(KTSG) – Trong khi những nhà đầu tư chuyên nghiệp, những thành phần đầu cơ lướt sóng có thể quyết định thoát hàng một cách dễ dàng khi đã có lợi nhuận, những người mua vàng với tâm lý tích trữ luôn có cảm giác tiếc nuối nếu phải bán…
(KTSG) – Trong khi những nhà đầu tư chuyên nghiệp, những thành phần đầu cơ lướt sóng có thể quyết định thoát hàng một cách dễ dàng khi đã có lợi nhuận, những người mua vàng với tâm lý tích trữ luôn có cảm giác tiếc nuối nếu phải bán ra.
Ngựa bất kham
Mua một hoặc vài chỉ vàng trong ngày Thần Tài mỗi năm để lấy may mắn đầu năm và mong muốn phát tài cả năm, đó là sở thích của nhiều người mà tôi quen biết. Đó có thể là số tiền họ đã dành dụm được trong năm vừa rồi, hoặc số trích ra từ khoản thưởng Tết cuối năm, và không ít trường hợp là từ tiền lì xì của các con mà bố mẹ muốn để dành cho chúng dưới dạng một tài sản có tính an toàn và giữ được giá trị trong dài hạn như vàng.
Qua nhiều năm, số vàng mà những “nhà đầu tư” không chuyên này tích lũy được lên đến vài lượng là điều bình thường, thậm chí có thể lên đến vài chục lượng. Điều đáng nói là họ ít khi nào nghĩ đến việc bán ra, mà có thể chỉ đơn giản là truyền từ đời này sang đời khác dưới dạng của hồi môn hoặc tài sản thừa kế cho con cháu.
Khác với các nước phương Tây, Việt Nam hay Trung Quốc, Ấn Độ có truyền thống tặng vàng cho nhau khi có hỷ sự, đặc biệt là vào ngày cưới của người thân trong gia đình hay các dịp kỷ niệm sinh nhật, thôi nôi của con cháu. Và số vàng trang sức dưới dạng quà tặng này cũng thường được giữ lại làm kỷ niệm lâu dài, họa hoằn lắm mới phải bán ra khi gia đình chẳng may gặp khó khăn.
Mỗi khi thị trường vàng lên cơn sốt, các phương tiện truyền thông thường hay đưa tin về những hàng dài người chen nhau mua tại các tiệm vàng. Liệu bao nhiêu trong số đó là những người có nhu cầu mua thật, hay chỉ nhằm dọ giá và cũng có thể đang tìm cách bán ra lượng vàng đang có ở mức giá tối ưu?
Đó là hai trong số những nhu cầu trên thị trường vàng tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhu cầu tích lũy này lũy tiến qua từng năm, do đó, khi nguồn cung trên thị trường không được bổ sung, thị trường vàng cứ thế đẩy giá đi lên theo thời gian. Đặc biệt, trong những giai đoạn thị trường tăng nóng, càng kích thích lực mua đầu tư lẫn đầu cơ tham gia cuộc chơi lướt sóng ngắn hạn, đến lượt mình các nhu cầu quay trở lại càng gây áp lực lên thị trường và hình thành nên một vòng xoáy đẩy giá tăng không dừng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khóa cánh cửa nhập khẩu vàng trong những năm qua, nguồn cung từ những người đã mua vào trước đó rất ít do nhu cầu sở hữu mang tính tích lũy, nên thanh khoản trên thị trường này cực kỳ thấp và đó cũng là lý do khiến chênh lệch với giá thế giới thường xuyên duy trì ở mức cao đến vậy.
Khoảng chục năm về trước, các ngân hàng thương mại còn có nghiệp vụ huy động, giữ hộ và kinh doanh vàng, nên một phần lớn lượng vàng trong dân cư vẫn được để tại ngân hàng và các ngân hàng có thể sử dụng để kinh doanh, đóng góp phần nào vào nguồn cung trên thị trường. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như thị trường vàng có những chu kỳ tăng quá mạnh, các ngân hàng quản trị rủi ro không tốt, nên nghiệp vụ này đã bị cấm từ đó đến nay. Do đó, lượng vàng trong dân cư thời gian qua gần như đã biến mất khỏi thị trường.
Trong bối cảnh cung cầu thiếu cân bằng như vậy, thị trường vàng như một chú ngựa bất kham, với sự vận động giá nằm ngoài khả năng kiểm soát của các cơ quan quản lý và đôi khi là trái ngược với xu hướng của thị trường vàng thế giới. Đặc biệt, từ năm ngoái đến nay, chênh lệch giá vàng trong nước và giá thế giới quy đổi luôn duy trì ở mức rất cao từ 13-15 triệu đồng/lượng, thậm chí có những thời điểm lên đến 18-20 triệu đồng/lượng.
NHNN gần đây đã triển khai giải pháp đấu thầu vàng miếng SJC nhằm tăng nguồn cung cho thị trường và bình ổn giá. Tuy nhiên, kể từ khi NHNN tổ chức đấu thầu lần đầu tiên vào ngày 22-4-2024 cho đến nay, vì nhiều lý do, giá vàng lại càng tăng vọt và kéo chênh lệch so với giá thế giới lên mức cao hơn.
Phải kìm cương bằng mọi giá?
Thời gian qua, có nhiều ý kiến đánh giá liên quan đến thị trường vàng, trong đó có không ít ý kiến đối lập nhau. Phần lớn ý kiến cho rằng trong khi chính sách đấu thầu vàng chưa mang lại hiệu quả và cũng không thể duy trì lâu dài vì nguồn lực có hạn, việc tháo gỡ cơ chế cho phép doanh nghiệp chủ động nhập khẩu vàng theo hạn mức để tăng nguồn cung cho thị trường là điều cần thiết.
Ngược lại, cũng có quan điểm tin rằng sự biến động của giá vàng không tác động nhiều đến nền kinh tế và có thể gây ra bất ổn vĩ mô, vì vậy cứ để thị trường tự thân vận động, nhà điều hành không cần phải tốn nguồn lực can thiệp một cách không cần thiết.
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, có lẽ khó chấp nhận tình trạng chênh giá ở mức quá cao như vậy, nhất là khi quá khứ từng cho thấy vàng là một trong những tài sản có thể ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát kỳ vọng trong xã hội.
Chính vì vậy, nhiều khả năng Chính phủ, NNHN sẽ tiếp tục tìm cách kìm cương chú ngựa bất kham giá vàng, từ các giải pháp thị trường như tăng cung hay các biện pháp hành chính và tâm lý nhằm hãm sức cầu và triệt tiêu lực lượng đầu cơ găm giá. Do đó, rủi ro giảm giá trở lại của thị trường vàng không phải là không thể xảy ra trong thời gian tới.
Mới đây NHNN khuyến cáo người dân thận trọng khi giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro, trước tình hình biến động giá vàng của thị trường vàng thế giới và động thái điều hành, kiểm soát thị trường vàng trong nước thời gian tới. Cơ quan này cũng cho biết sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC với khối lượng phù hợp nhu cầu thị trường. Cụ thể, trong phiên đấu thầu ngày 14-5-2024, NHNN đã tiếp tục giảm khối lượng đấu thầu tối thiểu xuống còn 500 lượng, sau khi đã giảm từ 1.400 lượng xuống 700 lượng vào ngày 8-5-2024.
Thực tế không có tài sản, mặt hàng nào tăng giá mãi được. Quá khứ cho thấy thị trường vàng sau những chu kỳ tăng nóng lên các đỉnh cao trước đây, rồi sau đó cũng rớt mạnh, lình xình suốt thời gian dài trước khi thiết lập xu hướng tăng trở lại. Đây cũng là bài học và nỗi đau mà không ít nhà đầu tư thấm thía trong cơn sốt giá vàng cách đây 12 năm.
Đáng lưu ý mỗi khi thị trường này lên cơn sốt, các phương tiện truyền thông thường hay đưa tin về những hàng dài người chen nhau mua tại các tiệm vàng. Liệu có thật sự đúng như vậy? Liệu bao nhiêu trong số đó là những người có nhu cầu mua thật, hay chỉ nhằm dọ giá và cũng có thể đang tìm cách bán ra lượng vàng đang có ở mức giá tối ưu?
Trong thời gian gần đây, trước xu hướng tăng giá quá mạnh của thị trường vàng, đã có không ít trong số những người tôi quen, vốn từ trước đến nay chỉ đơn thuần mua vàng nhằm tích lũy, hỏi rằng liệu đã đến lúc bán vàng ra chưa. Trong khi những nhà đầu tư chuyên nghiệp, những thành phần đầu cơ lướt sóng có thể quyết định thoát hàng một cách dễ dàng khi đã có lợi nhuận, những người mua vàng với tâm lý tích trữ luôn có cảm giác tiếc nuối nếu phải bán ra.
Dù vậy, khi giá vàng đã tăng quá mạnh và chênh lệch quá lớn với giá thế giới, bán ra có thể là một quyết định phù hợp. Có hai tín hiệu mà những người đang cân nhắc bán ra có thể xem xét.
Thứ nhất là khi các đại lý kinh doanh vàng nới rộng giá mua vào và bán ra một cách bất hợp lý, có thể lên tới 4-5 triệu đồng/lượng hoặc thậm chí hơn. Vì lúc này nhận thấy rủi ro thị trường đang ở mức cao, khả năng giảm giá đã xuất hiện, các tiệm vàng sẽ nới rộng chênh lệch giá mua bán để khiến người bán cảm thấy tiếc nuối vì chênh lệch giá mua bán quá lớn nên sẽ hạn chế bán ra.
Thứ hai là tại những thời điểm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới liên tục nới rộng lên các mức kỷ lục mới, một dấu hiệu cho thấy thị trường đang đẩy giá bất chấp để kích thích hiệu ứng FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ cơ hội), nhất là khi giá đang tiến đến các mốc tâm lý quan trọng. Như trong đợt tăng hiện nay, có lẽ không ít người đang chờ bán ra ở gần mốc giá 100 triệu đồng/lượng. Với những dự báo giá vàng trong nước có thể lên tới 110 triệu đồng/lượng nếu giá thế giới chạm ngưỡng 3.000 đô la Mỹ/ounce, quyết định bán ra ở đâu đó gần vùng 100 triệu đồng/lượng hoặc thậm chí sớm hơn nếu có cơ hội có lẽ cần được cân nhắc, khi dư địa tăng còn lại đã bị thu hẹp trong khi rủi ro đi xuống đã lớn hơn hẳn.
Kinh tế Sài Gòn Online