Với những kỳ vọng trên, bà Thủy cho rằng năm 2023 hứa hẹn sẽ là chân một con sóng lớn cho nhà đầu tư yên tâm thực hiện chiến lược “mua và nắm giữ” cho chu kỳ tăng giá kéo dài khoảng 2-3 năm giai đoạn 2023-2025 sắp tới. Năm…
Năm 2023 sẽ là chân một con sóng lớn
Bà Vũ Thị Thu Thủy – Giám đốc Thông tin và Nhận định thị trường, khối KHCN nhận định rằng Fed có thể tăng thêm lãi suất từ 1-2 lần nữa trong quý 1 và quý 2 năm 2023, sau đó ngừng tăng lãi suất trong các tháng cuối năm. Xu hướng lãi suất của 2024-2025 được dự báo sẽ là giảm, ủng hộ cho sóng tăng của chứng khoán.
Đồng thời bà Thủy cũng nhận định rằng Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trong giai đoạn hồi phục, việc mở cửa trở lại sẽ giúp cho thương mại cũng như du lịch được thúc đẩy. Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc đạt mức 50.1 trong tháng 1.2023, quay trở lại ngưỡng “tăng trưởng”, sau 3 tháng liên tục nằm dưới mức 50, thể hiện ngành sản xuất bị co hẹp do bùng nổ ca lây nhiễm Covid những tháng cuối 2022.
Sức cung và cầu to lớn của Trung Quốc trong giai đoạn hồi phục sẽ thúc đẩy tăng trưởng cả về sản xuất và tiêu dùng trên toàn thế giới, trên thực tế giá cả nhiều loại hàng hóa đã bắt đầu phục hồi như giá dầu, giá sắt thép… Trung Quốc cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp tỷ trọng cao cho kim ngạch thương mại cũng như dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI vào Việt Nam trong 2023.
Một yếu tố nữa để lạc quan cho triển vọng của 2023 được Giám đốc Thông tin HSC đề cập đó là việc các căng thẳng địa chính trị có thể sẽ hạ nhiệt, Nga – Ukraina ngừng xung đột và giá dầu cũng sẽ dao động trong biên độ ổn định hơn, nhờ đó quá trình kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng diễn ra thuận lợi hơn.
Với những kỳ vọng trên, bà Thủy cho rằng năm 2023 hứa hẹn sẽ là chân một con sóng lớn cho nhà đầu tư yên tâm thực hiện chiến lược “Mua và Nắm giữ” cho chu kỳ tăng giá kéo dài khoảng 2-3 năm giai đoạn 2023-2035 sắp tới. Dù vậy, trong ngắn hạn vẫn còn nhiều rủi ro vì quá trình hồi phục sẽ kéo dài.
Những xu hướng đầu tư nổi bật
Theo bà Bùi Hoàng Minh – Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Khối Khách hàng cá nhân nhận định, câu chuyện tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc là hai vấn đề đáng quan tâm đối với môi trường vĩ mô quốc tế năm 2023.
Tuy nhiên, lạm phát có thể vẫn chưa đạt đỉnh vì các yếu tố tiêu dùng thiết yếu như giáo dục, y tế, điện đều tăng và sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu dùng của người dân, đặc biệt ảnh hưởng đến các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu. Người dân cũng sẽ bước vào thời kỳ tích lũy nhiều hơn. Dự báo năm 2023 lạm phát vẫn còn duy trì ở mức cao, ước tính tăng 3,9% trong năm 2023.
Một điều quan trọng bà Minh nhấn mạnh với các nhà đầu tư chứng khoán rằng các rủi ro lớn đang thường trực, việc quản trị rủi ro cũng cần được nâng cao, đa dạng hóa danh mục nên được đặt lên hàng đầu.
Với những dự báo trên, bà Minh cho biết thêm, thị trường chứng khoán sẽ có 4 xu hướng đầu tư nổi bật năm 2023:
Thứ nhất, xu hướng đầu tư đánh vào rủi ro liên quan đến lạm phát vì căng thẳng địa chính trị sẽ leo thang và không chỉ bó hẹp ở vài quốc gia mà nhiều quốc gia khác nhau. Điều này thổi bùng lên yếu tố lạm phát ở VN và thế giới. Do đó, trong thời điểm hiện tại, phòng ngừa lạm phát thì nhóm cổ phiếu dầu khí đang có tiềm năng tốt.
Thứ hai, xu hướng đầu tư phòng thủ với doanh nghiệp chi trả cổ tức cao và có dòng tiền mạnh khi rủi ro liên quan đến triển vọng doanh nghiệp còn mong manh và tần suất rung lắc lớn.
Thứ ba, sự gia tăng ảnh hưởng của Việt Nam trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu hóa có hiệu ứng lan tỏa nhiều nhóm ngành. Vậy nên, Việt Nam đang đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để nâng cao cơ sở hạ tầng và nâng cao tính cạnh tranh.
Thứ tư, một chu kỳ mới có thể đến nhanh khi tổng thể nền kinh tế phục hồi dần từ mức nền thấp. Trong đó, các nhóm ngành sẽ được quan tâm bao gồm: vật liệu, bán lẻ, năng lượng…
Nhịp sống thị trường