Cổ phiếu ngành bán lẻ hồi phục?

Bộ phận phân tích nhiều công ty chứng khoán nhìn nhận bối cảnh khó khăn chung của ngành sẽ mở ra cơ hội để đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp đầu ngành và có tiềm năng tăng trưởng. Dù gặp nhiều khó khăn, song cổ phiếu bán lẻ…

Fatz Admin lúc 2023-06-14

Bộ phận phân tích nhiều công ty chứng khoán nhìn nhận bối cảnh khó khăn chung của ngành sẽ mở ra cơ hội để đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp đầu ngành và có tiềm năng tăng trưởng.

Cổ phiếu ngành bán lẻ hồi phục? - Ảnh 1.

Dù gặp nhiều khó khăn, song cổ phiếu bán lẻ vẫn được đánh giá cao trong dài hạn.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô suy yếu, doanh thu bán lẻ hàng hóa lũy kế 4 tháng năm 2023 ghi nhận tăng trưởng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái (loại trừ yếu tố giá tăng 6,4%), song vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước COVID 2016-2019 (+11,8%).

Dù vậy, số liệu từ BSC chỉ ra nhiều nhóm ngành ghi nhận mức suy giảm mạnh hơn kỳ vọng đặc biệt đối với nhóm bán lẻ ngành ICT do nhu cầu suy yếu và áp lực cạnh tranh về giá làm giảm biên lợi nhuận trong quý I/2023 mạnh hơn kỳ vọng.

QUẢNG CÁO

Với bối cảnh như vậy, không ngạc nhiên khi KQKD hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ trong quý I/2023 đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh.

“Ông lớn” CTCP Đầu tư Thế giới di động (Mã MWG) trong quý I/2023 ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 27.105 tỷ đồng, giảm 28% so cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi các chi phí và thuế, lãi ròng công ty giảm gần 99% chỉ còn hơn 21 tỷ đồng.

FPT Retail (Mã FRT) cũng không khá hơn khi doanh thu thuần đạt 7.753 tỷ đồng – giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng lãi ròng chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng, giảm đến 99% và chỉ đạt 8,3% kế hoạch mà ĐHĐCĐ thông qua.

Giới phân tích nhìn nhận lãi ròng MWG và FPT Retail giảm sâu do áp lực tồn kho cao, cạnh tranh về giá bảng của mảng ICT, CE cao hơn kỳ vọng và áp lực lãi suất tăng.

Tương tự, Digiworld (Mã DGW) cũng báo lợi nhuận quý I/2023 chỉ gần 80 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ.

Bất chấp bối cảnh khó khăn chung là vậy, song quan sát của Nhadautu.vn cho thấy cổ phiếu của loạt doanh nghiệp tiêu dùng đều tăng trưởng rất mạnh. Nếu tính trong 1 tháng trở lại đây, DGW tăng 18,71%; FRT tăng 10,35% và MWG tăng 9,3%.

Triển vọng nào cho cổ phiếu bán lẻ?

Đánh giá từ BSC, thách thức tăng trưởng của doanh nghiệp bán lẻ trong năm 2023 là vẫn còn, nhưng những áp lực từ mức nền cao và tồn kho lớn dự kiến sẽ được giảm bớt trong phần còn lại 2023 khi nhiều quyết sách được đưa ra để kích thích nền kinh tế.

Có thể thấy, Chính phủ cuối tháng 4/2023 đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất chủ trương với kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Cùng tháng 4, Bộ Tài chính đã đề xuất tiếp tục chính sách giảm 2% thuế VAT năm 2023. Thời gian thực hiện dự kiến 1/7 đến hết ngày 31/12/2023. Trong phiên họp tổ và toàn thể tại Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chính sách này, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi, đối tượng được giảm thuế VAT theo hướng giảm 2% đối với tất cả các nhóm hàng đang áp dụng mức thuế 10% theo quy định của Luật thuế VAT. Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị cân nhắc giảm 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu, mức giảm 2% có thể không đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành chính sách.

Không chỉ vậy, lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong thời gian qua khi Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần liên tiếp kể từ trung tuần tháng 3 hạ lãi suất điều hành; hay đó còn là nới lỏng nút thắt từ trái phiếu doanh nghiệp của bất động sản thương mại….

BSC nhìn nhận triển vọng tăng trưởng được kỳ vọng đến từ mức nền KQKD thấp của quý IV/2022 và áp lực tồn khi nguyên vật liệu giá cao so với cùng kỳ được giảm bớt. Mặt khác, với định giá các doanh nghiệp đã được chiết khấu tương đối sâu so với cùng kỳ. Đây là cơ hội đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp đầu ngành và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

Từ góc nhìn của mình, SSI Research cho rằng trong nhiều khó khăn bủa vây, các nhà bán lẻ trực tuyến và các nhà bán lẻ quy mô nhỏ sẽ đứng trước nguy cơ mất thị phần. Ở chiều ngược lại, những nhà bán lẻ có dòng tiền ổn định sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc giành thị phần.

Một điểm tích cực là chi phí tài chính của các doanh nghiệp bán lẻ có thể giảm bớt trong năm 2023. Dự báo lãi suất trung bình vẫn có thể tăng trong năm 2023 nhưng với tốc độ chậm hơn (khoảng 50-100 điểm cơ bản vào năm 2023 so với 200-300 điểm cơ bản vào năm 2022).

SSI Research cũng cho biết hầu hết các dự báo hiện nghiêng về khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ ICT & CE có thể ở mức âm trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu trong thời kỳ giá thấp trước khi các doanh nghiệp trên lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2023.

Ở góc nhìn thận trọng hơn, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng vẫn nên thận trọng trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái khiến tình hình ngành kém sắc, sức tiêu thụ không thể phục hồi nhanh do nhu cầu tiêu dùng vẫn còn gặp nhiều áp lực. Đơn vị này nhận định nền kinh tế chỉ có thể phục hồi mạnh mẽ hơn vào năm 2024 khi các đơn đặt hàng bắt đầu có trở lại và thu nhập của người lao động được cải thiện.

Theo Tả Phù

Nhà đầu tư

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.