lo ngại về mức độ trung thành cũng như “độ dày” của túi tiền.
Thách thức thứ ba là duy trì sự sáng tạo liên tục. Số lượng chương trình ca nhạc quá nhiều có thể pha loãng chất lượng nội dung. Việc góp mặt trong các sản phẩm giải trí là không mới nhưng để thương hiệu xuất hiện tự nhiên và không gây khó chịu là câu chuyện khác.
Bên cạnh đó, yếu tố giải trí quá mức có thể che mờ tính nghệ thuật cần thiết của chương trình. Thực tế có không ít chương trình truyền hình thực tế là ca nhạc nhưng người xem lại chú ý ở khâu “diễn hài”. Doanh nghiệp sẽ gặp thách thức tìm kiếm nội dung giải trí phù hợp với thông điệp, giá trị thương hiệu và sản phẩm dịch vụ của mình. “Việc ‘các anh trai, chị đẹp” tham gia bán hàng quá nhiều đã khiến mọi thứ có vẻ ‘hơi quá’. Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu của xu hướng kết hợp giữa thương mại và giải trí, và ngành sẽ dần điều chỉnh để tinh tế hơn trong tương lai”, Quyên của Metub đánh giá.
TÁC GIẢ: DŨNG NGUYỄN – TRÌNH BÀY: THU TRANG