Các nhà đầu tư tổ chức còn thận trọng, đứng ngoài “tránh bão” khiến dòng tiền trên thị trường sụt giảm nghiêm trọng từ đầu tháng 9 đến nay Ngày 12-9, thị trường chứng khoán tăng nhẹ trở lại sau 3 phiên sụt giảm đầu tuần. Kết phiên, VN-Index tăng…
Ngày 12-9, thị trường chứng khoán tăng nhẹ trở lại sau 3 phiên sụt giảm đầu tuần. Kết phiên, VN-Index tăng 3,08 điểm, lên 1.256,35 điểm; HNX-Index cũng tăng 0,45 điểm, lên 231,9 điểm.
Tuy nhiên, thị trường lại trải qua một phiên giao dịch hết sức “buồn ngủ”, giá các cổ phiếu biến động với biên độ hẹp. Thanh khoản xuống thấp kỷ lục, khi cả 3 sàn nhưng chỉ đạt trên 11.400 tỉ đồng, riêng sàn HoSE chỉ hơn 10.400 tỉ đồng, giảm 10% so với phiên trước.
Đáng chú ý, tình trạng giao dịch èo uột đã diễn ra liên tục từ đầu tháng 9 đến nay. Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch bình quân từ đầu tháng 9 đến nay chỉ khoảng 12.000 tỉ đồng/phiên, trong khi trung bình tháng 8 đạt 16.500 tỉ đồng/phiên.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng khi VN-Index tiệm cận 1.300 điểm thị trường có một số khó khăn nhất định. Đó là khối ngoại vẫn bán ròng dù giá trị có giảm xong vẫn trong xu hướng bán.
Ngoải ra, sau kỳ nghỉ lễ 2/9, chứng khoán quốc tế trong đó có Mỹ và Trung Quốc cũng giảm vì các dữ liệu vĩ mô không mấy tích cực. Chưa kể Việt Nam lại gặp bão, vì vậy dòng tiền vào thị trường chứng khoán trong nước cũng đi “tránh bão” thật. Thực chất, đó là đứng ngoài quan sát, chờ cơ hội rõ ràng để tham gia.
“Có những lý do cho thấy dòng tiền vẫn chờ cơ hội để chảy vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Đó là các kênh đầu tư tài chính khác tương đối ít hấp dẫn, như lãi suất tiết kiệm vẫn thấp, thị trường bất động sản chưa tích cực sau khi 3 luật liên quan có hiệu lực. Còn thị trường vàng đã qua rồi thời kỳ nóng và không còn hấp dẫn nữa. Cho nên dòng tiền vào chứng khoán giống như “rơm đang chờ một đốm lửa” chỉ cần có yếu tố động lực, kích thích là “cháy” – ông Minh nhấn mạnh.
Một giám đốc đầu tư tại công ty chứng khoán VPS cho rằng nhà đầu tư đang thận trọng trước nhiều thông tin chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư có liên quan đến thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn mà các cổ phiếu đi vào vùng đáy. Các nhóm cổ phiếu có xu hướng dẫn dắt giai đoạn này là ngân hàng, chứng khoán, thép và đầu tư công.
Người Lao Động