Doanh nghiệp “ôm” quỹ đất lớn có thể phát triển KCN sắp chốt ngày trả cổ tức “khủng” dịp cuối năm

CTCK kỳ vọng kết quả kinh doanh của công ty sẽ cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2025-2026 nhờ tăng trưởng tích cực trong mảng sản xuất cao su và phát triển KCN. HĐQT CTCP Cao su Phước Hòa (mã: PHR) đã thống nhất việc chi trả cổ tức…

Fatz Admin lúc 2024-11-18
Doanh nghiệp "ôm" quỹ đất lớn có thể phát triển KCN sắp chốt ngày trả cổ tức "khủng" dịp cuối năm

CTCK kỳ vọng kết quả kinh doanh của công ty sẽ cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2025-2026 nhờ tăng trưởng tích cực trong mảng sản xuất cao su và phát triển KCN.

HĐQT CTCP Cao su Phước Hòa (mã: PHR) đã thống nhất việc chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt. Ngày chốt danh sách cổ đông vào 16/12, thời gian thực hiện chi trả dự kiến vào 27/12/2024. Tỷ lệ thực hiện 30%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 3.000 đồng).

Với gần 135,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp này sẽ phải chi hơn 406 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này cho cổ đông. Hiện tại, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đang là công ty mẹ, sở hữu 66,62% vốn PHR dự kiến sẽ nhận về hơn 270 tỷ đồng từ đợt cổ tức này.

Về tình hình kinh doanh quý 3/2024, Cao su Phước Hòa ghi nhận gần 412 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 104 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 9% và 28% so với cùng kỳ năm trước.

QUẢNG CÁO

Theo văn bản giải trình, nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ do giá bán mủ cao su tăng so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp từ mảng bán sản phẩm cao su cũng tăng 59,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp từ hoạt động cho thuê đất, hạ tầng khu công nghiệp giảm đến 128,8 tỷ đồng, vì trong quý 3 Công ty không phát sinh doanh thu ghi nhận một lần (từ việc cho thuê mới đất, hạ tầng khu công nghiệp) so với cùng kỳ năm 2023 mà chỉ có các khoản phân bổ từ doanh thu chưa thực hiện.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần đạt hơn 1.007 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 253 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 89% và 50% so với cùng kỳ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PHR đang giao dịch ở mức 55.300 đồng/cp.

Doanh nghiệp "ôm" quỹ đất lớn có thể phát triển KCN sắp chốt ngày trả cổ tức "khủng" dịp cuối năm- Ảnh 1.

Mảng sản xuất cao su và phát triển KCN kỳ vọng tăng trưởng tích cực

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán VCBS cho biết tổng diện tích vườn cây cao su hơn 12.000 ha (bao gồm cả vườn cây tại Cambodia của công ty con), PHR là một trong những doanh nghiệp cao su có quy mô lớn nhất trong hệ thống Tập đoàn Cao su Việt Nam.

Trong vài năm qua, KQKD mảng cao su của PHR có xu hướng thu hẹp dần do sản lượng mủ khai thác trong nước suy giảm do một phần rừng cao su được thực hiện tái canh hoặc chuyển đổi mục đích thành KCN/KĐT. Tuy nhiên, biên lợi nhuận mảng cao su của PHR đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể từ cuối năm 2023 cùng với đà tăng của giá cao su tự nhiên thế giới.

Doanh nghiệp "ôm" quỹ đất lớn có thể phát triển KCN sắp chốt ngày trả cổ tức "khủng" dịp cuối năm- Ảnh 2.

Trong giai đoạn 2025 – 2026, VCBS đánh giá hiệu quả kinh doanh mảng cao su có thể duy trì mức tích cực nhờ:

Giá cao su thành phẩm được dự báo neo ở mức cao đến ít nhất hết năm 2025. Nguồn cung suy yếu tại các khu vực sản xuất lớn do thời tiết bất lợi, nhu cầu cao su tự nhiên cho sản xuất công nghiệp dần hồi phục tại các thị trường tiêu thụ lớn (Trung Quốc & Ấn Độ).

VCBS dự báo năng suất vườn cây cao su của PHR sẽ cải thiện trong các năm tới. PHR đã hoàn thành tái canh toàn bộ diện tích vườn cây Nhóm 3 (có tuổi đời cao và năng suất mủ rất thấp).

Thêm vào đó, vườn cây trồng mới bắt đầu cho mủ ổn định sau giai đoạn kiến thiết cơ bản (KTCB và vườn cây tại Cambodia (7.664 ha) đi vào giai đoạn tuổi đời có năng suất cho mủ cao (từ năm thứ 9 – 10).

Đối với mảng KCN , nhóm phân tích VCBS cho biết Cao su Phước Hòa hiện đang sở hữu lợi ích tại 2 KCN lớn tại khu vực TP.Tân Uyên, Bình Dương (KCN Nam Tân Uyên MR giai đoạn 2 và KCN VSIP 3) với tổng diện tích hơn 1.300 ha. Trong vài năm tới, VCBS cho rằng các KCN trên sẽ đóng góp 300 – 400 tỷ đồng lợi nhuận phân bổ mỗi năm cho PHR.

Ngoài ra, dự án KCN Tân Lập 1 (thuộc sở hữu của PHR với 51% cổ phần) đã được đưa vào quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn mới (công bố tháng 8/2024) và hiện đang trong quá trình hoàn thiện quy hoạch 1/2000. Với diện tích 200 ha tại TP.Tân Uyên, VCBS dự báo KCN trên sẽ mang về hơn 1.300 tỷ đồng doanh thu cho thuê đất mỗi năm sau khi hoàn thiện pháp lý và đưa vào kinh doanh.

Tựu chung lại, kết quả kinh doanh của PHR dự báo cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2025-2026 nhờ tăng trưởng tích cực trong mảng sản xuất cao su và phát triển KCN.

Đồng thời, động lực tăng trưởng tới từ nguồn thu đền bù đất và thanh lý cây cao su dự báo hồi phục mạnh mẽ từ năm 2026 khi việc hoàn thành quy hoạch chung tỉnh Bình Dương tạo điều kiện cho việc hoàn thiện pháp lý và thúc đẩy triển khai các KCN, KĐT trên diện tích đất cao su hiện hữu của PHR.

Về dài hạn, VCBS đánh giá cao nguồn lực tài chính dồi dào, việc sở hữu các khoản đầu tư giá trị và tiềm năng dòng tiền tốt từ các dự án KCN & nguồn thu tiền đền bù đất của PHR.

VCBS dự phóng doanh thu năm 2024 của PHR đạt 1.654 tỷ đồng (+22,2% yoy), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 406 tỷ đồng (-34,5% yoy), tương ứng với EPS là 2.995 VNĐ/ cổ phiếu. Đối với năm 2025, đội ngũ phân tích dự báo doanh thu đạt 1.823 tỷ đồng, lợi nhuận thuần đạt 651 tỷ đồng, tương ứng với EPS là 4.808 VNĐ/ cổ phiếu.

Dương Ngọc

Nhịp sống thị trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.