Dự án điện gió (Ảnh minh hoạ) Cổ phiếu GEG của Công ty CP Điện Gia Lai giảm sàn, xuống còn 13.150 đồng/cổ phiếu, với giao dịch tăng đột biến, khớp lệnh hơn 4,1 triệu cổ trong phiên ngày 13/8. Công ty CP Điện Gia Lai (mã GEG) là một…
Dự án điện gió (Ảnh minh hoạ)
Công ty CP Điện Gia Lai (mã GEG) là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam và cũng là một trong những doanh nghiệp có quy mô công suất điện mặt trời lớn nhất cả nước.
Hiện tại, công ty đang sở hữu và vận hành gần 300 MWp điện mặt trời. Cùng với đó, GEG cũng đang sở hữu 14 nhà máy thủy điện với tổng công suất 84 MW và vừa hoàn thành 3 nhà máy điện gió với tổng công suất 125 MW trong năm 2021.
Trong đó, GEG là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Ia Bang 1 (huyện Chư Prông), một trong 4 dự án tại Gia Lai mà Bộ Công an mới yêu cầu cung cấp hồ sơ.
Dự án nhà máy điện gió Ia Bang 1 được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 9/2020. Nhà máy này có công suất thiết kế 50 MW, được xây dựng trên diện tích đất hơn 30,5ha. Vốn đầu tư dự kiến 2.200 tỷ đồng, thực hiện từ cuối năm 2020 đến tháng 10/2021. Dự án này cũng được hưởng các chế độ ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, cùng các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.
Ngoài Nhà máy điện gió Ia Bang 1 (huyện Chư Prông), Bộ Công an cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến 3 nhà máy điện gió khác tại Gia Lai là: Nhà máy điện gió Hưng Hải (huyện Kông Chro), Nhà máy điện gió Cửu An (thị xã An Khê), Nhà máy điện gió Ia Le 1 (huyện Chư Pưh), theo tin của TTXVN.
Động thái này nằm trong cuộc điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” diễn ra tại Bộ Công Thương và một số tỉnh, thành phố.
Để phục vụ quá trình điều tra, Cơ quan an ninh điều tra yêu cầu EVN cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu và công nhận ngày vận hành thương mại.
Bên cạnh đó, các hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ cũng như kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng, công suất lắp đặt thực tế tại các nhà máy điện cũng được yêu cầu cung cấp đầy đủ.
Phản ứng trước thông tin này, cổ phiếu GEG giảm sàn, xuống còn 13.150 đồng/cổ phiếu với giao dịch tăng đột biến, khớp lệnh hơn 4,1 triệu cổ phiếu trong phiên ngày 13/8.
Trước đó, cổ phiếu này từng có nhịp tăng rất mạnh vào giữa tháng 7/2024, lên mức 17.000 đồng/cổ phiếu, như vậy, GEG đã giảm 24% sau chưa đầy một tháng.
Về kết quả kinh doanh, quý II/2024, GEG đạt doanh thu 488 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 212 tỷ đồng, giảm 18,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1 tỷ đồng, giảm đến gần 84%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 127 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, hoàn thành 47% kế hoạch 2024.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm mạnh trong quý vừa qua do chu kỳ El Nino làm sụt giảm sản lượng thuỷ điện, bên cạnh đó, quý II hàng năm thường là mùa gió hoạt động yếu nhất nên sản lượng điện gió cũng sụt giảm theo.
Cuối cùng do giá bán điện dự án Tân Phú Đông 1 tạm tính chỉ bằng 50% giá trần theo khung phát điện nhà máy điện gió (quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023).
Thị trường tài chính tiền tệ