Cùng với diễn biến sôi động của thị trường, nhóm cổ phiếu ngành gạo gần đây cũng đã thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư, sau nhiều thông tin hỗ trợ ngành. Thị trường chứng khoán phiên giao dịch cuối tháng 7 chứng kiến sự bùng nổ…
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch cuối tháng 7 chứng kiến sự bùng nổ cả về điểm số lẫn thanh khoản. Đóng cửa phiên giao dịch 31/7, VN-Index tăng 15,23 điểm, tương đương 1,26% lên mốc 1.222 điểm. Dòng tiền hưng phấn cũng kéo thanh khoản khớp lệnh HoSE tăng gần 10% so với phiên trước lên hơn 24.100 tỷ đồng – mức cao nhất trong vòng 15 tháng qua.
Cùng với diễn biến tích cực của thị trường chung, cổ phiếu nhóm gạo cũng bứt phá mạnh trong phiên 31/7, điển hình như TAR (+6,19%), LTG (+7,63%), AGM (+7,06%), PAN (+3,11%), BLT (+3,12%), AFX (+4,69%),…Tính riêng một tháng trở lại đây nhiều mã nhóm này đã tăng rất mạnh, như TAR tăng hơn 42% lên mức 22.300 đồng/CP, LTG cũng tăng 30,3% lên 39.400 đồng/CP.
Còn nếu xét rộng hơn từ vùng đáy tháng 11/2022 tới nay, hầu hết các mã cổ phiếu gạo đều tăng trưởng mạnh về giá với mức tăng hàng chục %, như PAN tăng 80%, thậm chí LTG, TAR còn tăng bằng lần.
Đà tăng bốc đầu của nhóm cổ phiếu gạo diễn ra trong bối cảnh ngành này nhận được nhiều thông tin hỗ trợ. Gần đây nhất, ngày 29/7, Chính phủ Nga đã thông báo tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến cho đến ngày 31/12/2023, quyết định này được đưa ra để duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa.
Trước đó một ngày, Bộ Kinh tế Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) quyết định dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Lệnh cấm có hiệu lực từ 28/7, áp dụng cho tất cả các loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm.
Quyết định của UAE và Nga được đưa ra chỉ một tuần sau khi Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cấm bán ra quốc tế các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) để bình ổn giá trong nước. Việc xuất khẩu sẽ chỉ được tiến hành nếu giới chức Ấn Độ cho phép, theo yêu cầu của chính phủ nước khác, nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại nước đó. Với các đơn hàng ký từ trước, giao dịch sẽ vẫn được phép hoàn thành. Chính phủ Ấn Độ cho biết quyết định này sẽ tác động đến 25% tổng gạo xuất khẩu của họ.
Lưu ý rằng, việc thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên từ 550 – 575 USD/tấn vào ngày 27/7, mức cao nhất kể từ năm 2011.
Ngoài ra, sản lượng và giá trị xuất khẩu cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm nay, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 4,27 triệu tấn, mang lại 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại buổi họp về tình hình xuất khẩu gạo mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin rằng, nhiều khả năng năm nay xuất khẩu gạo của Việt Nam có cơ hội lập kỷ lục mới, dự kiến xuất khẩu 8 triệu tấn, thu về hơn 4 tỷ USD.
Tiếp tục đón nhiều thuận lợi
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá ngành lương thực đang đối mặt với thách thức về nguồn cung do các yếu tố chính: Ấn Độ và Pakistan giảm sản lượng xuất khẩu do chính sách và thời tiết bất lợi, hiện lượng El-Nino xuất hiện vào tháng 6/2023 sẽ gây tác động lên sản lượng canh tác trên quy mô toàn cầu, Nga chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, giá gạo thiết lập nền giá mới…
Trên cơ sở Việt Nam nắm giữ thị phần xuất khẩu gạo đáng kể trong các năm trước cùng trữ lượng lúa gạo lớn và dự kiến sẽ gia tăng thêm từ vụ Hè Thu, TPS kỳ vọng mảng xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục hưởng lợi từ mức gia tăng nhập khẩu của các đối tác quốc tế. Đặc biệt từ các nước ghi nhận mức nhập khẩu từ Việt Nam tăng đột biến trong 2023 như Phillipines và Trung Quốc.
Tuy vậy trong ngắn hạn, nhóm phân tích này lưu ý diễn biến hoạt động kinh doanh hàng quý sẽ chịu sự biến động lớn theo chu kì mùa vụ, trữ lượng hàng tồn kho và các yếu tố khác như trích lập dự phòng. Với việc giá lương thực dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng gia tăng mạnh khi nguồn cung ngày càng thắt chặt trong thời gian tới, kỳ vọng các doanh nghiệp sở hữu lượng tồn kho thành phẩm lớn sẽ hưởng lợi từ chênh lệch giá vốn và sản lượng bán gia tăng. TPS nhấn mạnh đến các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tham gia vào nhiều mảng trong chuỗi giá trị của ngành như PAN và NSC.
Về yếu tố định giá, kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý 1/2023 đã đẩy mức P/E trượt của LTG và TAR lên tượng đối cao so với mức trung vị 5 năm. Ở hướng ngược lại, PAN và NSC hiện đang giao dịch ở vùng chiết khấu so với mặt bằng định giá lịch sử. TPS kì vọng khoảng cách về định giá sẽ được thu hẹp về mức ngang bằng trong thời gian tới trong bối cảnh ngành đang có những chuyển biến tích cực trong một xu hướng dài hạn.
Tương tự, KBSV cũng kỳ vọng ngành gạo sẽ là một trong những ngành hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao trong giai đoạn đầu của El Nino khi nhu cầu tích trữ của các đối tác nhập khẩu lớn gia tăng kết hợp với tồn kho cao từ cuối thời điểm La Nina sẽ giúp cho xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực đến cuối năm 2023.
Dù vậy, nhóm phân tích này dự báo trong nửa cuối của giai đoạn El Nino, việc trồng trọt và thu hoạch của các quốc gia khu vực Châu Á, trong đó có Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam, sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc lượng mưa giảm mạnh cũng như nhiệt độ tăng cao. Cùng với đó là nhu cầu suy yếu sau khi các đối tác đã tích trữ đủ hàng tồn kho sẽ khiến cho giá gạo chịu áp lực điều chỉnh trong năm 2024.
Nhà Đầu Tư