Giới chuyên gia nhìn nhận cổ phiếu du lịch có triển vọng dài hạn với sự khởi sắc của ngành sau 2 năm bị kìm nén bởi đại dịch COVID-19. Tuy vậy, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức….
Quý kinh doanh tích cực của doanh nghiệp du lịch
Sau 3 năm 2020-2022 bị ngưng trệ vì đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đang tăng tốc hồi phục. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/5 cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng qua, khách đến bằng đường hàng không chiếm 88%; bằng đường bộ chiếm 10,9%; bằng đường biển chiếm 1,1%….
Với những diễn biến tích cực chung của ngành, hàng loạt công ty du lịch trên 3 sàn chứng khoán công bố kết quả lãi ròng quý I/2023 tăng trưởng rất tích cực.
Thống kê của Nhadautu.vn cho thấy, ngoại trừ TCT, tất cả các doanh nghiệp đều đạt kết quả doanh thu quý I/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước (ngoại lệ trường hợp Saigon Tourist mới chỉ công bố BCTC năm 2022).
Về lãi ròng, dữ liệu cho thấy có 7/11 công ty lãi tăng ròng tăng trưởng. Trong đó, có 4 trường hợp lãi ròng “đảo chiều” từ lỗ quý I/2022 sang lãi quý I/2023.
Cụ thể, đáng chú ý nhất là CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (mã: DAH) với doanh thu đạt 6,4 tỷ đồng, tăng gấp gần 229 lần. Tuy vậy, sau khi trừ đi chi phí và giá vốn, lãi sau thuế DAH lại giảm 95,5% còn 995 triệu đồng.
Nguyên nhân bởi doanh thu hoạt động tài chính DAH quý I/2023 chỉ đạt 13 tỷ đồng (giảm 20 tỷ đồng so với quý I/2022), do công ty trong kỳ không còn khoản lãi trái phiếu 33 tỷ đồng như quý I/2022.
Bên cạnh DAH, 3 pháp nhân khác cũng ghi nhận kết quả lãi ròng tăng trưởng âm là CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (mã: STT), CTCP Du lịch Thành Công (mã: VNG) lần lượt ở mức -96,3% và -27,2%. Ngoài ra, trường hợp CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (mã: TCT) cxung báo lãi giảm 22%.
Như đã đề cập, nhóm tăng trưởng lãi ròng quý I/2023 chiếm đa số. Trong đó, tăng mạnh nhất là CTCP Dịch vụ du lịch Bến Thành (mã: BTV) và CTCP Du lịch Vietourist (mã: VTD)
Cụ thể, BTV ghi nhận doanh thu thuần quý I/2023 đạt 138,4 tỷ đồng, tăng hơn 46%. Do giá vốn hàng bán chỉ tăng gần 38%, dẫn đến lãi gộp công ty đạt 30,9 tỷ đồng, tăng gấp gần 1,9 lần. Nhờ vậy, lãi ròng BTV đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 123,1%.
Tương tự, VTD trong kỳ cũng ghi nhận doanh thu chỉ tăng 17,5%, song nhờ giá vốn hàng bán giảm gần 30%, nên lợi nhuận công ty tăng gần 119% đạt 17,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, thống kê cho thấy có 4 trường hợp kết quả lãi ròng “đảo chiều” từ lỗ sang lãi là CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (mã: SRT), CTCP Du lịch Quốc tế Vũng Tàu (mã VIR) và CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel (Mã: VTR).
Đáng chú ý, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) trong năm 2022 cũng ghi nhận kết quả tương tự.
Theo đó, Saigontourist ghi nhận lãi sau thuế năm 2022 294 tỷ đồng. Đây là con số thấp nhất so với những năm báo lãi. Tuy nhiên, kết quả này cũng rất tích cực sau 2 năm liên tục lỗ (năm 2021 lỗ 534 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 331 tỷ đồng).
Triển vọng dài hạn của cổ phiếu du lịch
Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu du lịch như VIR (+15%), VTD (+14,56%), DSN (+12,45%), SRT (+8,7%), VTR (+2,81%)… đều có diễn biến khả quan tính từ đầu năm đến nay (phiên 7/6/2023).
Các chuyên gia nhìn nhận, trong bối cảnh cầu chi tiêu chậm lại, nhu cầu du lịch vẫn còn khi khách du lịch nước ngoài có xu hướng tìm đến Việt Nam, Thái Lan… – các quốc gia có chi phí rẻ nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm du lịch. Bên cạnh đó, việc có thêm du khách từ Trung Quốc sau khi nước này mở cửa trở lại sau dịch COVID-19 sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Nhìn chung, cổ phiếu du lịch có triển vọng dài hạn với sự khởi sắc của ngành sau 2 năm bị kìm nén bởi đại dịch COVID-19.
Dù vậy, một số ý kiến nhìn nhận ngành du lịch Việt Nam sẽ gặp một số thách thức. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng cùng với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn. Du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Chính sách thị thực của Việt Nam chưa có nhiều ưu thế hơn so với các quốc gia trong khu vực….
Ngoài ra, du lịch Việt Nam còn gặp nhiều vấn đề nội tại. Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vietravel nhìn nhận du lịch Việt Nam gặp vấn đề về visa, chính sách về thuế VAT & việc xúc tiến văn phòng du lịch nước ngoài, du lịch Việt Nam đang ngày càng tụt hậu dần và chưa có tính đột phá, vấn đề về thương hiệu du lịch Việt Nam.
Không những thế, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng chỉ ra những trở ngại khác như vấn đề vận chuyển, hàng không cũng như việc ban hành sớm các thông tin về lễ hội, sự kiện của đất nước.
Với nhiều thách thức, khó khăn phía trước, các doanh nghiệp du lịch năm 2023 đều đặt kế hoạch kinh doanh khá “dè dặt”.
Vietravel đặt mục tiêu doanh thu 6.069 tỷ đồng, tăng 58% so với thực hiện năm 2022. Song lãi ròng kế hoạch lại chỉ là 58,71 tỷ đồng, tương đương giảm gần 23%. Theo đánh giá của Vietravel, kế hoạch này khá thách thức trong bối cảnh du lịch và hàng không được xem là những ngành phục hồi nhanh nhất, nhưng lại chịu sự tác động lớn nhất của các yếu tố bên ngoài, từ chính sách của chính phủ các nước, xu hướng thị trường cùng nhiều yếu tố bất khả kháng khác.
Tương tự Vietravel, DAH cũng đặt mục tiêu lãi ròng năm 2023 đạt 20 tỷ đồng, bằng gần một nửa so với thực hiện năm 2022 là 43,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, SRT đặt mục tiêu tổng doanh sản xuất kinh doanh dự kiến 1.769 tỷ đồng, tăng 112,3% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, với việc dự kiến chi phí điều hành giao thông vận tải (do giá nhiên liệu, cơ cấu tính giá tăng…) và một số chi phí khác tăng mạnh, SRT đặt kế hoạch lãi ròng vỏn vẹn còn 600 triệu đồng.
Nhà đầu tư