Ảnh minh họa Việc đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ để tăng thu ngoài lãi đã trở thành xu hướng của ngân hàng Việt trong những năm gần đây. Nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2022 vừa được các nhà băng công bố sẽ thấy thu ngoài lãi…
Nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2022 vừa được các nhà băng công bố sẽ thấy thu ngoài lãi ngày càng đóng vai trò quan trọng. Trong đó, VPBank là một trong những ngân hàng có thu nhập ngoài lãi cao nhất năm 2022 với 16.777 tỷ đồng, tăng 68,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 29% trên tổng thu nhập. VietinBank cũng ghi nhận thu ngoài lãi năm 2022 đạt 16.650 tỷ đồng, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 25,8% trên tổng thu nhập. Hay như Sacombank cũng đạt 8.994 tỷ đồng thu ngoài lãi trong năm qua, tăng 56,7% so với năm 2021, chiếm 34,4% tổng thu nhập…
Theo đánh giá từ FiinGroup, nhìn vào cơ cấu thu ngoài lãi của các nhà băng, có thể thấy dịch vụ thanh toán và ngân quỹ cùng với bancassurance vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hoạt động dịch vụ, chiếm lần lượt 37,8% và 30,5%. Đối với những ngân hàng có thu nhập ngoài lãi cao, hai hoạt động này vẫn luôn là động lực tăng trưởng chính. Đơn cử tại VPBank, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt 8.242 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 72% so với năm trước.
Chuyên gia FiinGroup nhận định, dù dự báo sẽ hạ nhiệt, nhưng thu ngoài lãi kỳ vọng tiếp tục duy trì đóng góp tích cực cho lợi nhuận ngân hàng, bù đắp cho thu từ tín dụng có thể bị giảm sút do tín dụng tăng trưởng chậm. |
Trong đó, thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ nỗ lực số hóa của ngân hàng những năm gần đây. Ngoài ra, hợp đồng phân phối bảo hiểm mới được ký kết cùng với tập khách hàng ngày càng được mở rộng, tạo dư địa bán chéo lớn vẫn sẽ mang về nguồn thu nhập ổn định trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
CTCK VCBS cũng cho rằng, hợp đồng bancassuracne độc quyền của LienVietPostBank và Dai-ichi Life trong quý IV/2022 có thể ghi nhận phí trả trước trong năm tới. Ngoài ra, các thương vụ ký kết mới của HDBank và VIB sẽ đóng góp tích cực cho doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance trong năm 2023.
Báo cáo triển vọng đầu tư ngành Ngân hàng năm 2023 của GTJA nhận định, hoạt động kinh doanh ngoài tín dụng, dự kiến tăng trưởng 25% sẽ là động lực tăng trưởng chính, “dẫn dắt” lợi nhuận của các nhà băng trong năm 2023 khi hoạt động tín dụng đối diện một số lực cản. Trong đó, nguồn thu phí dịch vụ (thẻ tín dụng, bancassuracne) vẫn là những động lực chính với kỳ vọng tăng trưởng trung bình 30%/năm.
Theo các chuyên gia, việc sở hữu cơ cấu thu nhập có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ giúp ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu, giảm thiểu rủi ro, qua đó sẽ tăng trưởng bền vững, ổn định hơn trong dài hạn. Đây cũng là xu hướng mà các ngân hàng phải hướng tới.
Bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN cho hay, có hai vấn đề trong tương lai đối với các ngân hàng nếu cơ cấu thu nhập vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng. Đó là khi dịch vụ tài chính, nền kinh tế phát triển, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều kênh huy động vốn ngoài ngân hàng, vì vậy biên lợi nhuận tín dụng sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, xu hướng chuyển đổi số kết hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng sẽ tạo ra nhiều cơ hội để phát triển và mở rộng các dịch vụ ngân hàng, thay đổi cơ cấu thu nhập, tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ trong tổng thu nhập của các ngân hàng Việt Nam. Bối cảnh đó vừa là cơ hội cũng đồng thời là thách thức lớn đặt ra đối với nhà băng Việt. Do đó, việc xây dựng chiến lược phát triển ngành Ngân hàng, trong đó có nội dung về chuyển dịch cơ cấu thu nhập ngành Ngân hàng được đặt ra như một đòi hỏi thiết yếu.
Chung quan điểm, một nhóm nghiên cứu của Vietcombank chỉ ra những lợi ích của việc chuyển dịch cơ cấu thu nhập của các ngân hàng. Đó là thúc đẩy ngân hàng hội nhập kinh tế quốc tế và liên kết các dịch vụ tài chính với ngành Ngân hàng trên thế giới; đẩy nhanh quá trình lưu thông hàng hóa, tiền tệ, tiết kiệm chi phí xã hội; thúc đẩy sản xuất, cung ứng vốn với chi phí thấp hơn; thúc đẩy nền kinh tế theo xu hướng kinh tế tri thức; tạo điều kiện để cho các ngành kinh tế khác phát triển. Đối với bản thân ngân hàng, chuyển dịch thu nhập giúp gia tăng lợi nhuận bền vững, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà băng trong nền kinh tế.
Để thúc đẩy nguồn thu bền vững này, nhóm nghiên cứu cho rằng phải sớm giải quyết các “điểm nghẽn” làm hạn chế quá trình chuyển dịch cơ cấu thu nhập của các ngân hàng, thông qua tập trung thúc đẩy tăng thu nhập từ các nhóm dịch vụ hiện đại như tư vấn bảo hiểm, ngân hàng điện tử, tăng cường hợp tác phát triển các kênh phân phối bảo hiểm.
Với các ngân hàng, cần lưu ý tới yế́u tố bền vững của thu nhập, tránh phụ thuộc vào các khoản thu đột biến bất thường. Đối với dịch vụ tư vấn phát hành và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng cần không ngừng nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn ở mức độ phát triển thấp, mức độ minh bạch thông tin chưa cao.
Song song với đó, bản thân các ngân hàng phải đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng áp dụng công nghệ hiện đại, tránh mắc phải sai lầm là chỉ đơn thuần phủ công nghệ lên mô hình ngân hàng truyền thống cũ kỹ và cần dành nguồn lực lớn đầu tư vào việc thiết kế sản phẩm dịch vụ mới.
Thời báo Ngân hàng