Tính từ vùng đáy, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng 30 – 50%. Do đó, triển vọng nào cho cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm… Cổ phiếu ngân hàng vừa trải qua tuần giao dịch ấn tượng…
Cổ phiếu ngân hàng vừa trải qua tuần giao dịch ấn tượng nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Trong tuần 28/11-2/12, có tới 26/27 mã ngân hàng tăng giá với hàng loạt cổ phiếu có tỷ suất sinh lời 10 – 25%.
Trong đó, TCB là mã tăng mạnh nhất tuần qua (25,2%) với 5 phiên tăng giá liên tiếp trong đó có 3 phiên tăng 5 – 7%. Kết tuần, cổ phiếu này dừng tại mức 28.800 đồng/cp, tăng khoảng 39% so với mức đáy ghi nhận vào ngày 15/11. Song, mức giá này vẫn chỉ bằng một nửa so với vùng đỉnh xác lập vào cùng kỳ năm trước.
SHB với diễn biến tương tự với mức tăng 20,4%, đóng cửa tuần tại mức giá 11.200 đồng/cp. Nhờ diễn biến tích cực tuần qua, cổ phiếu SHB đã vượt lên trên mệnh giá.
VIB cũng thuộc nhóm ngân hàng dẫn đầu tăng giá trên sàn HoSE với 2 trên 3 phiên gần nhất tím trần, đi cùng mức thanh khoản cao nhất kể từ khi niêm yết (tháng 1/2017).
Bên cạnh những mã kể trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng đạt mức tăng giá 2 con số trong tuần qua như ABB (+17,5%), VCB (+16,3%), MBB (+16%), LPB (14,1%),… Với sự bứt tốc trong tuần qua, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng được 30-50% từ đáy như LPB (50%), CTG (40%),…
Đà tăng giá của nhóm cổ phiếu “vua” đi cùng với sự cải thiện rõ rệt về thanh khoản. Cụ thể, thanh khoản khớp lệnh toàn ngành tuần qua đạt gần 16.500 tỷ đồng, tương đương gần 3.300 tỷ đồng/phiên, tăng 77% so với tuần trước.
Diễn biến tích cực tại nhóm ngân hàng trong khoảng 2 tuần gần đây xuất hiện sau nhịp giảm sâu hồi tháng 9 và tháng 10, đưa nhiều mã về vùng giá hấp dẫn.
Trong báo cáo cập nhật ngành mới phát hành, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết đợt sụt giảm mạnh của thị trường đã đưa giá cổ phiếu ngân hàng về vùng hấp dẫn. Mặc dù đánh giá lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý 4/2022 và nửa đầu năm 2023, tuy nhiên, với định giá vẫn ở mức thấp, ACBS đánh giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ là những cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.
Tương tự, công ty chứng khoán BSC nhận định, cổ phiếu ngân hàng đang có mức chiết khấu tương đối sâu so với giai đoạn lịch sử, trong khi đó, sức khoẻ tài chính của các nhà băng vẫn tương đối tốt, do đó xứng đáng có mức định giá cao hơn so với thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, một số cơn gió ngược chiều vẫn có thể ảnh hưởng lên ngành ngân hàng trong năm 2023 như suy thoái kinh tế thế giới, xu hướng tăng tỷ lệ chi phí tín dụng và tỷ lệ trích lập dự phòng sẽ hạn chế phần nào triển vọng định giá và tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng quý 4/2022 và năm 2022.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán VnDirect cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây, và ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do đó, định giá ở mức thấp nhất lịch sử 1,0 lần P/B năm 2023 đang mở ra một cơ hội đầu tư hết sức hấp dẫn. Với bối cảnh hiện tại, nhóm phân tích này ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động.
Tuy nhiên, VnDirect cũng lo ngại về khả năng tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) bị thu hẹp do chi phí huy động tăng. Nhóm phân tích dự báo chi phí vốn của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh trong năm 2023, và lợi suất tài sản (asset yield) khó có thể tăng đủ mạnh để bù đắp do lãi suất cho vay khó tăng mạnh khi chính phủ đang kêu gọi giảm lãi suất để chia sẻ gánh nặng cùng khách hàng.
Theo VnDirect, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Hiện VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất trong danh sách nghiên cứu của VnDirect lần lượt ở mức 87% và 64%.
Trên phương diện CASA, Techcombank, MB và Vietcombank là những ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt nhất hệ thống. Trong khi Vietcombank đặc biệt gây ấn tượng khi đã là một trong số ít ngân hàng cải thiện được tỷ lệ CASA từ đầu năm, với động lực chính đến từ chính sách “zero-fee” ngân hàng đã triển khai từ đầu năm nay.
Nhịp sống Thị trường