Là nhà phân phối điện thoại di động, laptop (ICT) hàng đầu, tuy nhiên với sự thay đổi dần cơ cấu sản phẩm sang các sản phẩm có lợi nhuận cao hơn cụ thể là nhóm hàng ngoài ICT đã thúc đẩy tăng trưởng của Digiworld trong bối cảnh sức…
Doanh thu mảng ngoài ICT tăng trưởng mạnh
Trong bối cảnh doanh thu các mảng kinh doanh cốt lõi chịu ảnh hưởng bởi sức mua sụt giảm, nửa cuối năm 2022, CTCP Thế Giới Số (Digiworld, mã DGW) đã tăng cường mở rộng thêm các mảng kinh doanh mới, ngoài ICT trong đó đáng chú ý là mảng gia dụng và hàng tiêu dùng.
Cụ thể, từ cuối quý 3/2022, công ty bắt đầu phân phối các sản phẩm gia dụng như tủ lạnh, máy giặt, máy sấy, máy rửa chén từ thương hiệu Whirlpool. Tháng 12/2022 Digiworld đã chính thức trở thành nhà phân phối của AB-InBev tại thị trường Việt Nam. Từ quý 2/2023, Digiworld phân phối thêm một số sản phẩm gia dụng của Westinghouse cùng một số nhãn hàng đồ uống của Lotte Chilsung Beverage.
Ban lãnh đạo Digiworld từng kỳ vọng sự hợp tác mới sẽ giúp các ngành hàng gia dụng, bia và FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) trở thành động lực tăng trưởng của Digiworld trong thời gian tới.
Việc Digiworld liên tục đẩy mạnh mở rộng các ngành hàng mới cũng là vấn đề khiến các cổ đông băn khoăn và đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo về tính hiệu quả và mức độ đóng góp vào tổng doanh thu.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Digiworld từng cho biết, để tạo nên thành công cho các ngành hàng mới, mô hình dịch vụ phát triển thị trường (Market Expansion Services – MES) của công ty đã áp dụng với những ngành hàng như máy tính, máy tính bảng, điện thoại sẽ tiếp tục được lặp lại ở những ngành hàng gia dụng, F&B,…
Trong cơ cấu doanh thu năm 2022 của Digiworld, hai mảng điện thoại di động và máy tính xách tay & máy tính bảng chiếm tỷ trọng lớn nhất với lần lượt 49% và 32% trong khi
ba mảng ngoài ICT bao gồm thiết bị văn phòng, hàng tiêu dùng, gia dụng đóng góp 19% tổng doanh thu.
Sang đến quý 2/2023, hai ngành hàng ngoài ICT là thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng có tăng trưởng doanh thu ấn tượng nhất, lần lượt tăng 54%, 83% so với cùng kỳ năm 2022 và đóng góp 7% tổng doanh thu. Cùng với thiết bị văn phòng,
ba ngành hàng ngoài ICT đã nâng mức đóng góp lên 23% tổng doanh thu.
Quý 2 vừa qua, Digiworld đã đa dạng hóa sản phẩm trong ngành này bằng việc thêm thương hiệu mới Westinghouse của Mỹ và đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Với ngành hàng tiêu dùng tăng trưởng chủ yếu đến từ việc Digiworld gia nhập ngành đồ uống, bắt tay với 2 “ông lớn” là ABInbev và Lotte Chilsung để phân phối đa dạng các thương hiệu và sản phẩm như bia, sữa, nước trái cây,…
Theo ước tính của CTCP Chứng khoán Vietcap (VCSC) tại báo cáo mới phát hành, biên lợi nhuận gộp của mảng thiết bị văn phòng, hàng tiêu dùng và thiết bị gia dụng dao động trong khoảng 11%-19% so với biên lợi nhuận gộp của mảng ICT là 5%-9%. Vietcap kỳ vọng tỷ trọng đóng góp doanh số từ thiết bị văn phòng, hàng tiêu dùng và thiết bị gia dụng sẽ đạt 26%/27% vào năm 2024/2025 so với mức 19% vào năm 2022.
Cũng theo Vietcap, lợi nhuận giảm trong năm 2023 của Digiworld một phần được bù đắp bởi các mảng ngoài ICT.
Vietcap dự báo doanh thu từ mảng ICT giai đoạn 2023-2025 giảm thêm 26%, biên lợi nhuận gộp giảm thêm 50 điểm cơ bản còn 6,6% trong năm 2023. Điều này được bù đắp một phần nhờ tăng dự báo tổng doanh thu hàng tiêu dùng trong giai đoạn 2023-2025 thêm 40%.
Yếu tố hỗ trợ được Vietcap đề cập là việc Digiworld tiếp tục hợp tác kinh doanh hoặc M&A gia tăng giá trị giúp mở rộng danh mục sản phẩm đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng. Trong khi rủi ro có thể là việc mất hợp đồng các thương hiệu lớn, chi tiêu của người tiêu dùng yếu hơn dự kiến đối với hàng hoá ICT.
Tương tự, báo cáo mới đây của Chứng khoán Maybank (MSVN) nhận định Digiworld có thế mạnh trong việc phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin và đang trong quá trình mở rộng theo chiều ngang sang các phân khúc tiềm năng khác, bao gồm thiết bị gia dụng, hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khoẻ, thiết bị công nghiệp. Việc mở rộng này mang lại dư địa đáng kể và các động lực bền vững cho tăng trưởng dài hạn của Digiworld, bên cạnh việc hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng và chuyển đổi số.
Lợi nhuận doanh nghiệp bán lẻ sẽ tích cực trở lại nửa cuối năm 2023
Quý 2/2023 vừa qua đa phần các doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2023 một số yếu tố có thể hỗ trợ cho sự phục hồi của ngành có thể kể đến như việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% (còn 8%). Thời hạn áp dụng từ 1/7 đến hết năm 2023.
Việc lãi suất giảm một mặt có thể kích thích nhu cầu mua sắm của người dân, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng lãi vay qua đó có thêm dư địa cho các chương trình khuyến mãi kích cầu.
Nhóm bán lẻ ICT sẽ được hưởng lợi từ quý 3 trở đi khi mùa tựu trường sẽ kích thích nhu cầu mua sắm máy tính, laptop, máy tính bảng,… Ngoài ra, Apple dự kiến sẽ ra mắt mẫu iPhone 15 vào giữa tháng 9 cũng được kỳ vọng trở thành cú huých đối với nhóm này.
SSI Research nhận định lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tích cực trở lại từ quý 4/2023 đến năm 2024. Sự phục hồi lợi nhuận có thể được thúc đẩy nhờ (1) đẩy mạnh giải ngân các khoản vay tiêu dùng, (2) điều kiện kinh tế vĩ mô cải thiện, (3) các công ty có tình hình tài chính vững mạnh tăng thêm thị phần và (4) tỷ suất lợi nhuận cải thiện nhờ mức tồn kho thấp hơn sau đợt cạnh tranh gay gắt về giá trong quý 2.
Đồng quan điểm, Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng sức mua ngành bán lẻ dự báo sẽ có sự hồi phục từ 6 tháng cuối năm 2023. Triển vọng phục hồi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành được kỳ vọng đến từ mức nền thấp của quý 2/2023 và áp lực tồn khi nguyên vật liệu giá cao so với cùng kỳ được giảm bớt.
Nhịp Sống Thị Trường