Cổ phiếu thép đã qua cơn bĩ cực?

Tuần vừa qua chứng kiến dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu thép, trong bối cảnh ngành này đón nhận nhiều thông tin tích cực. Tuy nhiên hiện vẫn còn sớm để nhận định ngành thép đã qua thời kỳ khó khăn nhất và sự phục hồi nhiều khả năng…

Fatz Admin lúc 2023-05-29
Cổ phiếu thép đã qua cơn bĩ cực?

Tuần vừa qua chứng kiến dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu thép, trong bối cảnh ngành này đón nhận nhiều thông tin tích cực. Tuy nhiên hiện vẫn còn sớm để nhận định ngành thép đã qua thời kỳ khó khăn nhất và sự phục hồi nhiều khả năng là hiệu ứng tâm lý tạm t

Tuần vừa qua chứng kiến dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu thép, trong bối cảnh ngành này đón nhận nhiều thông tin tích cực. Tuy nhiên hiện vẫn còn sớm để nhận định ngành thép đã qua thời kỳ khó khăn nhất và sự phục hồi nhiều khả năng là hiệu ứng tâm lý tạm thời. Các công ty chứng khoán đều đưa ra những quan điểm trái chiều về triển vọng của cổ phiếu nhóm thép trong phần còn lại của năm 2023.

Lợi nhuận “nhúc nhích”, DN chưa thoát lỗ

Theo ước tính của CTCP Chứng khoán VNDirect, lợi nhuận ròng quý I/2023 của các nhà sản xuất thép niêm yết giảm 93,3% so với cùng kỳ. Thép là một trong 3 nhóm cổ phiếu (cùng với hóa chất và chứng khoán) khiến lãi ròng toàn thị trường trong quý I/2023 giảm 13,5%. Điểm tích cực là con số này cũng phần nào cải thiện so với hai quý lỗ ròng trước đó, nhờ vào hai yếu tố là giá bán thép phục hồi và hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

QUẢNG CÁO

Dù vậy, không thể phủ nhận các doanh nghiệp thép tiếp tục có quý kinh doanh không tốt khi nhiều đơn vị báo lãi giảm hoặc lỗ nặng. CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) là cái tên đầu tiên được nhắc đến khi tiếp tục nối dài chuỗi thua lỗ ba quý liên tiếp. Theo đó, quý I/2023 ghi nhận NKG lỗ 49 tỷ đồng, con số này thấp hơn mức lỗ 419 tỷ đồng và 356 tỷ đồng trong hai quý cuối năm 2022.

Cái tên thứ hai cũng lỗ ròng ba quý liên tục là CTCP Gang Thép Thái Nguyên (UPCOM: TIS) khi báo lỗ quý I/2023 lên đến gần 19 tỷ đồng. Đại diện Công ty cho biết, nguyên nhân thua lỗ là sản lượng tiêu thụ giảm gần 62.000 tấn, tương ứng giảm 28% so với quý I/2022. Giá nguyên vật liệu đầu vào (phôi, thép phế) tăng mạnh trong khi giá bán tăng không đáng kể, mặc dù tổng các chi phí quản lý, bán hàng, tài chính được tiết kiệm so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp thép khác cũng có kết quả kinh doanh quý I/2023 kém sắc. “Ông lớn” CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) công bố lợi nhuận quý I chỉ 383 tỷ đồng, giảm hơn 95% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số cải thiện đáng kể so với các quý liền kề trước đó. HPG nhìn nhận kết quả kinh doanh khả quan nhờ việc quản trị hàng tồn kho, nguyên liệu và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường.

Cổ phiếu thép đã qua cơn bĩ cực? - Ảnh 1.

Tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 4% trướckhi hồi phục mạnh 7% vào năm 2024

Tuy nhiên cũng có doanh nghiệp kinh doanh khởi sắc hơn như CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) báo lãi ròng 251 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ quý I/2022. Con số này cải thiện hơn rất nhiều so với khoản lỗ trong hai quý trước đó lần lượt là 887 tỷ đồng và 680 tỷ đồng. Theo HSG, kết quả kinh doanh quý vừa qua cải thiện là do doanh nghiệp đã quản lý hiệu quả các loại chi phí.

Tương tự, Tổng công ty Thép Việt Nam (UPCOM: TVN) và CTCP Đầu tư Thương mại Thép SMC (HoSE: SMC) và CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) đều báo lãi quý I/2023, nhưng vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo trái chiều

VnDirect nhìn nhận, những gì khó khăn nhất đối với ngành thép đã diễn ra trong nửa cuối năm 2022, tình hình đã được cải thiện trong quý I/2023 và gần như chắc chắn các công ty nhóm này sẽ có lãi trong quý II/2023. Tất cả các công ty đều đặt kế hoạch kinh doanh 2023 có lãi ròng trở lại, tích cực hơn rất nhiều so với việc liên tiếp báo lỗ trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, VnDirect cũng đánh giá nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ yếu trong suốt cả năm 2023 và sẽ phải rất nỗ lực thì nhóm các công ty này mới có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm.

Phân tích kỹ hơn vào triển vọng, có thể thấy ngành bất động sản dân dụng sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu thép trong nước, khi chiếm khoảng 60-65%. Điểm tích cực là Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, góp phần tạo cơ sở giải quyết các nút thắt pháp lý đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản liệu có sớm “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn vẫn chưa được giải quyết triệt để. VNDirect theo đó dự báo nguồn cung bất động sản nội địa chỉ có thể hồi phục từ năm 2024.

Bên cạnh triển vọng bất động sản, VCBS đánh giá đầu tư công sẽ là nhân tố tạo ra nhu cầu đối với nhóm thép. Trong năm 2022, giải ngân đầu tư công chậm tiến độ khá nhiều do giá vật liệu biến động mạnh và thủ tục giải ngân tốn thời gian. Do vậy, VCBS kỳ vọng năm 2023 đầu tư công sẽ bứt phá bởi giải ngân cho các dự án tồn đọng từ 2022 chuyển sang, và gói kích thích kinh tế bổ sung của chính phủ. Tuy nhiên, VCBS cũng cần lưu ý, tỷ trọng của thép trong đầu tư công là không nhiều, bởi vậy đóng góp chưa thực sự đáng kể. Công ty chứng khoán này ước tính tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 4% trước khi hồi phục mạnh 7% vào năm 2024.

Ở góc nhìn lạc quan, Chứng khoán Agriseco đánh giá một số tín hiệu sáng sủa đã dần xuất hiện với ngành thép như giá thép phục hồi khá tích cực từ đầu năm khi Trung Quốc mở cửa trở lại; kỳ vọng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023; thị trường bất động sản kỳ vọng ấm dần lên sau khi các chính sách hỗ trợ được ban hành. Agriseco Research nhìn nhận quý III/2023 sẽ là thời điểm lợi nhuận ngành thép tăng trở lại khi nhiều doanh nghiệp trong cùng kỳ quý III và quý IV/2022 phải đối mặt với thua lỗ.

Về phần mình, các chuyên gia SSI Research nhìn nhận giá thép sẽ chịu áp lực trong ngắn hạn theo xu hướng của giá thép và giá nguyên liệu trong khu vực. Giá than đã giảm gần 30% kể từ mức đỉnh vào tháng 2. Ngoài ra, mức điều chỉnh giá thép trong nước gần đây (giảm 5%, tương đương khoảng 700 nghìn đồng/tấn) thấp hơn nhiều so với mức điều chỉnh giá phôi thép (giảm 18%, tương đương 2,7 triệu đồng/tấn) trong 2 tháng qua. Bên cạnh đó, thuế tự vệ đối với phôi thép là 11,3% đã hết hiệu lực từ tháng 3/2023, điều này sẽ khiến áp lực cạnh tranh trong nước gia tăng.

Với dự báo giá thép trong nước có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn, các chuyên gia SSI Research cho rằng tỷ suất lợi nhuận các công ty thép trong quý II/2023 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng kém tích cực.

Theo Đoàn Huy

Thời Báo Ngân Hàng

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.