Cuộc chiến xe điện: Các “ông lớn” Trung Quốc đối đầu VinFast

Với sự gia nhập của 2 “ông lớn” BYD và AION, thị trường xe điện tại Việt Nam đã có hơn 10 hãng thương hiệu Trung Quốc, bao gồm cả MG, Chery, Wuling, Hongqi, Haima, Haval, GAC, Aion, Omoda, Jaecoo, Lynk & Co… Ảnh minh họa (Nguồn: Auto Blog) Các…

Fatz Admin lúc 2024-09-23

Với sự gia nhập của 2 “ông lớn” BYD và AION, thị trường xe điện tại Việt Nam đã có hơn 10 hãng thương hiệu Trung Quốc, bao gồm cả MG, Chery, Wuling, Hongqi, Haima, Haval, GAC, Aion, Omoda, Jaecoo, Lynk & Co…

Cuộc chiến xe điện: Các "ông lớn" Trung Quốc đối đầu VinFast- Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Auto Blog)

Các hãng xe điện Trung Quốc đổ bộ Việt Nam

Mới đây, thương hiệu xe điện đến từ Trung Quốc AION (đang đứng thứ 3 trên toàn cầu về doanh số xe điện) chính thức ra mắt thị trường Việt Nam với 3 mẫu xe điện gồm Y Plus, ES và Hyptec HT. Trong đó, Hyptec HT được xem là tâm điểm chú ý với thiết kế cửa sau mở kiểu cánh chim (gull-wing) tương tự mẫu xe điện đình đám Tesla Model X.

QUẢNG CÁO

Với chiều dài, rộng và cao lần lượt là 4.935 x 1.920 x 1.700 mm và chiều dài cơ sở đạt 2.935 mm, Hyptec HT được dự đoán sẽ cạnh tranh trực tiếp với các mẫu SUV điện cỡ trung cao cấp như VinFast VF8 và VF9.

Xe điện AION sẽ được nhập khẩu từ Trung Quốc và phân phối bởi Harmony Việt Nam thuộc Harmony Group. Dự kiến lô xe phân phối đầu tiên sẽ về Việt Nam trong tháng 10/2024, trong đó 2 mẫu mở bán trước là Y Plus và ES, còn Hyptec HT sẽ ra mắt vào cuối năm.

Hiện tại AION vẫn chưa công bố giá bán chính thức của các mẫu xe điện sẽ mở bán tại Việt Nam nhưng tại Thái Lan, 2 phiên bản AION Y Plus được phân phối có giá quy đổi khoảng 740-899 triệu đồng, trong khi AION ES có giá quy đổi khoảng 583 triệu đồng, còn 2 phiên bản Hyptec HT có giá quy đổi từ 1-1,2 tỷ đồng. Theo giới chuyên gia, các mẫu xe này khi phân phối tại Việt Nam sẽ có giá cao hơn từ 100-200 triệu đồng.

Trước đó, vào giữa tháng 7/2024, thị trường xe điện Việt Nam cũng vừa có thêm sự xuất hiện 3 mẫu xe điện đến từ BYD – thương hiệu xe Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về quy mô, sản lượng bán xe ở 88 quốc gia.

BYD tung ra 3 phiên bản gồm Dolphin (hatchback cỡ B), Atto3 (SUV cỡ B+), Seal (sedan cỡ D) có giá bán lần lượt là 659 triệu đồng; 766 – 866 triệu đồng và 1,1 – 1,3 tỷ đồng. Đây là mức giá tương đương và có phần cao trong cùng phân khúc. Và nếu so sánh với giá quy đổi của các mẫu xe này tại thị trường Thái Lan (chiếc Dolphin có giá bán khoảng hơn 390 triệu đồng, Atto 3 có giá 520-560 triệu đồng, Seal có giá bán từ 770-960 triệu đồng) thì giá bán tại Việt Nam đang cao hơn đáng kể.

Cuộc chiến xe điện: Các "ông lớn" Trung Quốc đối đầu VinFast- Ảnh 2.

Giữa tháng 7, BYD đã chính thức tung ra thị trường 3 mẫu xe điện Dolphin (hatchback cỡ B), Atto3 (SUV cỡ B+) và Seal (sedan cỡ D) – Ảnh: BYD.

Trước những thắc mắc về giá xe thuộc dạng cao so với thị trường, đại diện BYD cho biết đã nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tác và khách hàng suốt thời gian dài.

Tuy nhiên, thực tế nếu nhìn sang Thái Lan, đây có thể không phải là mức giá cuối cùng mà BYD muốn bán cho người dùng Việt Nam bởi khi vừa mở bán tại Thái Lan, BYD cũng để mức giá khá cao, sau đó giảm giá mạnh.

Việc cả 2 “ông lớn” xe điện Trung Quốc cùng lúc đổ bộ vào Việt Nam cho thấy các hãng xe này rất kỳ vọng vào thị trường ô tô điện đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Theo đó, BYD đặt mục tiêu sẽ phát triển 50 đại lý trong năm nay, nâng lên 70 đại lý vào năm 2025 và đạt 100 đại lý vào năm 2026. Tương tự, AION dự kiến mở 10-15 showroom ở Việt Nam trong năm nay, 30-35 đại lý trong năm 2025 và 45-50 đại lý trong năm 2026.

Tuy nhiên, sự gia nhập của BYD và AION cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn cho thị trường ô tô trong nước nói chung và ô tô điện nói riêng, nhất là khi thị trường đã có sự xuất hiện của hàng loạt hãng xe Trung Quốc từ trước đó như MG, Chery, Wuling, Hongqi, Haima, Haval, GAC, Omoda, Jaecoo, Lynk & Co… Đó là chưa kể sự đẩy mạnh đầu từ và phát triển của thương hiệu xe điện trong nước VinFast.

Hiện tại, VinFast đang là thương hiệu dẫn đầu trong phân khúc xe điện tại Việt Nam. Theo số liệu từ báo cáo tài chính chưa kiểm toán quý II/2024 vừa công bố, trong quý II, VinFast giao tổng cộng 13.172 xe, tăng 44% so với quý trước và 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tổng số 22.348 xe được giao trong nửa đầu năm, VinFast ghi nhận tốc độ tăng trưởng 101% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuộc chiến xe điện: Các "ông lớn" Trung Quốc đối đầu VinFast- Ảnh 3.

VF 5 đang là động lực chính đằng sau hiệu suất bán hàng mạnh mẽ của VinFast – Ảnh: VinFast.

Theo lãnh đạo VinFast, số lượng xe điện bán ra tăng cao là do làn sóng chuyển đổi sang xe điện đang tăng mạnh tại thị trường Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh mẽ từ thị trường nội địa cũng đã đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu thúc đẩy di chuyển điện hóa tại Việt Nam và củng cố vị thế của VinFast trên thị trường.

Bên cạnh đó, việc mở rộng mạng lưới phân phối của VinFast một cách chiến lược đang mang lại những kết quả ấn tượng, được thể hiện rõ nét qua việc 23% lượng xe giao trong quý II/2024 đến từ kênh đại lý. Tính đến cuối tháng 8/2024, VinFast sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp với 155 cửa hàng trên toàn cầu, trong đó có đến 70% là cửa hàng đại lý.

Tại thị trường Việt Nam, VinFast cũng đang được hưởng lợi từ các chính sách khuyến khích của Chính phủ, như miễn lệ phí trước bạ cho xe điện. Ngoài ra, để củng cố tạo lợi thế cạnh tranh tại thị trường trong nước, VinFast đang đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm sạc độc quyền thông qua V-Green.

Hiện V-Green sở hữu mạng lưới trạm sạc ô tô, xe máy điện lớn nhất cả nước với 150.000 cổng sạc toàn quốc. V-Green cũng cam kết đầu tư 10.000 tỷ đồng trong 2 năm tới để xây mới, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống nhằm đẩy mạnh phủ sóng trạm sạc xe điện VinFast trên khắp cả nước.

Mới đây, V-Green còn công bố triển khai thêm mô hình nhượng quyền theo hình thức “doanh nghiệp và người dân cùng làm”. Tuy nhiên, các trạm sạc nhượng quyền này chỉ phục vụ chủ xe máy điện và ô tô điện VinFast, tương tự trạm sạc chính hãng do V-Green đầu tư.

Giải “bài toán” trạm sạc

Trong khi VinFast đã bước đầu giải được “bài toán” về trạm sạc thì với các thương hiệu xe Trung Quốc hệ thống trạm sạc vẫn đang là thách thức không nhỏ.

Cuộc chiến xe điện: Các "ông lớn" Trung Quốc đối đầu VinFast- Ảnh 4.

Một hệ thống trạm sạc của V-Green – Ảnh: V-Green.

Tuy nhiên, cả phía BYD và AION đều cho biết, trong giai đoạn đầu gia nhập thị trường, các sản phẩm xe điện còn mới mẻ với nhiều người dùng và cả đơn vị trong hệ thống phân phối, BYD và AION sẽ không chú trọng đến doanh số mà chỉ tập trung mạnh mẽ vào việc xây dựng hệ thống mạng lưới và đội ngũ cho toàn bộ hệ thống đại lý.

Bên cạnh đó, đại diện BYD cũng cho biết công ty không có kế hoạch xây dựng hệ thống trạm sạc riêng, mà sử dụng chiến lược toàn cầu là hợp tác với các đối tác cung cấp trạm sạc bên thứ ba. Để phục vụ khách hàng tại Việt Nam, BYD cung cấp giải pháp sạc tại nhà bằng cách tặng kèm bộ sạc 7 kW và hỗ trợ lắp đặt miễn phí cho khách hàng có điều kiện sử dụng tại nhà.

“BYD không có chiến lược đầu tư trực tiếp vào trạm sạc. Nhưng đối với hệ thống đại lý phân phối của thương hiệu, việc đầu tư trạm sạc là yêu cầu bắt buộc. Mỗi đại lý phải có tối thiểu 2 trạm sạc nhanh, với công suất chủ yếu là 120 kW. Với công suất này, xe có thể sạc đầy trong khoảng 20 phút, đủ để di chuyển từ 400 – 500 km”, ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành BYD Việt Nam cho biết và thông tin thêm công ty đang nỗ lực làm việc với hơn 10 đối tác nhằm phủ hệ thống trạm sạc trên toàn Việt Nam.

Mới đây nhất, 2 xe điện của BYD đã kết nối thành công vào trạm sạc thử nghiệm của PV Power – đơn vị dự kiến phát triển 1.000 trạm sạc xe điện tại Việt Nam đến năm 2035. Tuy nhiên, phía BYD cho biết vẫn đang trao đổi với đối tác và chưa có thông tin chính thức.

Theo ông Võ Minh Lực, BYD đang nhắm tới phục vụ xe điện tại các thành phố lớn, nhưng quỹ đất tại những khu vực này rất khan hiếm, nên việc tìm kiếm đất để đầu tư trạm sạc là rất khó khăn, nhất là tại các khu chung cư, nơi có mật độ dân cư rất đông đúc. Dù vậy, công ty đang nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để giúp cư dân có thể tiếp cận trạm sạc dễ dàng hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, ông Lực cho rằng, các quy định về trạm sạc vẫn chưa được cụ thể hóa, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Chẳng hạn, các vấn đề về phòng cháy chữa cháy, hay kết nối điện thường rất phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian từ phía nhà đầu tư. Do đó, cần có thêm các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư từ Chính phủ, như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế trong một vài năm, hay hỗ trợ quỹ đất, để việc đầu tư trạm sạc trở nên dễ dàng hơn.

Cuộc chiến xe điện: Các "ông lớn" Trung Quốc đối đầu VinFast- Ảnh 5.

Các mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV dù giá rẻ vẫn “ế ẩm” tại thị trường Việt Nam.

Thực tế, số lượng trạm sạc còn hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người tiêu dùng có nhu cầu mua xe điện nhưng vẫn khá dè dặt với quyết định xuống tiền. Chưa kể các mẫu xe điện mới ra mắt có giá bán tương đương, thậm chí đắt hơn các xe xăng cùng phân khúc, các mẫu xe điện giá rẻ cũng chưa thực sự hấp dẫn người mua.

Đơn cử như mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV (mở bán tại Việt Nam từ giữa năm 2023) dù có mức giá khởi điểm 239 triệu đồng (nhiều thời điểm ưu đãi chỉ còn 199 triệu đồng), thấp hơn cả trăm triệu so với xe hạng A như Hyundai Grand i10 hay Kia Morning nhưng doanh số vẫn kém xa kỳ vọng.

Số liệu từ báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ đại hội cổ đông thường niên 2024 của TMT Motors – đơn vị phân phối xe Wuling tại Việt Nam cho thấy, tính đến hết năm 2023, doanh nghiệp này chỉ bán ra thị trường 591 xe điện thuộc mẫu Wuling HongGuang MiniEV, tương đương khoảng gần 100 xe/tháng, chỉ bằng 10,7% kế hoạch đặt ra là đạt doanh số 5.525 xe (trung bình mỗi tháng bán ra gần 1.000 xe).

Ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, việc chuyển sang xe điện thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, nguồn cung điện, thói quen của người tiêu dùng, vấn đề an toàn,…

Riêng với vấn đề trạm sạc, theo ông Quyết, đặc thù tại Việt Nam là hầu hết các gia đình không đủ điều kiện để lắp đặt trạm sạc tại nhà, trong khuôn viên của gia đình. Do đó, cần phát triển các trạm sạc công cộng (cho phép tất cả các thương hiệu có thể tiếp cận) với ưu tiên cho việc phát triển loại hình sạc siêu nhanh.

“Cần có quy hoạch về hệ thống trạm sạc trên quy mô toàn quốc (trước mắt ở các thành phố lớn và trên hệ thống đường cao tốc). Quy hoạch này bao gồm đất để xây dựng trạm sạc, nguồn cung cấp điện cho trạm sạc cũng như các cơ chế, chính sách để thu hút các dự án đầu tư vào xây dựng trạm sạc và các ưu đãi cho nhà sản xuất thiết bị trạm sạc…”, đại diện VAMA đề xuất.

Theo Đinh Thơm

Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.