Theo ông Đinh Quang Hinh, nhà đầu tư nên chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu khi VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 1.065-1.080 điểm và chờ kiểm định lại vùng đáy ngắn hạn 1.035-1.040 điểm. Thị trường chứng khoán có tuần giao dịch với nhiều biến động khi áp…
Thị trường chứng khoán có tuần giao dịch với nhiều biến động khi áp lực bán xuất hiện liên tiếp vào 2 ngày đầu tuần khiến chỉ số đã có lúc lùi về vùng 1.030 điểm trước khi hồi phục vào những phiên cuối tuần.
Không như những tuần trước, giao dịch khối ngoại không còn là lực đỡ cho thị trường khi họ quay đầu bán ròng gần 400 tỷ đồng sau 5 phiên giao dịch. Thanh khoản sụt giảm mạnh cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng trở lại với thị trường, giá trị giao dịch trung bình trên cả HOSE chỉ đạt trên 8.600 tỷ đồng/phiên.
Vậy diễn biến thị trường tuần tới sẽ thế nào? Chúng tôi đã trao đổi với một số chuyên gia tài chính về góc nhìn trong tuần giao dịch tới.
Hạ tỷ trọng cổ phiếu khi VN-Index tiến đến vùng 1.065-1.080 điểm
Ông Đỗ Thanh Tùng – Chuyên gia thị trường Chứng khoán Rồng Việt : Thị trường trong trạng thái tích lũy trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ mang tính bền vững. Mặc dù hi vọng đã được nhen nhóm khi có những động thái tích cực từ các cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến lĩnh vực bất động sản trong tuần vừa qua như bản dự thảo nghị định 65 sửa đổi, Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Dù vậy, nội dung từ buổi Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS khiến nhà đầu tư không mấy kỳ vọng vấn đề dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được giải quyết một cách nhanh chóng.
Tôi cho rằng đây là giải pháp đúng đắn của Chính phủ để nỗ lực uốn nắn nguồn cung về phân khúc và giá cả phù hợp nhu cầu của thị trường. Song thông điệp có thể tạm thời làm thất vọng những NĐT vốn đang kỳ vọng có những gói “giải cứu” lớn và mạnh cho ngành BĐS, dẫn đến áp lực bán mạnh hơn trong phiên cuối tuần. Trong giai đoạn trống thông tin hỗ trợ hiện tại, chuyên gia cho rằng xu hướng giằng co đi ngang có thể sẽ tiếp diễn trong tuần tới.
Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VNDirect : Trong tuần qua, thị trường đón nhận một số thông tin hỗ trợ như việc một số ngân hàng thương mại chủ động hạ lãi suất huy động và cho vay, Nghị định 65 sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được xem xét thông qua. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Điều này giúp cổ phiếu ngành bất động sản có xu hướng phục hồi trong những phiên cuối tuần.
Mặc dù vậy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn yếu, thể hiện qua việc thanh khoản thị trường ở mức thấp. Thị trường sẽ gặp thử thách trong tuần tới khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 1.065- 1.080 điểm. Nếu không vượt qua được kháng cự trên với thanh khoản cải thiện, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ điều chỉnh trở lại và kiểm định vùng đáy ngắn hạn 1.035-1.040 điểm một lần nữa trước khi xác định xu hướng rõ ràng hơn.
Do đó, nhà đầu tư nên chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu khi VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 1.065-1.080 điểm và chờ kiểm định lại vùng đáy ngắn hạn 1.035-1.040 điểm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị danh mục, hạn chế tối đa sử dụng margin ở thời điểm hiện tại để phòng ngừa rủi ro.
Ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích – Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco
Mặc dù thông tin về việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay đã xuất hiện và một số cuộc họp tháo gỡ những vấn đề gần đây của các doanh nghiệp bất động sản đã được triển khai trong tuần trước, tuy nhiên sự kiện này sẽ cần có thời gian để thẩm thấu và thị trường khó có thể bật tăng mạnh trong ngắn hạn.
Ngoài ra, thị trường cũng bắt đầu bước vào giai đoạn vùng trũng thông tin, do đó tôi cho rằng áp lực bán có thể sẽ mạnh hơn khi VN-Index tiến tới vùng 1.060-1.075 điểm. Nhà đầu tư cũng nên lưu ý mốc hỗ trợ 1.050 điểm, trong trường hợp điểm số thị trường xuống dưới vùng này, có thể chỉ số sẽ cần kiểm định lại vùng 1.030 điểm.
Đằng sau động thái quay đầu bán ròng của khối ngoại
Ông Đỗ Thanh Tùng: Nguyên nhân khối ngoại giảm mua ròng là do dòng tiền từ ETF chững lại. Các quỹ ETF ngoại hút ròng rất mạnh trong thời gian 4 tháng vừa qua, khoảng gần 900 triệu USD (mạnh nhất trong T11 và T12 năm ngoài). Cho tới tháng 2, trạng thái hút ròng đang suy yếu ở các quỹ ETF lớn như Fubon, VanEck và Ishares MSCI. Các quỹ chủ động đã giải ngân phần lớn lượng tiền mặt. Từ tháng 10-2022 tới cuối tháng 1-2023, tỷ lệ tiền mặt của các quỹ chủ động đã giảm từ mức gần 13% về khoảng 4,8%, đây là một động lực cho giai đoạn tăng điểm của thị trường trong khoảng thời gian này.
Mức tỷ lệ tiền mặt thấp này sẽ hạn chế sức mua của khối ngoại trong ngắn hạn, trừ khi các quỹ chủ động thu hút được lượng tiền mới. Ngoài ra, bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới vẫn đang trong giai đoạn “tranh tối, tranh sáng” khi mà lãi suất chưa phát tín hiệu đạt đỉnh, phần lớn dòng vốn đầu tư vẫn được phân bổ vào trái phiếu. Do vậy, khó có khả năng kỳ vọng có dòng vốn ngoại sẽ gia nhập thị trường mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Khối ngoại kể từ tháng 11/2022 tới nay đã là điểm tựa hỗ trợ tương đối vững chắc cho thị trường sau nhịp giảm điểm mạnh khi họ gia tăng quy mô mua ròng trên HOSE với giá trị trên 34.000 tỷ đồng. Trong cùng giai đoạn, VN-Index đã có sự hồi phục khoảng 30% kể từ đáy.
Như vậy, tôi cho rằng việc khối ngoại thực hiện bán ròng trên 400 tỷ đồng tại HOSE tuần qua trước hết sẽ mang một phần yếu tố chốt lời sau nhịp mua ròng liên tục. Bên cạnh đó, việc mặt bằng lãi suất giai đoạn vừa qua đã duy trì ở mức cao cũng là điều kiện để dòng tiền chuyển dịch sang các lớp tài sản an toàn hơn như kênh tiền gửi.
Cuối cùng, tôi cho rằng mặt bằng định giá đã cao hơn đáng kể so với giai đoạn tháng 11/2022, đặc biệt khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phi tài chính có sự phân hoá rõ nét. Vì vậy, dòng tiền của khối ngoại có xu hướng yếu đi cũng là điều tương đối phù hợp.
Định giá thị trường tăng lên có đáng ngại?
Ông Đỗ Thanh Tùng: Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trên HOSE đã giảm 30% so với cùng kỳ trong Q4/2022. Thị trường cũng đã bắt đầu chiết khấu cho bức tranh lợi nhuận kém khả quan này, tuy nhiên, mức điều chỉnh là chưa lớn khi nhóm cổ phiếu vốn hóa như lớn là Ngân hàng vẫn được nâng đỡ khá tốt, một phần nhờ tốc độ tăng trưởng LN tương đối ổn ở mức 21% so với cùng kỳ.
Nếu nhìn vào lịch sử của thị trường, những khoảng thời gian VN-Index có định giá thấp là vào 2011-2013 (NHNN thực hiện thắt chặt tiền tệ quyết liệt, ngành ngân hàng đi vào tái cấu trúc mạnh mẽ) hay vào tháng 4-2020 (Covid). Do đó, nếu như không có sự bất ngờ nào quá lớn về chính sách tiền tệ theo hướng tiêu cực thì rủi ro giảm định giá sâu của thị trường là tương đối thấp.
Mặc dù vậy, động lực tăng của thị trường vẫn sẽ tương đối hạn chế khi mặt bằng lãi suất đang duy trì ở mức cao, rủi ro biến động tỷ giá hiện hữu và đặc biệt là tăng trưởng LN vẫn đang nghiêng về kịch bản kém khả quan. Do đó, trong kịch bản cơ sở hiện tại, tôi kỳ vọng VN-Index sẽ duy trì xu hướng chủ đạo là dao động đi ngang với các giai đoạn tăng giảm đan xen, tìm kiếm vùng cân bằng trong quá trình phản ánh sự thay đổi về vĩ mô trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Có thể thấy mặt bằng định giá thị trường trong thời gian qua đã tăng lên đáng kể, một phần tới từ sự phân hoá về kết quả kinh doanh quý 4 của các nhóm ngành. Tôi cho rằng, với triển vọng của các doanh nghiệp có quy mô lớn trong năm 2023 có thể gặp nhiều thách thức, mức định giá P/E của thị trường có thể sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tôi nhìn nhận các yếu tố bất định của vĩ mô thế giới cũng như trong nước vẫn còn hiện hữu. Do đó, các cơ hội đầu tư trong năm nay sẽ cần phải sàng lọc kỹ lưỡng hơn và nhà đầu tư cũng cần phải nắm bắt các cơ hội trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, đối với mục tiêu nắm giữ dài hạn (khoảng 3-5 năm trở lên), tôi vẫn đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở vùng định giá hấp dẫn so với khu vực và dư địa tăng trưởng của nền kinh tế vẫn còn rất xán lạn.
Theo đó, nhà đầu tư với chiến lược nắm giữ dài hạn có thể nắm giữ các cổ phiếu thuộc nhóm ngành phòng thủ, ít biến động với chu kỳ nền kinh tế, có mức tăng trưởng đều đặn và tỷ suất sinh lời cổ tức ổn định để mua tích luỹ và nắm giữ.
Cơ hội vẫn xuất hiện tại một số nhóm cổ phiếu
Ông Đỗ Thanh Tùng: Trong bối cảnh thị trường tiếp diễn xu hướng đi ngang trong biên độ hẹp, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận tương đối là hạn hữu. Cơ hội đơn lẻ có thể xuất hiện ở các nhóm ngành như ngân hàng, liên quan đầu tư công (VLXD), v.v… khi thị trường có nhịp điều chỉnh.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Về chiến lược đầu tư, nhà đầu tư nên thận trọng trước quyết định giải ngân, đồng thời giữ danh mục ở vị thế tiền mặt an toàn. Tôi cho rằng, một số nhóm ngành đang thu hút dòng tiền thời điểm hiện tại nhà đầu tư có thể chú ý bao gồm:
Nhóm dầu khí trước các thông tin khởi sắc về giá dầu dự báo tăng cao và nguồn cung hạn chế thời gian tới.
Nhóm ngân hàng, tập trung vào nhóm quốc doanh khi các ngân hàng sẽ có thêm dư địa giải ngân cho vay cho các doanh nghiệp bất động sản làm ăn tốt, tình hình tài chính lành mạnh.
Nhóm điện, với tỷ suất cổ tức hấp dẫn, đang thu hút dòng tiền thị trường trong các phiên gần đây. Bên cạnh đó, đây cũng là nhóm cổ phiếu có thể nắm giữ trong dài hạn nhờ tỷ suất cổ tức cao so với mặt bằng chung.
Nhịp sống thị trường