Cổ phiếu ngân hàng phiên 12/10/2022 tăng trần hàng loạt và dư mua lớn là dấu hiệu cho thấy dòng tiền bắt đầu quan tâm trở lại khi giá đã chiết khấu đáng kể các rủi ro. Mới đây, SSI Research dự báo triển vọng lợi nhuận tích cực đối…
Cổ phiếu ngân hàng phiên 12/10/2022 tăng trần hàng loạt và dư mua lớn là dấu hiệu cho thấy dòng tiền bắt đầu quan tâm trở lại khi giá đã chiết khấu đáng kể các rủi ro.
Mới đây, SSI Research dự báo triển vọng lợi nhuận tích cực đối với ngành ngân hàng trong quý III và cả năm 2022.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) được dự báo đạt khoảng 2.700 tỷ đồng (tăng 100% so với cùng kỳ) trong quý III/2022 và đạt 7.800 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ) trong 3 quý đầu năm 2022, đạt 74% kế hoạch cả năm. Tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng 11,8% so với đầu năm, đạt khoảng 228.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, mặc dù NIM được SSI Research dự báo sẽ giảm xuống còn 4,4% (so với 4,51% năm 2021) nhưng lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 10.400 tỷ đồng (tăng 29,8% so với cùng kỳ).
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) được ước tính sẽ đạt 6.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022 (tăng 18,3% so với năm 2021). Tính riêng quý III/2022 có thể đạt 1.400 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ).
Theo SSI Research, mặc dù lãi suất huy động tăng, nhưng NIM ước tính sẽ ổn định trong quý III/2022 do tỷ lệ CASA tăng lên 39% và số dư tiền gửi của khách hàng giảm 3,4% so với quý trước, xuống mức 95.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng cũng đạt 10,2% so với đầu năm giúp tổng dư nợ đạt mức hơn 115.000 tỷ đồng.
47.000 – 49.000 tỷ đồng là con số lợi nhuận trước thuế quý III/2022 mà Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có thể đạt được và lợi nhuận cho cả năm 2022 sẽ vào khoảng 17.000 tỷ đồng (tăng 41% so với cùng kỳ), theo SSI Research. Cùng với đó, nợ xấu được dự báo sẽ được kiểm soát ở mức dưới 1% với kỳ vọng dư nợ cho vay và số dư tiền gửi tại ACB sẽ tăng nhẹ so với quý trước do hạn mức tín dụng mới được NHNN cấp từ đầu tháng 9.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID) được SSI Research dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận sau thuế 21.200 tỷ đồng trong năm 2022 (tăng 56% so với cùng kỳ); trong đó, lợi nhuận sau thuế quý III có thể đạt khoảng 6.000 tỷ đồng (tăng 120% so với cùng kỳ). Điều này được thúc đẩy bởi tăng trưởng dư nợ tín dụng và số dư huy động lần lượt là 10,5% và 2% so với đầu năm.
Ngân hàng HDBank (mã HDB) cũng có nhiều dấu hiệu tích cực với lợi nhuận trước thuế quý III/2022 ước đạt 2.700 tỷ đồng (tăng 47% so với cùng kỳ) với tăng trưởng tín dụng ở mức 18% so với đầu năm và nợ xấu được kiểm soát. Lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 ước đạt 10.200 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ).
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) được dự báo sẽ đạt 7.400 – 7.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III (tăng 29-33% so với cùng kỳ). Kết quả này được thúc đẩy bởi tăng trưởng dư nợ tín dụng và số dư huy động lần lượt là 15% và 3,5% so với đầu năm. Dự phóng lợi nhuận năm 2022 của VCB vào khoảng 34.000 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ).
TCB và VPB cũng được kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lần lượt là 20 – 25% và 55 – 65% trong quý III/2022.
Có một điểm đáng chú ý là thị trường chuẩn bị đón thêm hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng được niêm yết bổ sung.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó, việc tăng vốn chủ yếu từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng kế hoạch tăng vốn lớn sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu ngân hàng và mở ra cơ hội cho các ngân hàng tiếp tục được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, CEO GmStock, việc giao dịch niêm yết bổ sung cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh giá giảm khá sâu tương đương giá trị sổ sách và thị trường đang dần tạo đáy kết hợp với tăng trưởng doanh thu lợi nhuận quý tới của các ngân hàng đều ở mức tốt thì khả năng nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu ngành này sẽ ít xảy ra.
Thậm chí, theo ông Dương, đây sẽ là ngành kéo thị trường hồi phục vào cuối năm, dù vẫn còn lo ngại ngân hàng tiếp tục chạy đua tăng lãi suất huy động khiến hiệu quả của hoạt động tín dụng giảm.