Doanh nghiệp cung cấp sơn cho Hòa Phát chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt 20%

Nhìn lại lịch sử, doanh nghiệp ngành sơn này duy trì mức cổ tức tiền mặt khá cao và đều đặn. HPP: Mới đây, CTCP Sơn Hải Phòng (mã HPP) thông báo ngày 30/6 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để chốt cổ đông thực hiện trả…

Fatz Admin lúc 2023-06-21
Doanh nghiệp cung cấp sơn cho Hòa Phát chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt 20%

Nhìn lại lịch sử, doanh nghiệp ngành sơn này duy trì mức cổ tức tiền mặt khá cao và đều đặn.

HPP:

Mới đây, CTCP Sơn Hải Phòng (mã HPP) thông báo ngày 30/6 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để chốt cổ đông thực hiện trả cổ tức còn lại của năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 20%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 2.000 đồng. Thời gian thực hiện dự kiến vào 31/7 tới đây.

Với 8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự chi 16 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho cổ đông. Trước đó, hồi tháng 1/2022, HPP đã hoàn tất tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền với tỷ lệ 10%. Tính chung hai đợt, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2022 của HPP là 30%.

Nhìn lại lịch sử, doanh nghiệp ngành sơn này duy trì mức cổ tức tiền mặt khá cao và đều đặn. Kể từ 2016, HPP chi trả cổ tức bằng tiền là 30% mỗi năm. Trong năm 2023, trước những khó khăn chung, doanh nghiệp đưa ra hai kịch bản, nếu lợi nhuận trước thuế đạt mục tiêu 60 tỷ thì mức cổ tức tiền mặt là 30%, nếu dưới mức 60 tỷ sẽ trả cổ tức 25%.

QUẢNG CÁO

Theo tìm hiểu, Sơn Hải Phòng tiền thân là Xí nghiệp hóa chất sơn dầu, chính thức đi vào hoạt động theo mô hình CTCP vào năm 2004 với số vốn điều lệ là 20 tỷ đồng. Năm 2010, doanh nghiệp tiến hành đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.

Về lĩnh vực hoạt động, Sơn Hải Phòng chủ yếu sản xuất và kinh doanh sơn các loại như sơn tàu biển, sơn công nghiệp, sơn chống cháy… cùng với kinh doanh vật tư, thiết bị, hóa chất thông thường.

Đáng chú ý, HPP là đơn vị cung cấp sản phẩm sơn tấm lợp cho nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thép như Hoa Sen, Hòa Phát, CTCP Tôn Vikor.

Trong giai đoạn 2017-2020, HPP đưa ra thị trường các sản phẩm mới như sơn sàn công nghiệp, sơn chống cháy (năm 2017), sơn Economy (năm 2018) và sơn thép mạ kẽm (năm 2019).

Đặc biệt, sản phẩm sơn tàu biển của HPP khá nổi trội do được cổ đông lớn là Tập đoàn sơn tàu biển Chugoku chuyển giao công nghệ về việc sản xuất dòng sơn này. Chugoku là tập đoàn sơn tàu biển nổi tiếng thế giới với hơn 100 năm lịch sử, hiện đang nắm giữ 10% cổ phần của HPP.

Giai đoạn 2017-2020, Sơn Hải Phòng tăng trưởng khá đều đặn qua từng năm, lợi nhuận trước thuế năm 2020 cán mốc 111 tỷ đồng. Đà tăng trưởng của HPP bắt đầu chững lại kể từ năm 2021 trước những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid và khó khăn chung của nền kinh tế. Theo báo cáo kiểm toán năm 2022, doanh thu của HPP tăng 18% lên 1.218 tỷ đồng, song lợi nhuận trước thuế giảm đến 47% xuống còn 40 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cung cấp sơn cho Hòa Phát chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt 20% - Ảnh 1.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Sơn Hải Phòng đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.181 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 60 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là năm thứ 3 doanh nghiệp cán mốc doanh thu trên nghìn tỷ đồng. Về sản lượng tiêu thụ, Sơn Hải Phòng dự kiến đạt 17.000 tấn, trong đó 13.000 tấn sơn và 4.000 tấn nhựa Alkyd.

Chiến lược để hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 là tập trung phát triển thị trường sơn, cụ thể là thị trường sơn Container. Trong năm 2022, doanh nghiệp đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất sơn Container với CMP. Doanh nghiệp đã sản xuất sơn cấp cho Tập đoàn Hoà Phát để chạy thử trên dây chuyền và bước đầu đạt kết quả khả quan.

Doanh nghiệp cho biết năm nay sẽ tập trung chạy thử trên dây chuyền tại Nhà máy Container Hoà Phát và chính thức là nhà cung cấp sơn Container cho Hoà phát cho những năm tới. Đây sẽ là dòng sản phẩm làm tăng doanh thu và cũng là tiền đề phát triển của doanh nghiệp trong năm 2023.

Mai Chi

Nhịp Sống Thị Trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.