Gỡ khó vay vốn từ các ‘phương án mềm’

(KTSG Online) – Giữ mặt bằng lãi suất thấp dù rất quan trọng nhưng không phải là phương án duy nhất để kích cầu vay vốn trong giai đoạn hiện nay. Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, chính quyền và ngân hàng cần có thêm nhiều…

Fatz Admin lúc 2025-03-17

(KTSG Online) – Giữ mặt bằng lãi suất thấp dù rất quan trọng nhưng không phải là phương án duy nhất để kích cầu vay vốn trong giai đoạn hiện nay. Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, chính quyền và ngân hàng cần có thêm nhiều “phương án mềm” khác.

Doanh nghiệp Việt vẫn rất cần vốn để nâng cao năng lực sản xuất. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Thiếu tài sản, thiếu quan hệ

Trong khi đa phần các doanh nghiệp lớn có nhiều phương án để huy động, các doanh nghiệp quy mô vừa đến nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn vì hạn chế về tài sản đảm bảo và các mối quan hệ, đặc biệt là trong bối cảnh kinh doanh ngày càng khó khăn, nhu cầu trong nước chưa hồi phục.

QUẢNG CÁO

Chẳng hạn tại cuộc hội nghị ngân hàng doanh nghiệp quận Bình Tân (TPHCM) gần đây, một doanh nghiệp du lịch nói đang gặp khó khi đi vay vốn tại ngân hàng vì hồ sơ tài chính không đẹp, do bị ảnh hưởng bởi giai đoạn dịch Covid-19, hầu như ngành này đều thua lỗ.

Còn đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng tại TPHCM, cho biết cũng đang bị ảnh hưởng nặng khi các dự án ở thành phố nằm trong trạng thái “bất động” trong thời gian qua. Doanh nghiệp này tính đường vay bằng cách dùng tài sản đảm bảo của khách hàng để vay vốn, nhưng ngân hàng cũng không chấp nhận.

Tương tự, tại cuộc gặp gỡ ngân hàng doanh nghiệp tại huyện Củ Chi (TPHCM) mới đây, đa phần đều nhắc đến chuyện thiếu tài sản đảm bảo. Chẳng hạn như một doannh nghiệp nói mình có đất nhưng lại nằm trong vùng quy hoạch treo. Có người nói đất của mình lại không có đường đi vào, hỏi ngân hàng có cách nào tháo gỡ để cho vay hay không. Tại TPHCM, một vấn đề khác trong lĩnh vực nông nghiệp được nhắc đến là vẫn đang phải chờ chủ trương và hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ ngành ở địa phương.

Một vấn đề thú vị khác cũng được một lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực dệt may, nói muốn vay được lãi suất ưu đãi thì phải có “quan hệ thật tốt” với ngân hàng, từ cấp nhân viên tín dụng cho đến giám đốc chi nhánh.

Vị này cũng kể lại trường hợp của mình khi chi nhánh doanh nghiệp vay vốn vừa đổi giám đốc, thì hồ sơ vay trung dài hạn để mua sắm máy móc đợi 3 tháng nhưng vẫn chưa thấy ngân hàng trả lời.

Kết quả chung là mối quan hệ với ngân hàng thì doanh nghiệp thường rơi vào “thế yếu”. Thậm chí trong những cuộc thảo luận tháo gỡ khó khăn vướng mắc, doanh nghiệp này cũng như nhiều doanh nghiệp khác “không dám” nhắc cụ thể đến tên ngân hàng mình đang gặp khó, vì sợ sau này sẽ còn khó làm việc hơn.

Theo báo cáo của tình hình doanh nghiệp tháng 2 của Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA), kết quả khảo sát cho thấy có 37% doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh và 59,8% số doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất.

Hiện nhiều doanh nghiệp đang thiếu tiền để trả nợ các khoản nợ trước đây và bổ sung vốn lưu động. Ngoài ra, nhiều chủ doanh nghiệp gia đình sử dụng tài sản cá nhân để vay vốn tiêu dùng, vốn khác phục vụ cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, từ đó đã dẫn đến thâm hụt vốn. “Vấn đề là các gói hỗ trợ tín dụng chủ yếu tập trung vào các đơn vị có điểm đánh giá tín nhiệm tín dụng tốt và có tài sản, hàng hóa đảm bảo khoản vay”, báo cáo đánh giá.

Giải khó cho người vay

Ông Nguyễn Hồng Bắc, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt sản xuất bột rau quả sấy trên địa bàn huyện Củ Chi, nói nhiều ngân hàng không hỗ trợ vì tài sản đảm bảo nằm trong vùng quy hoạch treo, nhưng mới đây được ngân hàng cho vay. Khoản này gồm vay ngắn hạn 500 triệu đồng vốn lưu động (lãi suất ưu đãi khoảng 6%), và 500 triệu đồng trung và dài hạn để mua sắm máy móc (lãi suất 9%). Mức lãi suất này, theo ông Bắc, dù không phải là thấp nhưng cũng phù hợp với tình hình hiện nay.

Tương tự, bà Trịnh Nguyễn Anh Thư, cho biết cá nhân đầu tư vườn trồng hoa lan với quy mô 25 tỉ đồng, trong đó phần lớn đến từ nguồn vốn vay từ Agribank. Trong giai đoạn tăng chi phí sản xuất trong khi nhu cầu tiêu dùng chưa như kỳ vọng, nhưng được ngân hàng hỗ trợ điều chỉnh giảm lãi suất.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc phụ trách khách hàng doanh nghiệp, Agribank chi nhánh Củ Chi, cho biết có một điểm mới là chi nhánh cho vay không tài sản đảm bảo với các phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Năm ngoái, chi nhánh cũng triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm giảm lãi suất cho vay với khoản vay hiện hữu, cơ cấu các khoản nợ đủ điều kiện hoặc tăng hạn mức.

Hiện nay, nhiều ngân hàng bắt đầu tung ra nhiều gói cho vay mới với lãi suất với lãi suất ưu đãi, nhưng đa phần chỉ tập trung vào khuyến mãi lãi suất trong giai đoạn đầu nhất định. Việc hỗ trợ vay vốn không chỉ nằm ở lãi suất, câu chuyện còn là vấn đề của thị trường, bao gồm môi trường vay vốn lành mạnh, cho đến sự sôi động trong hoạt động kinh doanh.

Theo HUBA, dù chính phủ và ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng hiệu quả được đánh giá là chưa cao do điều kiện hưởng hỗ trợ khắt khe, thủ tục không thuận tiện, e ngại thanh kiểm tra, vướng mắc về pháp lý… nên số doanh nghiệp tiếp cận được chưa nhiều.

Kiến nghị của HUBA là gia hạn các chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ, giảm lãi suất, đồng thời cần có cơ chế, chính sách để khơi nguồn vốn từ các kênh khác, cũng như mở rộng ưu đãi cho chủ doanh nghiệp gia đình, đơn giản quy trình vay.

Giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp là điều kiện quan trọng giúp kích cầu tín dụng, nhưng một vấn đề quan tâm khác là cần điều hướng dòng vốn đi đúng vào lĩnh vực sản xuất, xây dựng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, thay vì chảy vào các lĩnh vực mang tính đầu cơ.

Thực tế, các ngân hàng là đơn vị kinh doanh cũng phải “thủ thế” cho mình bằng cách giảm bớt những khoản vay rủi ro cao, tùy theo khẩu vị rủi ro của từng nhà băng. Trong năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể lên đến 16% đi cùng mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%. Bối cảnh này tạo áp lực lớn hơn cho các ngân hàng vừa phải tăng tốc đẩy vốn, vừa phải kiểm soát nợ xấu. Nhưng áp lực tổng quát về mặt vĩ mô, vẫn là chờ xem diễn biến mặt bằng lãi suất.

Dũng Nguyễn

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.