Việc dự kiến triển khai hệ thống KRX và tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE là những yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn đầu tư. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng dòng…
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2023 và trong những tháng đầu năm 2024 tiếp tục là điểm sáng tích cực. Trong số các quốc gia hàng đầu có dòng vốn vào Việt Nam nhiều nhất phải kể đến Hàn Quốc. Lũy kế tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cho tới nay đã đạt hơn 90 tỷ USD, và có trên 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
Tại Talk Show Phố Tài Chính trên VTV8, Ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng Khoán Mirae Asset (MAS) cho biết với những yếu tố hấp dẫn của Việt Nam hiện nay, dự báodòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng theo thời gian. Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang quanh mức P/E trung bình 10 năm, mang đến cơ hội tích sản tốt trong bối cảnh các điều kiện vĩ mô đang có xu hướng cải thiện và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024.
BTV Mùi Khánh Ly: Dòng vốn đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng tích cực, trong thời gian qua, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng Hàn Quốc lại chọn Việt Nam là một trong những quốc gia để đầu tư, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng Khoán Mirae Asset (MAS)
Theo dữ liệu lũy kế các dự án FDI còn hiệu lực đến ngày 20/02/2024, Hàn Quốc là quốc gia đăng ký FDI nhiều nhất, lên đến 18,2% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Singapore (16,1%) và Nhật Bản (15,7%). Và chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký từ Hàn Quốc đã đạt 221 triệu USD.
Có thể thấy, Việt Nam là đối tác quan trọng của Hàn Quốc. Hàn Quốc và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1992, ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) vào năm 2015 và nâng cấp quan hệ Hàn Quốc – Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022. Trước đây, các dự án đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, nhưng hiện nay đã có nhiều dự án của các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc với quy mô lớn.
Theo ông, đâu là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện đang quan tâm nhất để đầu tư hiện nay?
Nếu chia theo ngành thì các ngành như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đến 60% tổng vốn lũy kế của các dự án còn hiệu lực tính đến ngày 20/02/2024, tiếp theo là Bất động sản chiếm 15%. Còn ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, Bán buôn và bán lẻ và Xây dựng chiếm từ 2%-3% tùy từng ngành.
Các dự án đầu tư từ Hàn Quốc đã chuyển đổi mạnh mẽ từ lĩnh vực chế biến đơn giản sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm đến các mô hình kinh tế tuần hoàn, giao thông xanh và giảm phát thải carbon tại Việt Nam.
Đối với dòng vốn FII từ Hàn Quốc cũng đang ngày càng chảy vào thị trường Việt Nam nhiều hơn, theo ông là vì sao?
Chúng ta cũng đã thấy Chính phủ Việt Nam đã truyền đạt rõ ràng các chiến lược phát triển thị trường chứng khoán ngay từ đầu năm nay. Nỗ lực của Việt Nam trong việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, đặc biệt là các quy định và việc công bố thông tin bằng tiếng Anh. Hiện tại, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE. Để được nâng hạng, Việt Nam dự kiến sẽ thay đổi quy định liên quan đến giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài (pre-funding) trong tương lai gần. Với triển vọng này, mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được tăng lên. Theo tôi, điều này sẽ tạo một bước chuyển mình quan trọng thu hút mạnh dòng vốn đầu tư, đặc biệt là vào các ngành Tài chính (chủ yếu là Ngân hàng). Nhìn chung, các ngành Tài chính sẽ là ngành hưởng lợi trong bối cảnh nền kinh tế có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong dài hạn.
Theo quan sát của chúng tôi, ngành Ngân hàng từ trước đến nay vẫn là ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa chính của thị trường (hiện đang chiếm khoảng 38%), với các chỉ số tài chính lành mạnh, chỉ số khả năng sinh lợi cao và triển vọng tăng trưởng bền vững. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng như Vietcombank đã đạt mức vốn hóa tương đương một số ngân hàng lớn trong khu vực Châu Á.
Tương tự, ngành Chứng khoán cũng có triển vọng tươi sáng từ nền kinh tế đang phát triển, với các chỉ số tài chính tích cực. Dư địa tăng trưởng của ngành ngày càng lớn nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số và khai thác tiềm năng thị trường. Đáng chú ý là các công ty chứng khoán Hàn Quốc đang dần khẳng định được chỗ đứng khi những doanh nghiệp như Mirae Asset và KIS thuộc top 10 thị phần của ngành chứng khoán. Ngoài ra, một số công ty chứng khoán Hàn Quốc khác cũng đang hoạt động khá mạnh tại Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư Hàn Quốc đối với lĩnh vực tài chính, chứng khoán tại Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn những khó khăn nhất định trong năm 2024, Việt Nam có tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư Hàn Quốc?
Theo đánh giá của chúng tôi, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc nhờ khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động tương đối dồi dào và trẻ, môi trường chính trị ổn định và chính sách hỗ trợ của chính phủ. Việt Nam được kỳ vọng sẽ vẫn là điểm đến FDI ưa thích với việc tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, R&D, công nghệ cao.
Còn đối với việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index hiện đang quanh mức P/E trung bình 10 năm, mang đến cơ hội tích sản tốt trong bối cảnh các điều kiện vĩ mô đang có xu hướng cải thiện và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Chúng tôi kỳ vọng triển vọng năm 2024 sẽ tốt hơn nhờ những yếu tố sau:
Thứ nhất là giải ngân FDI sẽ tăng trưởng bền vững. Năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký duy trì mức tăng trưởng hai chữ số 32% và tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2024… Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Thứ 2 là Đầu tư công vẫn được chú trọng trong năm 2024. Giải ngân vốn đầu tư công đã tăng tốc trong 2 tháng đầu năm, tăng 21,8% so với cùng kỳ đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thứ 3 là Xuất khẩu sang các đối tác thương mại lớn đều hồi phục mạnh mẽ trong 2 tháng đầu năm, với tổng giá trị xuất khẩu tăng 19,3% so với cùng kỳ sau khi giảm 4,6% trong năm 2023.
Thứ 4 là Doanh số bán lẻ giữ tốc độ tăng trưởng ổn định trong 2 tháng đầu năm tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Thứ 5 là Fed và ECB có thể sẽ cắt giảm lãi suất dự kiến từ giữa năm 2024, giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá, tạo thêm dư địa cho việc điều hành chính sách tiền tệ.
Và đặc biệt, việc dự kiến triển khai hệ thống KRX và tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE là những yếu tố tiếp theo sẽ thu hút dòng vốn đầu tư.
Là thành viên trên thị trường và cũng là công ty có nguồn vốn từ Hàn Quốc, công ty ông sẽ có những giải pháp nào góp phần vào sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 và những năm tới?
Riêng với Mirae Asset và Tập đoàn Mirae Asset có nhiều giải pháp để đồng hành và phát triển thị trường tài chính Việt Nam. Thứ nhất là với bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm, chúng tôi có thể chia sẻ kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực tài chính, chứng khoán, và quản lý tài sản. Việc chia sẻ này không chỉ làm gia tăng sự hiểu biết về thị trường cho các đối tác Việt Nam mà còn giúp nâng cao chất lượng và chuyên sâu của ngành.
Thứ hai là Tập đoàn chúng tôi có thể hợp tác với các tổ chức Việt Nam trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính mới. Điều này có thể thúc đẩy sự đổi mới và tạo ra cơ hội mới cho cả hai bên.
An ninh Tiền tệ