Đồng USD trải qua phiên giao dịch bấp bênh trong ngày thứ Tư (8/2) khi các nhà giao dịch tạm dừng bán đồng bạc xanh để nghe ngóng, một ngày sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, không thay đổi đáng kể quan…
Các nhà phân tích cho biết triển vọng của đồng bạc xanh vẫn nghiêng về phía giảm giá khi Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ và các thị trường vẫn xác định Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, bất chấp các quan chức Fed vẫn khẳng định rằng họ sẽ duy trì lãi suất cao thêm một thời gian dài.
Tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington vào thứ Ba, ông Powell cho biết lãi suất có thể cần phải tăng cao hơn dự kiến nếu nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh, nhưng nhắc lại rằng ông cảm thấy quá trình ” lạm phát hạ nhiệt” đang diễn ra. Đồng bạc xanh đã giảm giá sau bài phát biểu của ông Powell. Tuy nhiên, trong mấy ngày qua, đồng tiền này liên tục dao động và không có xu hướng rõ rệt.
Thierry Wizman, chiến lược gia về tỷ giá và ngoại hối toàn cầu của Macquarie ở New York, cho biết: “Đồng đô la suy yếu vì ông Powell không phải là người theo chủ nghĩa thắt chặt tiền tệ. Có một số điểm khó hiểu trong bài phát biểu của ông ấy – cho thấy báo cáo việc làm không làm thay đổi đáng kể triển vọng của Fed”.
“Mặc dù triển vọng chính sách của Fed phụ thuộc rất nhiều vào những dữ liệu công bố từ tuần trước, nhưng ông Powell thậm chí đã không trả lời các câu hỏi về việc liệu ông ấy có tăng lãi suất nhiều hơn hay không nếu ông ấy nhận được báo cáo về thị trường việc làm. Dựa trên thái độ đó, có thể đoán rằng ông ấy sẽ không tăng lãi suất nhiều hơn nữa”.
Đồng euro lúc kết thúc ngày 8/2 theo giờ Việt Nam tăng nhẹ lên 1,0733 USD. Trong phiên liền trước, euro đã giảm xuống mức 1,067 USD, thấp nhất kể từ ngày 9/1. Hiện đồng tiền chung vẫn cao hơn nhiều so với mức thấp nhất trong 20 năm chạm tới vào tháng 9, là 0,953 USD.
Tỷ giá USD/EUR.
Các nhà đầu tư cũng đang nghiền ngẫm những lời bình luận của hai quan chức Đức tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ủng hộ mạnh mẽ quan điểm thắt chặt tiền tệ.
Giám đốc ngân hàng trung ương Đức, Joachim Nagel, hôm thứ Ba vừa qua đã nói với tờ báo Boersen-Zeitung rằng: “Từ vị trí của tôi ngày hôm nay, chúng ta cần tăng lãi suất đáng kể hơn nữa”.
Đồng nghiệp của ông, Isabel Schnabel, cho biết vẫn chưa rõ ràng rằng các đợt tăng lãi suất của ECB cho đến nay sẽ đưa lạm phát trở lại mức 2% hay không? Nhiều nhà giao dịch hiện đang dự đoán ECB sẽ tăng lãi suất lên khoảng 3,5% vào cuối mùa hè, cao hơn mức 2,5% dự đoán trước đây.
So với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt, chỉ số Dollar index lúc kết thúc ngày 8/2 theo giờ Việt Nam gần như không thay đổi so với đóng cửa phiên liền trước, là 103,33.
Đồng bạc xanh đã có một đợt phục hồi ngắn sau báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ công bố hôm thứ Sáu (3/2), cho thấy lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tạo thêm 517.000 việc làm trong tháng trước. Điều đó đã đẩy chỉ số Dollar index lên cao nhất trong 1 tháng, là 103,96 vào ngày 7/3, khi các nhà đầu tư gia tăng đồn đoán về việc Fed sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất thêm một thời gian khá dài nữa.
Thị trường hiện đang dự đoán lãi suất đỉnh của Fed sẽ đạt mức trên 5,1% vào tháng 7, cao hơn mức khoảng 4,5 – 4,75% dự báo trước đây. Tuy nhiên, thị trường vẫn tin rằng Fed sắp cắt giảm lãi suất, có thể về mức 4,8% vào cuối năm nay.
Trong số những đồng tiền khác, USD đã tăng 0,2% so với yen Nhật, lên 131,315 JPY/USD.
Dữ liệu hôm thứ Ba cho thấy tiền lương thực tế của Nhật Bản tăng lần đầu tiên sau 9 tháng nhờ các khoản tiền thưởng gần đây tăng khá mạnh.
Đồng đô la New Zealand giảm 0,1% xuống 0,6319 USD; đô la Úc cũng giảm 0,1% xuống còn 0,6953 USD, sau khi tăng hơn 1% hôm thứ Ba. Ngân hàng Dự trữ Úc hôm thứ Ba đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.
Bảng Anh tăng 0,2% lên 1,207 USD, phục hồi từ mức thấp nhất 1 tháng chạm tới hôm thứ Ba (7/2), là 1,196 đô la.
Simon Harvey, Trưởng bộ phận Phân tích ngoại hối của Monex Europe, cho biết: “Đồng bảng Anh mạnh lên chủ yếu do tác động lan tỏa từ việc nhu cầu đối với các tài sản rủi ro cao được cải thiện chỉ sau một đêm do quan điểm thận trọng hơn của Chủ tịch Powell về lãi suất dựa trên báo cáo việc làm của Mỹ công bố cuối tuần trước “.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Đồng rouble Nga giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng so với đồng USD do nhu cầu ngoại tệ trên thị trường Nga tăng mạnh trong khi chứng khoán giảm giá do đề xuất đánh thuế một lần đối với các doanh nghiệp lớn.
Trong phiên vừa qua, rouble giảm 0,6% so với USD, xuống 71,60 RUB/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 9/1.
Trái lại, đồng nhân dân tệ Trung Quốc tăng giá do những bình luận của Chủ tịch Fed cho thấy ông đã giảm bớt quan điểm thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ kết thúc phiên 8/2 tăng 79 pip lên 6,7791 CNY/USD. Tuy nhiên, các nhà giao dịch tiền tệ cho biết mức tăng của đồng nhân dân tệ bị hạn chế do các nhà đầu tư vẫn thận trọng trong khi chờ đợi thêm manh mối, bao gồm dữ liệu lạm phát sắp tới của Mỹ, để tìm ra quỹ đạo thắt chặt tiền tệ ở nền kinh tế lớn nhất thế giới – điều có thể ảnh hưởng đến đồng nhân dân tệ và các loại tiền tệ chính khác.
Đồng Bitcoin trải qua một phiên giao dịch biến động, kết thúc ngày 8/2 theo giờ Việt Nam giảm nhẹ xuống mức 22.780 USD.
Giá Bitcoin ngày 8/2.
Giá vàng tăng phiên thứ 3 liên tiếp do những bình luận ôn hòa của Chủ tịch Fed. Tuy nhiên, cũng giống như thị trường tiền tệ, các nhà đầu tư đang chờ đợi thêm dữ liệu kinh tế của Mỹ để có thể dự đoán về các đợt tăng lãi suất của nước này trong tương lai.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 8/2 theo giờ Việt Nam tăng nhẹ 0,1% lên 1.875,25 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4 tăng 0,5% lên 1.874,60 USD.
Trọng tâm chú ý của các nhà đầu tư đang chuyển sang báo cáo về số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Bộ Lao động Mỹ và dữ liệu về lạm phát trong tháng Giêng, sẽ công bố vào tuần tới.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nhịp sống thị trường