VN-Index liên tục giằng co trên nền thanh khoản thấp. Tâm lý thị trường trở lại bình tĩnh sau phiên bán mạnh ngày đầu tuần. Ngành vận tải biển tiếp tục “nóng”, HAH tăng trần. VOS, VSC, DXP, GMD ngập trong sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ hơn 15.000…
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ hơn 15.000 tỷ đồng rót vào HoSE qua phương thức khớp lệnh. Chỉ số chính lấy lại sắc xanh, dù sự phân hoá vẫn bao trùm thị trường. VN30-Index chưa thoát điều chỉnh, dù có VRE tăng trần. VRE ghi nhận thanh khoản đột biến hơn 200%.
BID giao dịch tiêu cực nhất, lấy đi hơn 1 điểm của VN-Index. SSB, FPT, SAB … lần lượt theo sau, trong đó SSB giảm về sát giá sàn.
Giao dịch của các mã nhỏ và vừa có phần tích cực hơn. Cổ phiếu thép đón dòng tiền hồi phục, HSG tăng hơn 4%. NKG, VGS, SMC cùng tăng giá. HPG đứng tham chiếu.
Ngành vận tải biển tiếp tục “nóng”, HAH tăng trần. VOS, VSC, DXP, GMD ngập trong sắc xanh. Bất chấp cổ phiếu nhiều ngành điều chỉnh, hoặc đi ngang trong 1 tháng trở lại đây, thì nhóm này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo báo cáo cập nhật ngành vận tải mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, triển vọng đối với ngành vận tải biển đang có những chuyển biến tích cực nhất định nhờ nhân tố đáng chú ý là tình trạng tắc nghẽn bắt đầu diễn ra tại các cảng trọng điểm.
Trái ngược với đà tăng trần của một số cổ phiếu có câu chuyện riêng, NVT của CTCP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay quay ngoắt giảm sàn sau chuỗi 6 phiên tăng trần.
NVT vừa có văn bản giải trình theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM về việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Theo đó, Ninh Vân Bay cho biết giá cổ phiếu tăng là do diễn biến khách quan và cung cầu của thị trường. Hiện tại các hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng đến giao dịch cổ phiếu trên thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,44 (0,19%) lên 1.256,66 điểm. HNX-Index tăng 0,45 điểm (0,19%) lên 240,19 điểm. UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (0,23%) xuống 98,83 điểm.
Thanh khoản giảm mạnh với giá trị khớp lệnh HoSE chỉ hơn 15.000 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 700 tỷ đồng. FUEVFVND chịu áp lực bán mạnh nhất, bị bán ròng hơn 565 tỷ đồng, FPT và MWG cũng bị xả ròng lần lượt 265 tỷ đồng và 129 tỷ đồng.
Tiền Phong