Ở độ tuổi còn trẻ, cô đã quan tâm đến đa dạng thu nhập và quản lý tài chính hiệu quả để nghỉ hưu sớm. “Tại thời điểm hiện tại, mục tiêu của mình là đạt tự do tài chính ở tuổi 30. Nên hầu hết số tiền có được,…
“Tại thời điểm hiện tại, mục tiêu của mình là đạt tự do tài chính ở tuổi 30. Nên hầu hết số tiền có được, mình sẽ đem đi tái đầu tư để sinh lời kép. Mình luôn đặt ra lộ trình tài chính rõ ràng ở từng độ tuổi khác nhau, vì mức thu nhập ở mỗi độ tuổi cũng khác nhau. Vốn vào thị trường càng lớn thì lãi cũng sẽ càng nhiều”,
Thanh Hiền (SN 2002, Hà Nội) mở đầu câu chuyện với chúng tôi khi nói về mục tiêu đi làm của mình.
Giải bài toán đạt tự do tài chính chưa bao giờ là điều dễ dàng. Có những người năm 40, 50 tuổi vẫn ôm ước mơ này, mong một ngày “không đi làm vẫn có cái ăn” nhưng thực tế không dễ dàng đến vậy. Còn Thanh Hiền – một bạn trẻ GenZ đã làm gì để chuẩn bị cho hành trình đạt tự do tài chính khi mới ở những năm của đầu tuổi 20?
Không còn FOMO mua iPhone 15, túi hiệu hay đổ hàng đống tiền vào quần áo
Bước đầu tiên cho hành trình đạt tự do tài chính là Thanh Hiền cần có tiền tiết kiệm và quỹ riêng dành cho đầu tư. Vậy khoản tiền này lấy từ đâu?
Thanh Hiền đang làm nhân viên Marketing và sau giờ hành chính, cô có đi dạy thêm tiếng Anh và nhận công việc freelancer về Marketing. Tổng thu nhập hàng tháng của cô bạn dao động từ 1.3000 USD đến 2.000 USD (khoảng 33 – 50 triệu đồng). Ngay từ khi mức lương chỉ có 10 triệu đồng cho đến tổng thu nhập gấp 3-5 lần hiện nay, Thanh Hiền luôn duy trì nguyên tắc 40/60, tức dành 40% tổng thu nhập để chi tiêu cho sinh hoạt phí, còn lại là mang đi tiết kiệm và đầu tư.
Để duy trì mức chi phí sinh hoạt chỉ gói gọn trong 40% thu nhập, Thanh Hiền có 2 bí quyết. Thứ nhất, cô ghi chép các chi tiêu để kiểm soát dòng tiền mua bán hợp lý, tránh trường hợp tiêu dùng quá tay. Thứ hai là giảm bớt những khoản chi không cần thiết và hạn chế mua đồ “tiêu sản”.
Thanh Hiền chia sẻ:
“Thay vì mua vô tội vạ quần áo như trước kia thì mình sẽ chỉ mua trang phục khi cần thiết, ưu tiên đồ có thể phối đa dạng và mặc nhiều lần. Mình tập từ chối những buổi tụ tập tốn hàng triệu bạc chỉ để đổi lấy vài phút thư giãn, giải trí, vui chơi nhất thời,…
Mình cũng không mua tiêu sản mà chỉ mua tài sản. Giờ mình đã không còn FOMO mua iPhone 15, túi hiệu hay đổ hàng đống tiền vào quần áo như đã từng nữa. Với mình, tất cả vật dụng, sản phẩm, dịch vụ mà sau khi mua sẽ bắt đầu giảm giá trị theo thời gian hoặc mang lại giá trị thấp hơn nhiều so với chi phí ban đầu bỏ ra thì đó sẽ được gọi là tiêu sản.
Mua tiêu sản không sai nếu như nó thực sự phục vụ cho cuộc sống và nhu cầu, đồng thời tạo ra giá trị cho người mua. Tiêu sản chỉ thực sự xấu nếu như bạn bất chấp mua chỉ để khẳng định giá trị bản thân, chấp nhận vay tiền để mua hay đơn giản chỉ là vì ‘người khác có thì mình cũng phải có’, trong khi đó mình vẫn đang chật vật để xoay sở với chi phí sinh hoạt hàng ngày”.
Đa dạng nguồn thu để tiền đẻ ra tiền
Sau khi hoàn thành bước có tiền tích luỹ, Thanh Hiền bắt đầu mang chúng đi đầu tư để “tiền đẻ ra tiền”, nhằm gia tăng nguồn thu bên cạnh lương từ công việc văn phòng và nghề tay trái.
Cô bạn bắt đầu tìm hiểu đầu tư từ năm 2020, sau khi nghe lời khuyên từ người thân và chứng kiến thị trường tài chính hoạt động vô cùng náo nhiệt. Cho đến hiện nay, danh mục của Thanh Hiền tương đối đa dạng khi có cổ phiếu, vàng, chứng chỉ quỹ và một số khoản đầu tư khác.
“Tuỳ vào biến động của thị trường mà mình sẽ cân nhắc phân bổ danh mục đầu tư cho hợp lý. Ví dụ cách đây 2-3 năm, mình tập trung đầu tư vào cổ phiếu và vàng. Vì tại thời điểm này, giá vàng rẻ và thị trường chứng khoán sôi nổi. Nhưng ở thời điểm hiện tại, đây 2 là kênh đầu tư mình đã giảm tỷ trọng vì giá vàng hiện đang tăng quá cao và sắp chạm đỉnh, trong khi thị trường chứng khoán đi xuống. Song hành với chứng khoán và vàng, mình vẫn đang dành tiền để mua chứng chỉ quỹ hàng tháng và một số khoản đầu tư khác”.
Về riêng chứng khoán, Thanh Hiền chia sẻ ban đầu cô tìm hiểu kiến thức đầu tư trên YouTube sau đó mua thêm sách về đọc. Cô nhận định, một quy tắc “bất di bất dịch” là chỉ nên vào thị trường khi bạn đã hiểu và nghiên cứu về chúng.
Thanh Hiền chia sẻ thêm:
“Bạn nên hiểu về quy luật và cách thức hoạt động của thị trường, có như vậy thì đầu tư chứng khoán mới đạt sinh lời cao, chứ không phải trò chơi may rủi nữa. Mình chỉ ‘xuống tiền’ mua cổ phiếu khi đã tìm hiểu sâu về chúng, bằng cách đọc báo cáo tài chính, phân tích kỹ thuật và tham khảo trên nền tảng MXH để có cái nhìn toàn diện hơn về mã cổ phiếu bản thân đang có ý định đầu tư.
Mình chỉ đầu tư vào mã cổ phiếu đứng đầu ngành. Mình đặt ra quy tắc, không bao giờ cho phép bản thân thua lỗ đến mức làm hỏng tài khoản. Vì khi khoản lỗ trở nên lớn thì mình khó trở lại điểm hoà vốn. Khi tham gia thị trường, tốt nhất là bạn nên dừng khi thua lỗ 7-8% và phải cắt lỗ luôn, không nên vượt quá 10%.
Thêm nữa, một sai lầm của mình là từng ‘để trứng ở quá nhiều giỏ’. Tức là mình đầu tư nhiều mã khiến việc quản lý danh mục trở nên khó kiểm soát. Do đó, với các bạn mới tham gia đầu tư, mình nghĩ nên tối giản danh mục đầu tư cá nhân và thực sự nắm rõ tình hình tài chính, lợi nhuận, tỷ suất sinh lời,… của mã cổ phiếu mà mình đầu tư”.
Tổng kết lại, ở độ tuổi còn trẻ, Thanh Hiền thấy may mắn vì tìm hiểu đầu tư sớm. Bởi bạn càng vào thị trường sớm, vốn càng lớn thì lãi càng nhiều, đồng thời tận dụng được sức mạnh của lãi kép.
“Quay trở lại mục tiêu đạt tự do tài chính, trong tương lai, mình mong muốn sẽ có bất động sản cho bản thân và số vốn lớn để mang đầu tư và chứng khoán và các khoản đầu tư khác, như vậy thì mình có thể thoải mái sinh sống. Bên cạnh đó, mình cũng mong muốn có nguồn thu nhập đầu tư tự động khác, chẳng hạn đến từ phát triển thương hiệu cá nhân”,
Thanh Hiền nhận định.
Ảnh: NVCC
Nhịp sống thị trường