Giảm tỷ lệ ký quỹ, làm sao đảm bảo an toàn cho công ty chứng khoán?

Khi giảm tỷ lệ ký quỹ, rủi ro thanh toán sẽ thuộc về công ty chứng khoán – nơi nhà đầu tư đặt lệnh. Do vậy, cần có các giải pháp tiếp theo. Theo quy định hiện nay, trước khi thực hiện giao dịch, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài…

Fatz Admin lúc 2023-10-12

Khi giảm tỷ lệ ký quỹ, rủi ro thanh toán sẽ thuộc về công ty chứng khoán – nơi nhà đầu tư đặt lệnh. Do vậy, cần có các giải pháp tiếp theo.

Theo quy định hiện nay, trước khi thực hiện giao dịch, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài phải đảm bảo có 100% tiền trong tài khoản. Việc này đảm bảo an toàn nhưng khiến khối ngoại có thể bỏ lỡ cơ hội đầu tư khi chưa kịp chuyển tiền hoặc mất phí khi không mua được chứng khoán. Ngoài ra, họ có thể bị thiệt hại do khoản vốn bị đóng băng trong thời gian chuyển tiền vào Việt Nam mà không thực hiện giao dịch thành công, rủi ro liên quan biến động tỷ giá.

Do vậy, ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) đang là một trong hai rào cản lớn cho việc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được nâng hạng.

Song, nếu bỏ quy định ký quỹ 100% thì khi NĐT nước ngoài không đủ tiền hoặc chứng khoán để thanh toán, trách nhiệm và rủi ro sẽ thuộc về CTCK nơi NĐT đặt lệnh.

QUẢNG CÁO

Mặt khác, theo TS Võ Trí Thành, giao dịch trên thị trường tài chính, đặc biệt là những giao dịch lớn của nhà đầu tư nước ngoài có tác động lan tỏa rất lớn. Do vậy, việc giao dịch không được đảm bảo hoàn tất không chỉ tác động với CTCK – nơi thực hiện giao dịch mà còn ảnh hưởng đến tâm lý toàn thị trường.

Tại hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, TS. Cấn Văn Lực cho biết trong trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ nhà đầu tư trên thế giới không thanh toán chỉ 2%, tương đương mức tổn thất 3 tỷ USD/năm.

Do vậy, chuyên gia khuyến nghị bên cạnh nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin giao dịch, tăng chế tài xử lý, xử phạt để kiểm soát hành vi nhà đầu tư, cơ quan chức năng nên tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán (CTCK) để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định.

Đề suất này nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo CTCK có mặt tại hội thảo. Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc SHS tự tin năng lực cũng như phương pháp quản trị rủi ro của công ty có thể đáp ứng việc không nhất thiết buộc nhà đầu tư ký quỹ 100%. Trong khi đó, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Chứng khoán SmartInvest bày tỏ nhiều công ty chứng khoán đã cung cấp dịch vụ ứng trước để nhà đầu tư nước ngoài giao dịch và sau đó bị UBCK xử phạt.

Giảm tỷ lệ ký quỹ, làm sao đảm bảo an toàn cho công ty chứng khoán? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSDC, ảnh: Trọng Hiếu

Với tư cách là nhà quản lý, TS. Nguyễn Sơn, Chủ tịch Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) chia sẻ, VSDC đang cùng UBCK đề xuất, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Thông tư 120 gỡ bỏ quy định nhà đầu tư phải ký quỹ 100% tiền khi mua chứng khoán. Phương án giải quyết cũng tương tự như TS. Cấn Văn Lực đề xuất. Đó là cho phép CTCK được quyền chủ động quy định NĐT có phải ký quỹ hay không cần ký quỹ, tỷ lệ ký quỹ đối với từng NĐT, từng chứng khoán.

Mặt khác, để xử lý rủi ro trong trường hợp NĐT nước ngoài không thanh toán, cơ quan quản lý đề xuất CTCK sẽ phải thực hiện thanh toán, áp dụng cả trường hợp NĐT mở tài khoản lưu ý tại ngân hàng lưu ký (NHLK) và chỉ đặt lệnh tại CTCK (trường hợp phổ biến đối với NĐT tổ chức tài chính nước ngoài).

Cùng với đó, sau khi CTCK phải bỏ tiền để thanh toán giao dịch mua thay cho NĐT thì chứng khoán đó sẽ được chuyển về tài khoản tự doanh của CTCK và tổ chức này có quyền bán số chứng khoán nêu trên để thu hồi nợ.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng khuyến cáo NĐT, CTCK và NHLK ký hợp đồng 3 bên, trong đó quy định trường hợp CTCK phải bán chứng khoán để thu hồi nợ như nên trên mà không thu hồi đủ nợ thì CTCK được phép bán một phần chứng khoán của NĐT đang lưu ký tại NHLK.

Cuối cùng, VSDC và UBCK kiến nghị Bộ Tài chính đưa ra mức phạt đối với NĐT không thực hiện nghĩa vụ thanh toán như cấm không cho giao dịch…

Theo Tường Như

Nhà Đầu Tư

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.