Hiện nay, tình hình thương mại gạo toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố (như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều quốc gia…) đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của các nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm. Ảnh: DŨNG THƯƠNG

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, năm 2024, giữa bối cảnh theo nhiều chuyên gia dự báo tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm.

Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 1-2024 đã đạt 362 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt.

Theo đó, thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Sự khởi đầu của El Nino và tác động tiềm tàng của hiện tượng thời tiết này đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung.

Như vậy, cơ hội là rất lớn cho ngành nông nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam, song cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Trong khuôn khổ hội nghị, các diễn giả, đại biểu tham dự đã đưa ra những đánh giá, nhận định khách quan về cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu gạo Việt Nam.

Đồng thời, các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp ngành gạo đã tích cực chia sẻ thông tin, đề xuất các giải pháp trong công tác phát triển thị trường, xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gạo khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng, nâng cao vị thế thương hiệu ngành gạo.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: CẤN THƯƠNG

Bà Châu Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, năm 2023, xuất khẩu gạo tại Long An đạt 920.000 tấn, tăng 63% về giá trị. Long An đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng, xuất khẩu gạo thơm, gạo trắng, gạo nếp sang 40 quốc gia và lãnh thổ. Tỉnh Long An mong muốn trong năm 2024, cơ quan của bộ và các cơ quan Thương vụ hỗ trợ địa phương kết nối, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tương tự, ông Nguyễn Thành Huân, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, năm 2023, xuất khẩu gạo của tỉnh cũng đạt được kết quả ấn tượng. Theo đó, ông đề xuất, trong năm 2024, Bộ Công Thương thiết lập kênh thông tin nhanh về nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước. Qua đó, thông tin đến các doanh nghiệp để chủ động về giá trong đàm phán xuất khẩu ở thời điểm và cả hợp đồng tương lai.

Đại diện các thương vụ kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công Thương và các cơ quan để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam. Cùng với đó, tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng các mặt hàng sản phẩm gạo xuất khẩu.

VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.