(KTSG) – Khá nhiều nhà đầu tư đang lo lắng việc kéo giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 30% kể từ đầu tháng 10 tới sẽ khiến hoạt động của các ngân hàng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, tình hình thực tế…
(KTSG) – Khá nhiều nhà đầu tư đang lo lắng việc kéo giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 30% kể từ đầu tháng 10 tới sẽ khiến hoạt động của các ngân hàng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, tình hình thực tế có thể không quá đáng lo ngại!
Mức 30% kể từ đầu tháng 10-2023
Theo quy định tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN thì kể từ ngày 1-10-2023, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng sẽ phải giảm về mức 30%. Như vậy, chỉ còn một tuần nữa, các ngân hàng sẽ phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thêm 4 điểm phần trăm từ mức 34% như hiện tại.
Theo NHNN, hệ thống ngân hàng hiện tại chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng cho vay phần nhiều lại là trung và dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng tiền đồng của hệ thống là trung và dài hạn). Trên thực tế, dù lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn thấp hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài nhưng người dân vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn do tâm lý chờ đợi mức lãi suất có thể sẽ tăng trong tương lai.
Mặt khác, tâm lý sợ lạm phát cũng làm người dân ít gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn trung và dài hạn. Do đó, hầu hết nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng đều không đủ để đáp ứng, khiến các ngân hàng phải sử dụng đến nguồn vốn ngắn hạn để cho vay kỳ hạn dài.
Đánh giá chung thì trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 30% như trên sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ.
Nhằm lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, việc thực hiện Thông tư 08 thời gian qua đang theo một lộ trình khá rõ ràng và nghiêm ngặt. Theo đó, từ ngày 1-1-2020 đến hết ngày 30-9-2021, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng được quy định ở mức 40%; từ ngày 1-10-2021 đến hết ngày 30-9-2022 là 37%; từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 30-9-2023 là 34% và cuối cùng từ ngày 1-10-2023 sẽ là 30%.
Tác động sẽ không quá lớn!
Hiện khá nhiều nhà đầu tư đang lo lắng việc kéo giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn như trên sẽ khiến hoạt động của các ngân hàng bị ảnh hưởng, nhất là ở khía cạnh các ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất nhằm thu hút thêm nguồn tiền ở kỳ hạn dài hoặc phải cắt giảm các khoản cho vay trung và dài hạn nhằm đảm bảo tỷ lệ chỉ ở mức 30%.
Tuy vậy, tình hình thực tế có thể sẽ không quá đáng lo ngại. Số liệu mới nhất được NHNN công bố cho thấy, tính đến tháng 7-2023, hầu hết các ngân hàng đều đã đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 34% (áp dụng từ ngày 1-10-2022 đến 30-9-2023).
Theo đó, tỷ lệ này ở mức 24,97% với nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước; 33,66% với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Xét chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 26,14%.
Như vậy, tỷ lệ này của toàn hệ thống vào thời điểm cuối tháng 7 cũng đã ở dưới mức 30% (mức cần phải áp dụng kể từ đầu tháng 10-2023). Áp lực (nếu có) sẽ diễn ra ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần nhiều hơn so với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Tín dụng tăng chậm chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu thì lại chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Vì vậy, tác động của việc điều chỉnh giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tới tốc độ giải ngân tín dụng, nếu có, cũng sẽ chỉ ở mức hạn chế.
Còn ở góc độ từng ngân hàng, theo số liệu vào cuối năm 2022, đa số các ngân hàng đều có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dưới mức 30%, đáp ứng yêu cầu của Thông tư 08.
Cụ thể, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại Techcombank đạt 29%, Agribank là 25%, VietinBank là 26% và BIDV 22%. Đến thời điểm cuối quí 2-2023, một số ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tăng lên trên mức 30% nhưng mức vượt không quá nhiều nên cũng không đáng lo ngại.
Đánh giá chung thì trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 30% như trên sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ. Đồng thời, Thông tư 08 cũng có thể sẽ phần nào gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn, qua đó thu hẹp biên lãi ròng (NIM).
Tuy nhiên, về dài hạn, việc áp dụng quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản, ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.
Về lo ngại mặt bằng lãi suất tăng trở lại có thể gây khó khăn đến việc giải ngân tín dụng, người viết cho rằng việc tín dụng không tăng trưởng mạnh được trong giai đoạn hiện nay không hẳn là do mặt bằng lãi suất mà chủ yếu do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Theo thông tin từ NHNN, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 15-9-2023 đạt gần 12,6 triệu tỉ đồng, tăng 5,56% so với cuối năm 2022, nhích nhẹ so với con số 5,33% vào thời điểm cuối tháng 8-2023.
Năm 2023, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng của toàn ngành khoảng 14-15% và đến cuối tháng 7 đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng với tổng mức tăng trưởng tín dụng là 14%. Như vậy, mặc dù đã qua gần hai phần ba chặng đường, ngành ngân hàng mới chỉ thực hiện được hơn một phần ba kế hoạch tăng trưởng tín dụng ngành đề ra.
Nguyên nhân tín dụng tăng chậm chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm. Trong khi đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng lại chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trên cơ sở đó, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong các tháng cuối năm sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình hồi phục của nền kinh tế trong và ngoài nước, sự quyết liệt trong giải ngân đầu tư công tạo hiệu ứng lan toả đến các ngành nghề khác cũng như sự tháo gỡ khó khăn về các thủ tục hành chính và những nút thắt trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Vì vậy, tác động của việc điều chỉnh giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tới tốc độ giải ngân tín dụng, nếu có, cũng sẽ chỉ ở mức hạn chế.
Kinh tế Sài Gòn Online