Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15-5-2023, tổng công suất đặt các nguồn điện đến 2030 là 150,489 GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80 GW).

Trong đó tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây dựng mới là 30.424 MW (khí trong nước 10 dự án với tổng công suất 7.900 MW và LNG có 13 dự án với tổng công suất 22.824 MW).

Dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG nêu rõ: Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG. Cụ thể, đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện khí đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; các đơn vị điện lực bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; đơn vị điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện.

 Dự án điện khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Ảnh: Congthuong.vn

Theo dự thảo nghị định, với các nhà máy điện khí sử dụng LNG nhập khẩu, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư dự án nhà máy điện sử dụng LNG phải chủ động thực hiện các dự án đã có trong Quy hoạch điện theo đúng quy định, bảo đảm hiệu quả; thống nhất việc các doanh nghiệp phải chủ động đàm phán, ký kết và chịu trách nhiệm về các hợp đồng, thỏa thuận thương mại. Chính phủ đồng ý nguyên tắc cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện.

Trong giai đoạn đến năm 2030, Chính phủ quy định tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn ở mức tối thiểu bằng 70% trong thời gian trả nợ của dự án nhà máy điện nhưng không quá 7 năm nhằm đảm bảo khả thi trong việc thu hút đầu tư, tránh tác động mạnh lên giá bán lẻ cũng như đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng với các loại hình nguồn điện khác trên thị trường điện.

Trong khi đó, với các nhà máy điện khí sử dụng khí tự nhiên trong nước, Chính phủ đồng ý nguyên tắc chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện đối với những dự án trọng điểm về dầu khí góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền Việt Nam.

KHÁNH AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.