“Mọi người hay nói rẻ rồi, tích sản đi nhưng tôi nghĩ đây chưa phải lúc hùng hổ lao vào thị trường, nhà đầu tư nên biết sợ. Chiến lược vào nhanh ra nhanh là phù hợp, song nó cũng sẽ phân hoá từng nhóm ngành”, ông Nguyễn Thế Minh…
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán liên tục chìm nổi trước nhiều biến số khó lường. Trái ngược với tín hiệu tích cực trong nước, áp lực tâm lý trên thị trường vẫn khá lớn khi liên tục đón nhận những tin kém tích cực từ một số nhà băng trên thế giới.
Mới đây nhất là những khó khăn xoay quanh Credit Suisse – một trong những ngân hàng lâu đời và có quy mô vào loại lớn nhất thế giới. Tâm lý nhà đầu tư dường như rất yếu và hoang mang khi thị trường có quá nhiều tin tốt, xấu đan xen. Trong bối cảnh thị trường nhiễu động, nhà đầu tư nên hành động ra sao?
Sự kiện Credit Suisse ảnh hưởng đến Việt Nam không quá lớn
Nêu quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt nam cho rằng những thông tin trên tác động không quá mạnh mẽ và tâm lý thị trường sẽ sớm ổn định trở lại.
Về áp lực đến từ Credit Suisse đến Việt Nam, chuyên gia cho rằng nếu ngân hàng này phá sản thì chắc chắn không tránh khỏi tác động đến Việt Nam. Bởi đây là đơn vị thu xếp vốn trái phiếu cho nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Thứ nhất, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ tuyên bố sẽ hỗ trợ thanh khoản cho Credit Suisse trong trường hợp cần thiết nên sẽ không dẫn đến bán tháo tài sản. Áp lực của những doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng nguồn vốn vay của Credit Suisse cũng không bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Thứ hai, áp lực cho việc huy động vốn mới khi thu xếp vốn của cũng khá khó vì nguồn lực tài chính không dồi dào như trước. Do đó, trong trường hợp một số doanh nghiệp bất động sản muốn phát hành trái phiếu dựa trên nguồn vốn của Credit Suisse sẽ khó hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh với lo ngại về hiện tượng “bank run” tại Việt Nam hoàn toàn không xảy ra.
“ Tâm lý thị trường thận trọng do nhiều người lo ngại bức tranh khủng hoảng như Lehman Brothers năm 2008 sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra vì hệ thống ngân hàng đã được bổ sung bộ đệm vốn ổn hơn trước rất nhiều ”, ông Nguyễn Thế Minh cho biết.
Nhà đầu tư vẫn nên thận trọng
Tuy nhìn nhận về mức độ ảnh hưởng của sự kiện này không quá lớn, song chuyên gia Yuanta vẫn cho rằng nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, ưu tiên chiến lược phòng thủ. Bởi lãi suất huy động trong nước đã hạ nhiệt, song xu hướng tăng lãi suất của Fed vẫn chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều. Dù vậy, với những cú sụp đổ của các ngân hàng trên thế giới, Fed sẽ thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất thời gian tới.
Đặc biệt, vấn đề đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn có thể gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp dù đã có khá nhiều giải pháp để tháo gỡ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần chờ hết quý 2 để xem với những giải pháp đó doanh nghiệp sẽ xử lý các khoản nợ trái phiếu như thế nào.
Chuyên gia nhấn mạnh, động thái của Fed sẽ là “kim chỉ nam” cho mọi quan điểm. Nếu không có sự kiện biến động mạnh, ông Minh dự báo Fed sẽ dừng tăng lãi suất khoảng tháng 6 năm nay, từ đó NHNN sẽ có dư địa để nới lỏng tiền tệ. Khi giải quyết được vấn đề trên, rủi ro bên ngoài và bên trong mới giảm dần. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần đề phòng trường hợp Fed vẫn quyết liệt trong việc tăng lãi suất. Khi đó, thị trường sẽ tiếp tục giảm sâu hơn để phản ánh những rủi ro.
Trước những phân tích trên, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp, “trú ẩn” vào những ngành cổ phiếu phòng thủ. “ Mọi người hay nói rẻ rồi, tích sản đi nhưng tôi nghĩ đây chưa phải lúc hùng hổ lao vào thị trường, nhà đầu tư nên biết sợ. Chiến lược vào nhanh ra nhanh là phù hợp, song nó cũng sẽ phân hoá từng nhóm ngành ”, ông Nguyễn Thế Minh nêu khuyến nghị.
Để xác định xu hướng thị trường, chuyên gia cho rằng trước khi bước vào chu kỳ hồi phục, thông thường chỉ số chứng khoán sẽ không tăng, song dòng tiền sẽ trú ẩn vào trái phiếu. Gần đây, lợi suất trái phiếu giảm và giá trái phiếu đang tăng dần lên. Điều này cho thấy dòng tiền đang bắt đầu trú ẩn vào những tài sản an toàn, trong đó có trái phiếu. Thông thường, giá trái phiếu sẽ hồi phục trước khi thị trường cổ phiếu sẽ đi lên, do đó sẽ mất thêm một thời gian nữa trước khi chứng khoán bước vào chu kỳ tăng.
Nhịp sống thị trường