Bộ Tài chính đề xuất quy định, yêu cầu ngân hàng bán bảo hiểm phải ghi âm, lưu lại 5 năm toàn bộ nội dung đã tư vấn cho khách hàng. Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra…
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm .
Trong đó, vấn đề mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng được đề xuất bổ sung quy định. Điều 26 dự thảo thông tư ghi rõ: Yêu cầu đối với việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua đại lý là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm (là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) phải đảm bảo các nguyên tắc:
Toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm, nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được ghi âm và lưu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thời hạn ít nhất 5 năm.
Với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước khi quyết định phát hành hợp đồng. Trong đó, phải có nội dung để kiểm tra việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm là trên cơ sở tự nguyện.
Doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng tư vấn bảo hiểm của các nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kịp thời phối hợp với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc tư vấn của nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và xử lý vi phạm (nếu có).
Định kỳ hàng tháng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm đối chiếu dữ liệu về hợp đồng bảo hiểm khai thác mới, doanh thu phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện.
Người dân tới báo Tiền Phong phản ánh về việc nhân viên tư vấn tư vấn không chính xác điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm liên kết với ngân hàng
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng yêu cầu tài liệu giới thiệu sản phẩm phải bảo đảm phản ánh trung thực các thông tin cơ bản, không được cung cấp thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm kỳ vọng và hiểu lầm. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng được yêu cầu định kỳ kiểm tra chất lượng tư vấn của nhân viên ngân hàng, phối hợp với ngân hàng để xử lý các khiếu nại của khách hàng.
Thời gian qua, phản ánh đến Tiền Phong, nhiều người dân cho biết, khi gửi hoặc tất toán sổ tiết kiệm tại ngân hàng được nhân viên tư vấn gói tiết kiệm lãi suất cao đã đồng ý tham gia. Sau đó, khi có nhu cầu rút tiền tiết kiệm, người dân “té ngửa” bởi số tiền tiết kiệm được chuyển sang ký hợp đồng bảo hiểm đầu tư Tâm An Đầu tư của Công ty Bảo hiểm Manulife. Người dân gửi đơn khiếu nại tới ngân hàng, Công ty Bảo hiểm Manulife thì nhận được câu trả lời, yêu cầu trình bằng chứng về việc nhân viên ngân hàng tư vấn sai.
Bà Nguyễn Thị Thuý Hằng (Hà Nội) cho biết, nhân viên đã tư vấn sai, khiến chúng tôi hiểu nhầm giữa tham gia hợp đồng bảo hiểm và gửi tiết kiệm lãi suất cao.
“Họ đã chiêu dụ bằng lãi suất, giới thiệu gửi tiền với lãi suất 10-12%/năm. Nhân viên tư vấn nói không rõ đây là hợp đồng đầu tư có bảo hiểm nhân thọ; chỉ nói chia thành 2 tài khoản, làm cho tôi nghĩ rằng, giống tiết kiệm như thông thường”, bà Hằng nói và cho biết, sau một năm, bà cùng nhiều người nhận được thông báo đóng phí, lúc đó mới vỡ lẽ đã mua hợp đồng bảo hiểm.
Đến nay, sau nhiều lần gửi đơn khiếu nại, bà Hằng và nhiều người dân khác bị tư vấn sai lệch vẫn chưa nhận lại số tiền bị “hô biến” từ gửi tiết kiệm sang đầu tư sản phẩm bảo hiểm Tâm An Đầu tư của Công ty Bảo hiểm Manulife.
Tiền phong