Có nên mua cổ phiếu ngân hàng? Trong suốt 2 tháng qua, cổ phiếu ngân hàng thay nhau tăng mạnh, nhiều mã đã vượt đỉnh tại mốc VN-Index 1500, thậm chí có nhiều mã vượt đỉnh lịch sử như ACB. Hầu hết các quỹ ngoại đều nắm rất nhiều cổ…
Có nên mua cổ phiếu ngân hàng?
Trong suốt 2 tháng qua, cổ phiếu ngân hàng thay nhau tăng mạnh, nhiều mã đã vượt đỉnh tại mốc VN-Index 1500, thậm chí có nhiều mã vượt đỉnh lịch sử như ACB. Hầu hết các quỹ ngoại đều nắm rất nhiều cổ phiếu bank như Dragon hay PYN…
Các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư tổ chức và thậm chí các KOL cũng ủng hộ quan điểm cổ phiếu ngân hàng đang rất rẻ và đó sẽ là dòng dẫn dắt VN-Index tăng mạnh trong năm 2024, thậm chí nhiều người còn cho rằng nó sẽ tăng lại mốc 1500.
Trong khi cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh thì các cổ phiếu khác gần như đứng im, hầu hết thị trường đều không kiếm được lợi nhuận. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu cổ phiếu vua đã quay trở lại thật sự hay chỉ là sự hồi lên trong nhất thời. Liệu rằng lợi nhuận và tình hình kinh doanh của các ngân hàng đang rất thuận lợi? Đây có phải thời điểm để mua cổ phiếu ngân hàng? Trong bài này, chúng tôi sẽ phân tích cổ phiếu ngân hàng dưới nhiều góc độ khá khách quan dựa trên những giả thiết và sự kiện đang diễn ra trên thị trường.
Một thực tế cho thấy, hiện tại nếu chỉ dựa vào các chỉ số của ngân hàng thì có lẽ ngành ngân hàng đang là ngành có mức định giá thấp nhất trên thị trường. Hầu hết các cổ phiếu đều có mức định giá P/E < 10 lần, thấp hơn nhiều so với định giá của VN-Index (12-13 lần). Không chỉ có P/E, mà chỉ số P/B cũng đang ở mức rất thấp, chỉ loanh quanh 1.0, thậm chí nhiều ngân hàng còn dưới cả book value như SHB, xấp xỉ 0.8 lần.
Do đó các quỹ đầu tư nước ngoài đều khá lạc quan vào cổ phiếu ngân hàng. Các quỹ như Dragon Capital hay PYN đều nắm cổ phiếu ngân hàng tới 50% danh mục của mình. Cũng dễ hiểu điều này bởi với những quỹ lên tới tỷ $, thì việc nắm cổ phiếu ngân hàng là điều đương nhiên bởi nhóm này chi phối tới hơn 35% chỉ số VN-Index và có định giá hàng tỷ $. Nếu không nắm cổ phiếu ngân hàng thì có lẽ cũng khó mà giải ngân hết 1 tỷ USD vào thị trường này. Bởi mức định giá đang khá rẻ này mà dễ hiểu vì sao các quỹ ngoại khá lạc quan với cổ phiếu ngân hàng.
Không chỉ có mức định giá rẻ mà mức lợi nhuận của ngân hàng cũng hết sức ấn tượng. Trong năm 2023, lợi nhuận của toàn hệ thống có mức tăng trưởng ấn tượng khoảng gần 20%, trong đó chủ yếu là sự tăng trưởng bền vững của khối ngân hàng quốc doanh như VCB, BID và CTG. Các ngân hàng tư nhân dẫn đầu mức tăng trưởng ấn tượng gồm ACB, MBB và STB.
Định giá thấp, tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng bất chấp kinh tế khó khăn, cả 02 yếu tố này đã thúc đẩy nhà đầu tư nhảy vào cổ phiếu ngân hàng. Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng 20-25%, thậm chí có ngân hàng tăng tới 40% như MSB. Dòng tiền trong ngắn hạn đã tập trung vào ngân hàng, các KOL bắt đầu nói về ngân hàng, các CTCK cũng hối thúc khách hàng mua cổ phiếu ngân hàng. Bởi 02 yếu tố trên, rõ ràng cổ phiếu ngân hàng đang được xem là một sự lựa chọn vững chắc.
Ở nước nào chúng ta chưa biết nhưng có lẽ ở Việt Nam, ngân hàng là ngành nghề vững chắc nhất. Các doanh nghiệp có thể phá sản chứ ngân hàng thì chắc chắn tồn tại mãi mãi, đó là tư duy của rất nhiều người, rất nhiều nhà đầu tư. Nhiều ngân hàng yếu kém như SCB, NCB, Đông Á hay Oceanbank… dù rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, âm vốn chủ sở hữu nhưng cũng không thể chết được bởi NHNN luôn can thiệp giúp chúng đứng vững nhằm ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, giúp nền kinh tế trụ vững. Và điều này quả nhiên là một chân lý ít nhất tới thời điểm hiện tại.
Lợi nhuận ổn định, tính bền vững cao, định giá hấp dẫn, chính các yếu tố này đã kéo cổ phiếu ngân hàng tăng trong thời gian qua. Nếu chỉ nhìn theo hướng này có lẽ chúng ta phải bán hết các cổ phiếu khác và mua vào cổ phiếu ngân hàng ngay lập tức.
Nhưng đó chỉ là lý thuyết, chúng ta đã chứng kiến trong quá khứ, đặc biệt là 2022, khi nhóm cổ phiếu vua đã dẫn đầu thị trường trong việc rơi tự do, nhiều cổ phiếu mất tới hơn 50% vốn hóa trong năm 2022 bất chấp lợi nhuận tăng trưởng thần kỳ trong năm, yếu tố bền vững cũng chưa từng mất đi và định giá thời điểm đó cũng rất rẻ. Nên nếu chỉ dựa vào 03 yếu tố trên để nói chắc chắn cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng thì khó mà thuyết phục được. Vậy liệu chăng ngân hàng chỉ có điểm sáng mà không có vùng tối? Nếu có thì đâu chính là vùng tối của cổ phiếu ngân hàng, của hoạt động kinh doanh ngân hàng? Chúng ta phải nhìn lại quá khứ vào thời kỳ Covid19, khi hoạt động kinh tế, kinh doanh bị hoãn lại hoàn toàn, hàng loạt doanh nghiệp phải rơi vào tình cảnh phá sản, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Trong thời khắc đó, để cứu vớt lấy nền kinh tế, NHNN và Chính Phủ đã kéo lãi suất huy động xuống mức thấp nhất và cho phép NHTM giãn nợ, kéo dài nợ đối với các khoản vay gặp khó khăn bởi Covid. Chính nhờ chính sách này mà chi phí vốn của ngân hàng đã giảm đáng kể do các khoản nợ xấu được khoanh vùng và kiểm soát, ít nhất trên báo cáo tài chính. Khi chi phí dự phòng giảm xuống, tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng, hoạt động dịch vụ gia tăng, thì lợi nhuận của ngân hàng cũng tăng theo. Tuy nhiên đến năm 2022, khi thị trường bất động sản khủng hoảng, hơn 21% tổng tín dụng của toàn thị trường đổ vào thị trường bất động và những khó khăn của nền kinh tế được tạo ra đã đẩy các công ty BĐS rơi vào khó khăn. Các khoản nợ trái phiếu lẫn vay ngân hàng đều không có khả năng trả nợ. Hàng tỷ USD nợ vay bị đứng hình, đơn cử chỉ riêng một công ty bất động sản lớn ở HCM đã có gần 3 tỷ USD nợ vay và gần như không có khả năng đáo hạn.
Trong tình hình này, NHNN đã ban hành thông tư 02 để cứu vớt hệ thống ngân hàng. Các khoản nợ quá hạn được treo lại và không thay đổi nhóm nợ. Nói cách khác các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng tạm thời được “cất vào một góc khác”. Theo nội dung của Thông tư 02 thì các khoản nợ tiêu chuẩn này được treo lại đến 30/06/2024. Các ngân hàng không cần phải thay đổi nhóm nợ nếu các đối tượng này không có khả năng đáo hạn. Chi phí dự phòng cũng chỉ cần trích 50% số cần phải trích, giảm 50% so với con số thực tế. Như vậy, trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu vẫn được đảm bảo, bất chấp tỷ lệ thực tế có thể leo thang. Ngoài ra do chỉ cần trích ít hơn 50%, nên chi phí dự phòng của ngân hàng cũng được kiểm soát qua đó giúp ngân hàng giữ được mức lợi nhuận ổn định. Giả sử đến 30/06/2024, thông tư hết hạn và không được gia hạn thì các khoản nợ đã được treo có thể ngay lập tức trở thành nợ xấu nhóm 4, nhóm 5 và phải tăng mức trích lập dự phòng lên rất cao. Lúc đó, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng mới trở nên thực tế hơn.
Hiện tại, chúng ta gần như không thể đánh giá được mức nợ xấu thực tế của hệ thống ngân hàng nếu chỉ dựa vào báo cáo tài chính. Chỉ có NHNN và bản thân các ngân hàng mới có cách theo dõi riêng và nắm được. Nói cách khác, hiện tại báo cáo tài chính của các ngân hàng rất khó đánh giá. Ngoài việc hoãn nợ, treo nợ thì thủ thuật đảo nợ cũng rất tinh vi. Điển hình, một công ty bất động sản lớn bán tài sản (thường là dự án, hay công ty con…) cho một công ty khác, thường có mối liên hệ tới công ty bán. Khi các giao dịch này được thực hiện, các công ty mua tài sản sẽ vay ngân hàng một khoản lớn và trả tiền cho công ty bán. Công ty bán lấy tiền để trả nợ ngân hàng trước đó, giúp ngân hàng không còn nợ xấu hoặc nợ có rủi ro thành nợ xấu. Khi đó các khoản nợ vay đã được chuyển sang công ty mới và khoản vay này thường to hơn khoản vay trước đó. Điều này giúp cho NHTM sạch nợ xấu, giúp công ty niêm yết sạch nợ vay, nhưng bản chất các khoản nợ vẫn chỉ chạy lòng vòng qua một công ty khác. Giả sử đến ngày đáo hạn, công ty mua tài sản không trả được nợ, có thể họ lại làm một bước bán tài sản cho một công ty khác, và cứ như vậy, nợ mỗi ngày được phình ra, không có khả năng trả và rủi ro tăng lên. Chỉ duy nhất báo cáo tài chính là …xinh đẹp.
Chúng tôi nhận thấy rủi ro hiện hữu này, nhưng không đo lường được mức độ quy mô của nó trong hệ thống ngân hàng, có thể rất lớn, có thể vừa phải. Nhưng những tín hiệu của thị trường bất động sản cho thấy, các khoản nợ còn khá lâu mới có thể đáo hạn và trả được bởi thị trường bất động sản gần như đóng băng. Vấn đề không phải bán giá nào, mà là bán được hay không. Các ngân hàng cầm tài sản thế chấp là bất động sản nhưng không thể thanh lý được thì cho dù giá có tăng hay giảm thì ngân hàng cũng không thể thu hồi nợ vay. Nếu Thông tư 02 tiếp tục được gia hạn, có nghĩa là nỗi đau nợ xấu sẽ tiếp tục được “cất vào một nơi nào đó”. Và nó sẽ được cất tới khi nào? Có thể khi thị trường bất động sản có giao dịch trở lại. Và khi nào thì có giao dịch trở lại, sôi động trở lại, có lẽ rất khó để đưa ra phán quyết, có thể 1 năm, cũng có thể 2-3 năm thậm chí là 4-5 năm.
Như vậy, gót chân Achille của ngân hàng chính là những khoản nợ xấu nhưng không được thể hiện lên trên báo cáo tài chính, mà nó được giấu đi bằng một cách nào đó. Chúng tôi nói vậy không có nghĩa là chúng tôi nói tỷ lệ nợ xấu cao, bởi hoàn toàn không có cơ sở nào để tính toán khi các con số đã được biến hóa. Có thể tỷ lệ này rất rất cao, cũng có thể chỉ cao vừa, hoặc trung bình hoặc thấp. Và tỷ lệ này cũng khác nhau rất nhiều ở các ngân hàng, có ngân hàng sẽ rất cao, có ngân hàng sẽ vừa phải và có ngân hàng sẽ thấp. Nhưng hiện tại, rủi ro là rất lớn và không thể đo lường.
Vậy sau tất cả, câu hỏi luôn được nêu ra đó là, có nên mua cổ phiếu ngân hàng hay không? Có lẽ nó phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu và chiến lược của mỗi nhà đầu tư. Nếu bạn là nhà đầu tư lướt sóng, theo dõi theo kỹ thuật, dòng tiền thì có thể cổ phiếu ngân hàng là chỗ rót vốn tốt bởi nó hiện tại đang thu hút dòng tiền lớn. Dòng tiền này có thể vẫn vào cổ phiếu ngân hàng cho đến khi thông tin về thông tư 02 có được gia hạn hay không. Nếu được gia hạn, có lẽ cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục hút tiền, nếu không được gia hạn, sẽ tạo ra làn sóng chạy khỏi cổ phiếu ngân hàng. Còn nếu bạn là nhà đầu tư cơ bản, dài hạn và muốn mua cổ phiếu ngân hàng thì có lẽ tập trung vào những cổ phiếu ít dính dáng đến trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản sẽ cho bạn một con số rủi ro thấp hơn.
Tóm lại, mua cổ phiếu ngân hàng hay không tùy vào cách nhìn nhận của bạn bởi rất nhiều nhà đầu tư đều cho rằng, cổ phiếu tốt là cổ phiếu kiếm được tiền chứ không phải cổ phiếu có lợi nhuận ngon. Nhưng dù bạn là trường phái nào đi nữa, thì bạn cũng nên biết được bản chất của vấn đề bởi khi đó bạn sẽ lường được rủi ro khi nó xảy ra, ít nhất bạn cũng hiểu được vì sao nó lại lên hay lại xuống.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không mang tính khuyến nghị mua hay bán.
Theo Fatz Research
Trả lời