Theo chuyên gia, với một nền kinh tế có nội tại bền vững, tác động từ bên ngoài sẽ chỉ mang tính nhất thời, sau một thời gian sẽ trở lại xu hướng chung là tăng trưởng. Tại sự kiện “Investor Day Chiến lược đầu tư với chính sách mới”…
Tại sự kiện “Investor Day Chiến lược đầu tư với chính sách mới” do Dragon Capital tổ chức, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital nhận định chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ cao hơn rất nhiều so với dự đoán trước đó.
Chuyên gia đến từ Dragon Capital cho rằng, mức thuế Mỹ áp dụng lên hầu hết sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ, làm cho giá cả hàng hóa tại Mỹ tăng lên từ đó tác động giảm nhu cầu tiêu dùng. Vì vậy, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ giảm đi một phần. Bên cạnh đó, mức thuế Chính phủ Mỹ áp dụng cũng sẽ làm cho chi phí xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cao hơn các nước khác, làm cho hàng hóa Việt Nam dịch chuyển sang các quốc gia có ưu đãi thuế quan tốt hơn.
Dragon Capital ước tính thuế mới tác động đến nhu cầu hàng hóa của Mỹ từ 66 – 315 tỷ USD. Mức thuế xuất khẩu trung bình tất cả quốc gia vào Mỹ khoảng 25%, tổng nhu cầu nhập khẩu của Mỹ có thể giảm 7,33%, tương đương gần 250 tỷ USD.
Nhu cầu hàng hóa Mỹ giảm cũng sẽ làm sức cầu giảm. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam là 142 tỷ USD, với tác động của chính sách thuế mới thì nhu cầu giảm đi hơn 13 tỷ USD.
Lưu ý, thuế suất mới 46% đang khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời sẽ có mức chênh lệch thuế suất với từng loại sản phẩm, do đó các doanh nghiệp có thể dịch chuyển hàng hóa sang các nước khác khoảng 24 tỷ USD. Từ đó, tổng tác động đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khoảng 37,5 tỷ USD, tương đương 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Chuyên gia từ Dragon Capital cũng cho rằng nếu áp dụng chính sách thuế mới sẽ có tác động gián tiếp và trực tiếp đến tăng trưởng GDP của Việt Nam, từ 1,5-2% GDP. Chuyên gia Dragon Capital kỳ vọng 46% là mức thuế cao nhất Việt Nam bị áp dụng và sẽ có các phương pháp đàm phán với Chính phủ Mỹ.
Hiện các hợp đồng ký kết triển khai từ năm 2025 có giá trị khoảng 50,15 tỷ USD và Chính phủ cũng đang đàm phán các hợp đồng khoảng 36 tỷ USD. Điều này cho thấy nước ta rất nỗ lực trong các vòng đàm phán với Mỹ. Cùng với đó, Việt Nam cũng sẽ phải thực hiện rà soát lại mặt hàng có khả năng trung chuyển từ nước khác. Ngoài các giao dịch kinh tế, Chính phủ cũng có thể áp dụng “đòn bẩy phi thương mại” để đàm phán thể hiện qua chính sách linh hoạt về ngoại hối, hợp tác thỏa thuận về công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
Theo bà Minh, một khi nền kinh tế chịu cú sốc từ bên ngoài mạnh mẽ, các chính sách kinh tế nội địa sẽ được thúc đẩy để bù đắp như tăng cường đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hoặc có những biện pháp về thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
Trước chính sách thuế quan mới, quan điểm của Dragon Capital vẫn không thay đổi so với đầu năm về dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Chính phủ vẫn sẽ đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là vào nửa cuối năm 2025. Đồng thời, tập trung vào những yếu tố hiệu quả trong chi tiêu. Từ đó, chuyên gia Dragon Capital đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm nay.
Tại kịch bản thứ nhất, nếu chính sách thương mại quyết liệt từ Tổng thống Donald Trump vẫn giữ vững, dự báo Việt Nam có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ từ mức vừa phải đến thắt chặt nhẹ, dẫn đến GDP tăng trưởng mức 6,5 – 7,5%. Trong kịch bản lạc quan hơn, đàm phán thuận lợi hơn, thì Việt Nam vẫn có thể giữ chính sách tiền tệ nới lỏng, GDP đạt mức tăng trưởng từ 7,5 – 9%.
Đối với triển vọng thị trường chứng khoán, bà Minh thấu hiểu cảm xúc lo âu của nhà đầu tư. Tuy nhiên với một nền kinh tế có nội tại bền vững, tác động từ bên ngoài sẽ chỉ mang tính nhất thời, sau một thời gian sẽ trở lại xu hướng chung là tăng trưởng. Mức tăng GDP của Việt Nam đứng top đầu so với các nước trong khu vực, cũng như các thị trường chứng khoán mới nổi.
Thêm vào đó, giới đầu tư còn được hưởng lợi từ những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong ngành IT, ngân hàng và bán lẻ… Đặc biệt, mặt bằng định giá P/E của chứng khoán Việt Nam tương đối hấp dẫn, thấp hơn khá nhiều khi so với Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ…
Nhịp sống thị trường