Doanh nghiệp ngồi trên “đất vàng” Tràng Tiền báo lãi kỷ lục, EPS top đầu thị trường, chuẩn bị trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 150%

EPS của doanh nghiệp này tăng mạnh từ 12.385 đồng lên mức 30.580 đồng, lọt top doanh nghiệp có EPS cao nhất trên sàn chứng khoán hiện tại. CTCP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad (mã VNX) cho biết, ngày 31/5 tới đây sẽ chốt danh sách cổ…

Fatz Admin lúc 2024-05-19
Doanh nghiệp ngồi trên "đất vàng" Tràng Tiền báo lãi kỷ lục, EPS top đầu thị trường, chuẩn bị trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 150%

EPS của doanh nghiệp này tăng mạnh từ 12.385 đồng lên mức 30.580 đồng, lọt top doanh nghiệp có EPS cao nhất trên sàn chứng khoán hiện tại.

CTCP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad (mã VNX) cho biết, ngày 31/5 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 150%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 15.000 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/5, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 19/6/2024.Với hơn 1,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự kiến sẽ chi khoảng 18,3 tỷ đồng để trả cổ tức trong đợt này.

Đây là mức chia cổ tức cao nhất trong 14 năm qua, kể từ ngày đăng ký giao dịch trên UPCoM vào năm 2010 và cũng vượt xa kế hoạch đã thông qua trước đó là 50%. Trước đó, vào tháng 6/2023, doanh nghiệp cũng đã chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 60%. Nhìn lại lịch sử hoạt động, doanh nghiệp luôn “dốc hầu bao” trả cổ tức mặt đều đặn 20-70% mỗi năm.

Ảnh chụp Màn hình 2024-05-18 lúc 10.19.46.png

Chính sách chi trả cổ tức đáng mơ ước là điều khiến nhiều nhà đầu tư không nỡ buông tay. Trên thị trường, cổ phiếu VNX đã “tắt thanh khoản” trong suốt 1,5 năm nay. Thị giá VNX hiện đứng im ở mức 27.000 đồng/cp, giảm hơn một nửa so với mức đỉnh lịch sử từng đạt được vào giai đoạn năm 2020.

QUẢNG CÁO

Trước khi “đóng băng” giao dịch, VNX từng gây chú ý với đà tăng phi mã. Từ mức giá chưa bằng cốc trà đá với 700 đồng/cp đầu năm 2019, cổ phiếu này phi một mạch lên mức 60.000 đồng vào tháng 8/2019, tương đương mức tăng gấp 86 lần chỉ trong vòng chưa đầy một năm.

Ảnh chụp Màn hình 2024-05-18 lúc 10.22.23.png

Bên cạnh đó, lượng cổ phần chủ yếu nằm trong tay các lãnh đạo và người nhà cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu này không phát sinh giao dịch trong thời gian dài. Trong cơ cấu cổ đông, ông Nguyễn Khắc Luận – Tổng Giám đốc là cổ đông lớn nhất nắm 13,48% vốn. Ông Phạm Quỳnh Giang, Chủ tịch HĐQT Vinexad là cổ đông lớn thứ hai với 12,32%vốn. Bà Nguyễn Thị Hằng, vợ ông Giang sở hữu 7,67% số cổ phần. Ngoài ra, ông Đinh Văn Khải, Phó Tổng giám đốc cũng đang nắm 12,04% vốn.

Báo lãi kỷ lục năm 2023, EPS lọt top đầu thị trường

CTCP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại – Vinexad tiền thân là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương, thành lập từ năm 1975. Công ty cổ phần hoá từ năm 2006, có trụ sở chính tại vị trí “đất vàng” số 9 Đinh Lễ (Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Năm 2010, công ty mới chính thức giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán VNX. Là một doanh nghiệp có quy mô vốn khá nhỏ, từ khi thành lập đến nay, Vinexad mới chỉ tăng vốn từ 7 tỷ đồng lên 12 tỷ đồng.

Vinexad là công ty đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông, triển lãm sự kiện và xúc tiến thương mại quốc tế. Mỗi năm, công ty tổ chức và tham gia hàng chục hội chợ – triển lãm lớn trong và ngoài nước, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp tham gia.

Doanh nghiệp cũng được biết đến với vai trò là thành viên của Hiệp hội Triển lãm toàn cầu UFI và Hiệp hội Triển lãm – Hội nghị châu Á (AFECA). Tận dụng thế mạnh trong lĩnh vực triển lãm sự kiện, công ty đang xúc tiến mở rộng tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc,…

Vinexad “dốc hầu bao” trả cổ tức đều đặn cho cổ đông mỗi năm nhờ hoạt động kinh doanh duy trì ổn định. Doanh thu và lợi nhuận dù không quá cao nhưng vẫn ghi nhận đà tăng trưởng đều đặn trong giai đoạn 2015-2019. Tuy nhiên sang đến năm 2020, cú đấm “Covid” tác động trực diện đến mảng kinh doanh chủ lực là tổ chức triển lãm sự kiện, kéo theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lao dốc mạnh.

Trong hai năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của Vinexad đã hồi phục mạnh mẽ. Theo BCTC kiểm toán năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 252 tỷ đồng, tăng 78 % so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế 37 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với năm 2022. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử của Vinexad. Đáng chú ý, EPS của doanh nghiệp tăng mạnh từ 12.385 đồng lên mức 30.580 đồng, lọt top 3 doanh nghiệp có EPS cao nhất trên sàn chứng khoán hiện tại.

Ảnh chụp Màn hình 2024-05-18 lúc 09.11.44.png

Sang năm 2024, Vinexad đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi với doanh thu đạt 240 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 31 tỷ đồng, lần lượt giảm 5% và 17% so với mức thực hiện năm trước. Cổ tức năm 2024 dự kiến bằng tiền tỷ lệ 50%.

Mới đây, doanh nghiệp cũng thông qua phương án chào bán 612 nghìn cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, tương đương người sở hữu 1 cổ phiếu được 1 quyền mua và cứ 2 quyền mua được mua 1 cổ phiếu mới. Với mức giá chào bán 10.000 đồng/cp, tổng số tiền thu được từ đợt chào bán dự tính là 6,1 tỷ đồng.

Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là thanh toán tiền mặt bằng triển lãm cho nhà cung cấp Công ty liên doanh Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024. Nếu phương án chào bán thành công, vốn điều lệ doanh nghiệp sẽ tăng vượt 18 tỷ đồng.

Mai Chi

An ninh Tiền tệ

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.