Về dòng tiền, chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là cùng lúc chúng ta phải xử lý ba bài toán gồm ổn định vĩ mô, tỷ giá và cán cân thanh toán, an toàn hệ thống ngân hàng… Quan điểm về dòng tiền được TS. Võ…
Quan điểm về dòng tiền được TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đưa ra trong Talkshow do báo Đầu tư tổ chức sáng nay 18/11.
MC: Chuyên gia có bình luận gì về áp lực thanh khoản đối với doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung?
TS. Võ Trí Thành: Với Việt Nam có mấy đặc thù sau: Thứ nhất, trong những tháng đầu năm nay, do nhu cầu phục hồi kinh tế, tốc độ tăng tín dụng rất mạnh. Cả năm nay chúng ta định room tín dụng là khoảng 14% nhưng nếu so từng tháng của năm nay so với năm ngoái thì có những thời điểm tốc độ tăng room tín dụng đạt tới 17%. Những giai đoạn như vậy tổng cung tiền chỉ tăng 5-6% nhưng tín dụng tăng nhanh nên áp lực thanh khoản đối với không ít ngân hàng là rất khó khăn, đòi hỏi phải tăng lãi suất để huy động vào.
Thứ hai, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều năm trì hoãn dần dần tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nhưng nhiều tháng đầu năm nay, tỷ lệ tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản (cả cho nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng cá nhân vay để sửa chữa nhà hay là đầu tư thứ cấp) lại tăng nhanh hơn mức tăng trung bình của tín dụng.
Cho nên khi cho vay trung và dài hạn thì khoản vay có thể thu lại được theo thời gian lại giảm đi, chưa nói đến các vấn đề khó khăn, nợ xấu khi cho vay trung và dài hạn.
Khi khoản cũ thu lại chậm thì cho vay cũng khó. Bởi vì nếu thu hồi được khoản cũ mà cho vay thì không ảnh hưởng gì đến room tín dụng. Đây cũng là một lý do khiến cho khó tiếp cận khoản vay.
Đấy là lý do vì sao thanh khoản trên thị trường bên cạnh khó khăn tổng thể thì có những đặc thù của hệ thống tài chính của mình cũng như hoạt động huy động tín dụng trong năm nay. Có những giai đoạn có ngân hàng huy động được 10 đồng thì cho vay 9,5 đồng.
Một lý do nữa mà báo chí nói nhiều, đó là theo Ngân hàng Nhà nước, một lượng tiền rất lớn hàng trăm ngàn tỷ đồng của ngân sách qua phát hành trái phiếu để thực hiện đầu tư công phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển chưa chi được.
Chúng ta rất hy vọng đầu tư công sẽ trở thành động lực nhưng rất tiếc đầu tư công lại chậm.
Từ khoảng quý 3/2022 đến nay xuất khẩu cũng đã giảm và theo dự báo sang năm trụ đỡ về xuất khẩu này cũng sẽ giảm.
Nguyên nhân nữa là, khi thắt chặt tiền tệ bao giờ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tăng trưởng và hồi phục. Đó là cái phải đánh đổi mà thường nhiều nước phải làm. Việt Nam đang cố gắng một mặt giữ ổn định, mặt khác đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng và ít nhất cũng cố hạn chế được tác động tiêu cực từ bên ngoài do các điều kiện tài chính tiền tệ khó khăn ngặt nghèo hơn, để làm sao hạn chế tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất kinh doanh và phục hồi. Đó là một bài toán khó.
Vậy chúng ta đang mắc kẹt ở đâu trong câu chuyện dòng tiền?
Chúng ta vừa trao đổi rồi, từ câu chuyện chính sách, từ các kênh dẫn vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu (cổ phiếu có thị trường ảm đạm như hiện nay thì IPO rất khó khăn), các cách huy động vốn đều khó.
Một vấn đề nữa tôi muốn nói thêm là tâm lý phòng thủ hiện nay rất cao, người ta có thể có tiền nhưng không muốn xuống tiền. Nói vui trong giai đoạn này thì ai có tiền mặt là vua.
Đó là những lý do vì sao thanh khoản hiện nay lại khó khăn như vậy.
Khó lớn nhất hiện nay là cùng lúc chúng ta phải xử lý ba bài toán:
Thứ nhất là ổn định vĩ mô. Câu chuyện không chỉ đơn thuần là lạm phát, mặc dù phải nói thật lạm phát tính theo năm thì Việt Nam vẫn đang tăng, 10 tháng đầu năm nay cũng 4,3%, mục tiêu đạt được là lạm phát trung bình.
Thứ hai câu chuyện không chỉ vậy mà còn là tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế. Cán cân thanh toán quốc tế của chúng ta tuy không quá khó khăn nhưng không còn đẹp như những năm trước đây.
Thứ ba, bên cạnh ổn định vĩ mô còn là câu chuyện an toàn của hệ thống ngân hàng. Câu chuyện không chỉ là sản xuất kinh doanh ở những lĩnh vực phi tài chính, phi ngân hàng mà còn là câu chuyện cả hệ thống tài chính ngân hàng.
Điểm nữa, chúng ta muốn quá trình phục hồi vẫn tiếp tục nhưng phải hiểu phía trước chắc chắn là khó khăn hơn, tất cả các dự báo kinh tế của các tổ chức cho thấy rằng Việt Nam vẫn phục hồi nhưng tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại.
Ngay mục tiêu Chính phủ đặt ra và Quốc hội thông qua thấy hai điều: thứ nhất, tăng trưởng GDP năm tới chỉ 6,5% (nhiều dự báo chỉ 6%); thứ hai là lạm phát kể cả lạm phát trung bình đã chấp nhận mức cao hơn, 4,5%. Điều này thể hiện cân bằng thế nào giữa các mục tiêu này giữ ổn định vĩ mô với an toàn hệ thống ngân hàng và sự phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là mục tiêu rất thách thức và bài toán đi tìm điểm cân bằng đó không đơn giản.
Từ góc độ của doanh nghiệp, khát vốn là nhu cầu rất chính đáng. Từ góc độ của người tiêu dùng, nhu cầu là thu nhập, là đảm bảo đời sống, nhu cầu đó cũng là chính đáng. Từ góc độ người quản lý vĩ mô, an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô cũng rất quan trọng.
Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm được điểm cân bằng, quan trọng nhất không gây ra sự đổ vỡ. Bài học của thế giới có rồi, nếu để vỡ trận thì cái gì cũng vỡ. Đó là cái giỏi, cái khéo khi tìm điểm cân bằng để làm sao có thể khó nhưng không khó quá, có thể tác động tiêu cực nhưng không tiêu cực quá. Quan trọng nhất là không gây ra sự đổ vỡ ở thị trường bất động sản, ở hệ thống ngân hàng hay ở niềm tin thị trường và xã hội.
Vậy theo ông giải pháp nào để tìm được điểm cân bằng này?
Rất tiếc chúng ra có được vị thế tài khoá ấy mà triển khai, thực hiện lại chưa nhanh như mong muốn. Cho đến giờ mới thực hiện được khoảng 60.000 tỷ đồng trên tổng số gần 350.000 tỷ đồng. Như vậy gần 300.000 tỷ chưa thực hiện được. Sắp tới phải đẩy mạnh giải ngân gói này để đóng góp quan trọng
Khó khăn của Việt Nam có thể không hoàn toàn tương đồng với thế giới về quy mô, mức độ, cách thức tạo ra nguồn vốn cho thị trường bất động sản nhưng có thể tham khảo thế giới. Vừa qua Trung Quốc đã có chương trình giải cứu bất động sản gồm 16 điều, tôi thấy tinh thần có 3 điểm cơ bản: một là nới ít nhiều điều kiện cho vay đối với bất động sản, hai là nới ít nhiều tín dụng cấp cho người đi mua nhà ở, ba là tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu quay lại vận hành.
Chương trình này khá cụ thể, tôi nghĩ là Việt Nam có thể nhìn vào đấy để có cách. Như trên phương tiện truyền thông đã nói, hiện nay Chính phủ đã có giải pháp gỡ khó từ tổng thể dòng tiền gắn với ba điều tôi nói ổn định, an toàn hệ thống tài chính ngân hàng và phục hồi, gỡ khó cho sản xuất kinh doanh.
Xung quanh câu chuyện gỡ nghẽn dòng tiền cho doanh nghiệp có thể chuyển đổi nguy cơ, bớt khó hơn thì chuyên gia có kiến nghị gì?
Bên cạnh đẩy mạnh chi tiêu hàng trăm nghìn tỷ đang ứ đọng, nhất là đầu tư công thì cũng đã có nhiều nghiên cứu cho rằng các gói không còn “hợp thời” mình phải linh hoạt chuyển tiền đó sang các lĩnh vực khác. Tôi nói ví dụ trong giai đoạn khó khăn này nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, việc giữ chân người lao động để vượt qua giai đoạn này là rất khó. Vậy, phần trước đây chúng ta đã làm để hỗ trợ người lao động, ví dụ tiền thuê nhà thì bây giờ cũng có thể dùng thêm tiền nguồn khác để hỗ trợ gói này nhằm thực hiện cho tốt hơn.
Quốc hội đã thông qua một số cơ chế đặc thù để thực hiện những gói, những chương trình này nhưng vẫn chưa đủ để đẩy nhanh việc này.
Riêng bất động sản, hiện nay tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường đã xấp xỉ trái phiếu Chính phủ, trước đây khoảng 1,5 triệu tỷ đồng bây giờ còn khoảng 1,3 – 1,4 triệu tỷ đồng. Trong đó dẫn đầu về phát hành là ngân hàng thương mại, sau đó là ngành bất động sản chiếm gần 1/3, tiếp đó là năng lượng và lĩnh vực khác.
Có một số vấn đề về thị trường là minh bạch thông tin và các cam kết của nhà hoạch định chính sách, cam kết của Chính phủ phải rất rõ.
Thứ hai là cách xử lý sai phạm trong giai đoạn khó khăn này phải làm sao cho hài hoà hơn, khéo hơn. Sai thì phải xử nhưng cách xử thế nào rất quan trọng.
Thứ ba, như tôi vừa nói, gói giải cứu như của Trung Quốc cũng rất đáng xem xét. Mặc dù vừa rồi mình đã ban hành Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153 nhưng có nhiều quan điểm cho rằng chặt chẽ quá, trong đó có quy định phát hành cho nhà đầu tư cá nhân nhưng đòi hỏi tính chuyên nghiệp. Tôi cho rằng cần phải nới.
Nhịp sống doanh nghiệp