Prudential Việt Nam đầu tư hơn 11.547 tỷ đồng, Manulife Việt Nam có hơn 7.876 tỷ đồng, Tập đoàn Bảo Việt đầu tư chứng khoán 2.925 tỷ đồng, AIA Việt Nam rót 2.120 tỷ đồng vào cổ phiếu, Dai-ichi Việt Nam có gần 1.637 tỷ đồng. Ngành kinh doanh bảo…
Ngành kinh doanh bảo hiểm có đặc thù là dòng tiền đều đặn và nắm giữ lượng tiền lớn của khách hàng. Số tiền này thường được các công ty bảo hiểm sử dụng một phần để đầu tư, tạo thêm nguồn thu nhập trả lãi khách hàng.
Thông thường, số tiền phí thu từ khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đem gửi ngân hàng hoặc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu địa phương. Ngoài ra, một phần trong lượng vốn này cũng được các công ty bảo hiểm dùng để mua các loại tài sản rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp…
Chẳng hạn, tại ngày 31/12/2022, Tập đoàn Bảo Việt có giá trị các khoản chứng khoán kinh doanh đạt 2.925 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu niêm yết chiếm tỷ trọng lớn nhất với 2.394 tỷ đồng, còn lại là cổ phiếu chưa niêm yết, chứng chỉ quỹ và trái phiếu.
Các cổ phiếu niêm yết mà Tập đoàn Bảo Việt đầu tư gồm mã VNR của Tổng Công ty CP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (266 tỷ đồng), POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (244 tỷ đồng), CTG của VietinBank (391 tỷ đồng), VNM của Vinamilk (418 tỷ đồng)… Hiện tại, Tập đoàn Bảo Việt trích lập dự phòng thua lỗ 253 tỷ đồng cho số cổ phiếu niêm yết đang đầu tư.
Các cổ phiếu chưa niêm yết do Tập đoàn Bảo Việt nắm giữ có giá trị gần 79 tỷ đồng, là của Tổng Công ty MBLand, Công ty CP Thuỷ sản Cà Mau…
Báo cáo tài chính của Tập đoàn Bảo Việt cho thấy, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lãi ròng hơn 187 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán trong năm 2022, thấp hơn nhiều mức 474 tỷ đồng của năm 2021.
Tương tự, Prudential Việt Nam cũng đang đầu tư hơn 11.547 tỷ đồng vào chứng khoán niêm yết và chứng khoán giao dịch trên sàn Upcom vào cuối năm 2022, tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với năm 2021.
Hiện tại, Prudential Việt Nam đang là doanh nghiệp bảo hiểm đang đầu tư vào chứng khoán với số tiền lớn nhất. Tuy nhiên, Prudential không nêu cụ thể các mã chứng khoán mà đơn vị này đang nắm giữ và cũng không có thông tin về trích lập dự phòng thua lỗ.
Cuối năm 2022, danh mục cổ phiếu theo giá gốc đầu tư của Manulife Việt Nam ghi nhận hơn 7.876 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu niêm yết là hơn 7.875 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty này còn rót 1.500 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp và hơn trăm tỷ đồng vào các quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng.
Đáng chú ý, Manulife đã lỗ ròng hơn 388 tỷ đồng từ mua bán cổ phiếu trong năm 2022, trái ngược lại so với mức lãi lớn hơn 1.169 tỷ của năm trước.
Trong 5 năm qua, Manulife Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng giá trị danh mục cổ phiếu khoảng 49%/năm. Năm 2017, giá trị đầu tư vào cổ phiếu của công ty này mới vào khoảng 1.195 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2022 đã tăng lên 7.875 tỷ.
Giá trị danh mục cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp Manulife đầu tư trong giai đoạn 2017 – 2022 cũng thường xuyên chiếm gần một nửa giá trị khoản đầu tư ngắn hạn.
Tại Dai-ichi Việt Nam, doanh nghiệp này có gần 1.637 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết tại thời điểm ngày 31/12/2022, tăng gần gấp đôi mức ghi nhận cuối năm 2021.
Mức tăng trưởng giá trị danh mục cổ phiếu bình quân tại Dai-ichi Việt Nam lên tới hơn 103%/năm trong các năm 2017 – 2022, đưa giá trị danh mục đầu tư cổ phiếu từ mức 95 tỷ đồng năm 2017, lên 1.837 tỷ đồng vào cuối năm 2022.
Tỷ lệ đầu tư vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp của Dai-ichi Việt Nam cũng tăng từ mức dưới 10% giai đoạn 2017 – 2019, lên 37% vào năm 2022.
Với AIA Việt Nam, số tiền công ty bảo hiểm này rót vào cổ phiếu là gần 2.120 tỷ đồng, tăng 545 tỷ so với cuối năm trước. AIA Việt Nam cho biết giá trị hợp lý của danh mục cổ phiếu này là hơn 2.004 tỷ đồng, tương ứng dự phòng lỗ gần 116 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng danh mục cổ phiếu của AIA trong 5 năm gần nhất cũng đạt bình quân 46%/năm. AIA cũng duy trì tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp trên tổng các khoản đầu tư ngắn hạn khoảng 15%.
Như vậy, 5 công ty bảo hiểm lớn nhất thị trường đang đầu tư hơn 25.500 tỷ đồng vào cổ phiếu (hơn 1 tỷ USD) và phần lớn đang phải chịu lỗ do thị trường chứng khoán lao dốc.
Tiền Phong