Doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh có thể được giãn nợ tối đa 12 tháng

(KTSG Online) – Từ hôm nay (24-4) các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nhà nước Việt Nam chính thức xem xét, thực hiện giãn nợ tối đa 12 tháng cho các khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phục vụ đời…

Fatz Admin lúc 2023-04-24

(KTSG Online) – Từ hôm nay (24-4) các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nhà nước Việt Nam chính thức xem xét, thực hiện giãn nợ tối đa 12 tháng cho các khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng phục vụ đời sống sẽ được giãn nợ với thời hạn không vượt quá 12 tháng. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thongtu02-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Theo đó, tất cả những khách hàng nào gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng phục vụ đời sống sẽ được giãn nợ với thời hạn không vượt quá 12 tháng.

QUẢNG CÁO

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 24-4-2023 đến hết ngày 30-6-2024.

Trước đó, hôm 23-4, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 59 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng, theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.

Cổng thông tin Chính phủ đưa tin, tại cuộc họp đột xuất vào cuối tuần qua với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu rà soát, thúc đẩy ban hành các quy định mới liên quan cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, hạ lãi suất và mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện dự thảo theo hướng cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng phù hợp, đồng thời thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát và đẩy mạnh phân cấp để tăng cường trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phải thiết kế hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp giúp tăng cường niềm tin thị trường và theo hướng cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng đầu tư, cho vay đối với trái phiếu doanh nghiệp để tăng nguồn cung, tính thanh khoản, phát triển thị trường trên cơ sở an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng hạ lãi suất phù hợp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

T.Huy – Minh Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.