Khi thị trường đứng trước khả năng được nâng hạng, loạt công ty chứng khoán lên kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ để mở rộng quy mô hoạt động. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội nâng hạng thành thị trường mới nổi vào tháng 9…
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội nâng hạng thành thị trường mới nổi vào tháng 9 tới. Để đón “sóng” nâng hạng đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2025, hàng loạt công ty chứng khoán lên kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của CTCP Chứng khoán DNSE tổ chức ngày 19/3 đã thông qua kế hoạch phát hành 85,65 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 4:1. Giá chào bán dự kiến tối thiểu 12.500 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 1.071 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động sẽ được sử dụng để mở rộng hoạt động kinh doanh nguồn vốn và cho vay margin.
Đại hội vừa qua cũng quyết định hiện thực hóa kế hoạch phát hành toàn bộ 9,3 triệu cổ phiếu ESOP đã dự định trong các năm 2022, 2023 và 2024, đồng thời kết hợp với dự định phát hành thêm 3,3 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động (tương đương tỷ lệ 1% tổng số cổ phiếu đang lưu hành hiện tại) cho kế hoạch năm 2025.
Do đó, trong năm 2025 DNSE dự kiến phát hành 12,6 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 3,82% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Tổng giá trị phát hành dự kiến tối đa là 126 tỷ đồng, nguồn vốn thực hiện từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và/hoặc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Nếu hoàn tất cả 2 đợt phát hành, DNSE sẽ tăng vốn điều lệ lên 4.282.5 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 3/4 vừa qua, cổ đông CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, MCK: VDS) thông qua phương án phát hành tổng số 77 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2025.
Trong đó, đợt 1 sẽ thực hiện với 24,3 triệu cổ phiếu từ trả cổ tức (tỷ lệ 10:1) và 4,7 triệu cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 1,93%) giá 10.000 đồng/cổ phiếu; đợt 2 chào bán riêng lẻ tối đa 48 triệu cổ phiếu.
Nếu thành công, VDS sẽ tăng vốn điều lệ từ 2.430 tỷ đồng lên 3.200 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn thu về dùng để bổ sung vốn kinh doanh cho hoạt động giao dịch ký quỹ/ứng trước, tự doanh/bảo lãnh phát hành, tham gia hoạt động thị trường trái phiếu.
ĐHĐCĐ thường niên ngày 20/3 của CTCP Chứng khoán Nhất Việt (MCK: VFS) đã thông qua tờ trình chào bán 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 100% vốn điều lệ của VFS. Thời gian chào bán trong năm 2025 – 2026, sau khi kết thúc đợt phát hành trả cổ tức năm 2023 và đợt phát hành trả cổ tức năm 2024.
VFS cho biết sẽ dùng toàn bộ nguồn vốn để bổ sung cho hoạt động đầu tư tự doanh chứng khoán (600 tỷ đồng) và bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ (600 tỷ đồng).
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS, MCK: FTS) vừa công bố nghị quyết của HĐQT triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông theo phương án đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 1/4.
Cụ thể, FPTS dự kiến phát hành 30,5 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 10:1, tức cổ đông đang sở hữu 10 cổ phần cũ sẽ nhận được 1 cổ phần mới. Cổ phiếu phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng.
Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế đã thực hiện chưa phân phối tại ngày 31/12/2024 trên Báo cáo tài chính năm 2024 đã được kiểm toán. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II-III/2025.
Đồng thời, FPTS cũng triển khai phát hành 9,98 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP). Đối tượng được phát hành là 60 cán bộ quản lý của công ty, có đóng góp cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Lượng cổ phiếu này sẽ được giải tỏa theo tỷ lệ 50% sau một năm và 50% sau hai năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Lưu ý, lượng cổ phiếu ESOP không được hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng. Toàn bộ 99,8 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt phát hành sẽ được bổ sung vốn cho hoạt động giao dịch ký quỹ.
Nếu hoàn thành đợt phát hành dự kiến trong năm 2025, vốn điều lệ của FTS sẽ tăng lên 3.465 tỷ đồng.
Theo tài liệu chuẩn bị cho ĐHĐCĐ thường niên sẽ diễn ra ngày 18/4, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC, MCK: BSI) lên kế hoạch phát hành hơn 22,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 1 cổ phiếu mới. Toàn bộ hơn 223 tỷ đồng thu về sẽ được phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh doanh của Công ty.
Thời gian thực hiện trong năm 2025. Nếu hoàn tất đợt phát hành này, BSC sẽ tăng vốn điều lệ từ 2.230,3 tỷ đồng lên 2.453,6 tỷ đồng.
Cũng dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 18/4, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI sẽ trình cổ đông về việc tiếp tục thực hiện các phương án chào bán, phát hành cổ phiếu từ năm 2024.
SSI cho biết đã hoàn tất kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu trong tháng 11/2024 và tăng vốn điều lệ lên trên 19.638,6 tỷ đồng. Công ty đang thực hiện phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và chưa thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Do đó, SSI dự kiến sẽ chào bán riêng lẻ trong năm 2025 – 2026. Vốn điều lệ sau chào bán được nâng lên mức hơn 20.779 tỷ đồng. Số tiền thu được từ đợt chào bán được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động giao dịch ký quỹ, bảo lãnh phát hành, đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá…
SSI cũng trình đại hội phương án phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu ESOP trong thời gian năm 2025-2026. Đối tượng được phát hành là thành viên HĐQT, nhân sự chủ chốt của SSI và công ty con. Cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 2-3 năm.
ĐHĐCĐ thường niên ngày 31/3 của CTCP Chứng khoán Kafi đã thông qua phương án chào bán 250 triệu cổ phần, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần. Toàn bộ 2.500 tỷ đồng thu về được Chứng khoán Kafi dự kiến bổ sung nguồn vốn hoạt động cho vay ký quỹ (50%), bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh chứng khoán (47%), đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ công nghệ và đầu tư phát triển duy trì mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch (75 tỷ đồng).
Đáng chú ý, CTCP Chứng khoán VTG (VTGS) còn lên kế hoạch tăng vốn điều lệ gấp 22 lần. Cụ thể, sau khi được cổ đông thông qua, ngày 24/3, VTGS có nghị quyết triển khai chào bán 289,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tức gấp 21 lần số cổ phiếu đang lưu hành hiện tại. Với tỷ lệ 1:21, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phần được hưởng 1 quyền mua, cứ 1 quyền mua sẽ được mua thêm 21 cổ phiếu mới.
Nếu triển khai thành công trong thời gian tới, VTGS sẽ tăng vốn từ 138 tỷ đồng lên 3.036 tỷ đồng, tức gấp 22 lần. Phương án này được đưa ra để thay thế kế hoạch chào bán 286,2 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.
An ninh tiền tệ