(KTSG) – “Ngân hàng và người cần vay tiền có thể gặp nhau tại một dự án thực tế, cùng đưa nó đến thành công mà không cần phải có một tài sản thế chấp nào cả”. Doanh nghiệp không tiếp cận được vốn trong khi ngân hàng “ế” tiền…
(KTSG) – “Ngân hàng và người cần vay tiền có thể gặp nhau tại một dự án thực tế, cùng đưa nó đến thành công mà không cần phải có một tài sản thế chấp nào cả”. Doanh nghiệp không tiếp cận được vốn trong khi ngân hàng “ế” tiền nhưng vẫn không mặn mà cho vay tín chấp, thực trạng đáng buồn này lại hữu lý, nếu giải thích từ quan điểm phòng ngừa rủi ro của ngân hàng. Đối diện với tình huống mới, những gợi ý quan trọng có thể được rút ra từ kinh nghiệm của các nền kinh tế phát triển.
Kinh tế Sài Gòn có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, người từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm American International Underwriters (tiền thân của Tập đoàn American International Group – AIG) tại Sài Gòn (trước năm 1975), thanh tra giám sát của AIG tại Chicago (Mỹ), cố vấn thường trú của AIG tại Hà Nội (sau năm 1975) về vấn đề nêu trên.
Ai được vay tín chấp?
KTSG: Thưa ông, sau hai năm đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đều gặp nhiều khó khăn, không có tài sản thế chấp cho các khoản vay. Để đảm bảo dòng tín dụng được đưa tới đúng địa chỉ cần, đúng liều lượng, đúng thời điểm, cần khơi thông bế tắc này. Ông có gợi ý gì không?
– Ông Bùi Kiến Thành: Để dễ hình dung, tôi sẽ kể chuyện tôi từng duyệt một khoản vay tín chấp như thế nào.
Đó là vào những năm 1955-1956 khi tôi theo khóa đào tạo cao cấp về nghiệp vụ ngân hàng do Chính phủ Mỹ tổ chức và tài trợ. Tôi được tham gia vào quá trình phê duyệt một hồ sơ vay vốn tín chấp của một ngân hàng tại thành phố Detroit, thủ phủ của công nghiệp ô tô Mỹ. Một lần, có hai thanh niên chừng 25-26 tuổi rụt rè bước vào phòng làm việc của tôi, đề nghị một khoản vay để phát triển dự án họ đang ấp ủ. Hai người này vốn là cựu binh Mỹ, vừa trở về từ Đức.
Trong thời gian đi thực hiện nghĩa vụ, họ quan sát và thấy đèn lái ô tô được làm từ thủy tinh nên để có ba màu đỏ, trắng, vàng, người ta phải thiết kế riêng các chi tiết với từng màu đặc thù và ráp lại với nhau bằng một vòng kim loại xi bóng sáng.
Việc này vừa phức tạp, vừa tốn kém bởi chi phí cho một bộ đèn lái ô tô vào khoảng 2,5 đô la Mỹ. Họ đã nghiên cứu chế tạo bộ đèn lái ô tô bằng nhựa, các chi tiết được sơn sẵn các màu quy định, khi lắp vào ô tô chỉ cần dùng ba con vít, rất đơn giản. Chi phí cho một bộ đèn lái như vậy chỉ có 50 xu và khi được gắn vào chiếc ô tô, bộ đèn lái bằng nhựa hoạt động hiệu quả và có tính thẩm mỹ không khác gì bộ đèn lái bằng thủy tinh.
Vấn đề nằm ở chỗ nhân viên ngân hàng ở Việt Nam chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ thẩm định dự án kinh doanh. Ở đây, tôi chỉ nói tới khả năng đánh giá tính khả thi, khả năng sinh lời của dự án và mức cấp tín dụng phù hợp với các yếu tố đó. Còn việc giám sát kỹ thuật, tài chính hoàn toàn có thể thực hiện thông qua hợp đồng thuê ngoài giữa ngân hàng với doanh nghiệp cung ứng.
Hai thanh niên này cho biết, họ đã đến Công ty Ford, trình bày ý tưởng, hồ sơ thiết kế của sản phẩm và được doanh nghiệp này hết sức ủng hộ. Ford ký với họ một hợp đồng mua trực tiếp hơn một triệu bộ đèn lái từ họ, nếu họ đảm bảo được khả năng cung ứng.
Đồng thời, Ford cũng ký hợp đồng thuê bằng sáng chế để được sản xuất một nửa nhu cầu đèn lái còn lại của hãng. Hiện giờ, họ cần 300.000 đô la để xây dựng nhà máy, hiện thực hóa các hợp đồng đã ký với Ford. Khi tới đề nghị vay, họ cầm sẵn các hợp đồng đã ký với Ford.
Tôi đề nghị họ để lại các hợp đồng, nếu phía ngân hàng thấy dự án khả thi như họ đã trình bày thì sẽ mở tài khoản để họ tiếp cận với khoản tín dụng cần thiết. Việc phê duyệt được thực hiện trong 1-2 ngày và từ đó, phối hợp giữa hai bên rất nhịp nhàng, thông suốt.
Bên vay cung cấp tới bên cho vay danh sách các hạng mục cần đầu tư cho nhà máy sản xuất đèn lái ô tô, từ thuê mặt bằng tới các trang thiết bị cần dùng. Bên ngân hàng mở một tài khoản ghi số tiền được vay để thanh toán các hóa đơn thiết bị gửi đến. Một tài khoản khác được mở cho việc trả các chi phí thường xuyên như chi phí nhân công, chi phí vận hành…
Tài khoản thứ ba được mở để kiểm soát tất cả các khoản thu vào từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bởi để được tiếp cận tín dụng, bên vay phải cam kết các khoản tiền thu được đều chảy về một tài khoản do ngân hàng cho vay mở.
Trong suốt quá trình thực hiện dự án, bộ phận kỹ thuật của bên cho vay thực hiện trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc mua sắm các thiết bị đúng mục đích, chất lượng, việc vận hành thông suốt để có thể cho ra được sản phẩm. Kết quả là, sau một năm, nhà máy đi vào hoạt động và cung cấp sản phẩm đảm bảo đúng chất lượng mà Ford yêu cầu. Dù khoản vay được dự tính kéo dài trong năm năm, chỉ trong hơn một năm, bên vay đã có thể tất toán hợp đồng.
Như vậy, từ hai người lính mới giải ngũ với tài sản vỏn vẹn 2.500 đô la và một ý tưởng tốt, khi tiếp cận được tín dụng, chỉ sau vài năm, họ đã trở thành những triệu phú. Sau này, hai cựu binh ấy vẫn tiếp tục hợp tác với ngân hàng trong việc thương mại hóa các ý tưởng khác, tạo nên mối quan hệ gắn kết bền chắc và có lợi cho cả hai bên.
Rõ ràng, ngân hàng và người cần vay tiền có thể gặp nhau tại một dự án thực tế, cùng đưa nó đến thành công mà không cần phải có một tài sản thế chấp nào cả.
KTSG: Vậy thì để tiến hành cho vay tín chấp, ngân hàng phải có khả năng thẩm định và giám sát đến khi dự án về đích với kết quả đạt được mức dự kiến khi lập phương án kinh doanh. Với năng lực hiện nay của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam, điều này đã khả thi chưa, thưa ông?
– Vướng mắc nằm ở năng lực. Ngân hàng thu hút tiền gửi trong dân hoặc từ các kênh khác, mang khoản tín dụng đó cho các doanh nghiệp vay để thực hiện dự án kinh doanh, phần chênh lệch giữa lãi suất huy động với cho vay để chi trả cho việc vận hành và giúp ngân hàng có lãi. Nghĩa là khi khách hàng tìm đến, nhiệm vụ của ngân hàng là tiếp đón, lắng nghe kế hoạch kinh doanh của người cần vay, giúp họ tiếp cận khoản vay bằng cách tư vấn điều kiện cần và đủ để dự án có thể thành công, chứ không chỉ chăm chăm hỏi khách hàng có tài sản thế chấp là gì.
Làm như vậy có khó hay không? Nếu xác định được sản phẩm, thị trường với những hợp đồng đã ký kết thì chỉ cần các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản đã xác định được doanh thu theo năm, lợi nhuận, khả năng thanh toán tiền gốc và lãi của khoản vay dự kiến. Quyết định cho vay chỉ cần dựa vào các tính toán nêu trên.
Vấn đề nằm ở chỗ nhân viên ngân hàng ở Việt Nam chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ thẩm định dự án kinh doanh. Ở đây, tôi chỉ nói tới khả năng đánh giá tính khả thi, khả năng sinh lời của dự án và mức cấp tín dụng phù hợp với các yếu tố đó. Còn việc giám sát kỹ thuật, tài chính hoàn toàn có thể thực hiện thông qua hợp đồng thuê ngoài giữa ngân hàng với doanh nghiệp cung ứng.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam hiện nay, bản thân chính sách của ngân hàng cũng không khuyến khích cho vay tín chấp. Thay đổi điều này một phần phụ thuộc vào tinh thần phục vụ cộng đồng doanh nghiệp của phía ngân hàng.
Để ngân hàng mạnh dạn mở hầu bao…
KTSG: Vào đầu tháng 7-2023, trong cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, một vị lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước cho rằng bản thân các doanh nghiệp này “cũng cần khắc phục những hạn chế của mình bởi đó chính là những vấn đề đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay”, doanh nghiệp phải “nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, tình hình tài chính, minh bạch hóa thông tin…”(*). Thưa ông, lời khuyên rất đúng đắn nhưng để làm được điều này, chỉ dựa vào bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa e rằng không đủ sức. Ở các nền kinh tế phát triển, việc này được xử lý như thế nào?
– Ở Mỹ, Chính phủ liên bang lập ra một tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gọi là Cục Quản lý doanh nghiệp nhỏ (Small Business Admistration – SBA). Tổ chức này có ban liên lạc ở từng tiểu bang, từng thành phố. Nếu một cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp, hoặc một doanh nghiệp gặp các khó khăn về chuyên môn tài chính, họ có thể đến văn phòng SBA tại tiểu bang hay thành phố mình đang sinh sống để xin tư vấn. Các chuyên viên của SBA sẽ hỗ trợ họ. Song song với đó, SBA cung cấp những khóa đào tạo với chi phí thấp cho doanh nhân và các doanh nghiệp nhỏ tại 1.800 địa điểm trên toàn nước Mỹ.
Ngoài ra, SBA còn thông tin về quỹ cho doanh nghiệp vay, kết nối doanh nghiệp với các nhà tài trợ tín dụng, thông tin về các chương trình hỗ trợ phục hồi của chính phủ… và công khai các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận với các cơ hội tài chính đó.
Thêm nữa, các bang còn có những “tổ chức hội hoạt động tự nguyện”. Đó là nơi thu hút những vị chủ tịch tập đoàn, tổng giám đốc, chuyên gia kinh tế, tài chính, chuyên gia trong từng lĩnh vực… đã về hưu tham gia đóng góp ý kiến, cố vấn, hỗ trợ cho các thế hệ tiếp nối. Những việc này Việt Nam hoàn toàn có thể làm được nhưng phải có người đứng ra làm.
Đó là những ai? Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đủ nhân lực, năng lực, trình độ và quyền hạn để giúp đỡ doanh nghiệp. Các hiệp hội nghề nghiệp được thành lập ra với mục đích gì khác ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành trưởng thành thông qua việc đào tạo về năng lực chuyên môn, năng lực quản lý… cho họ? Một lần nữa tôi xin nhắc đến tinh thần phục vụ. Từ các cơ quan quản lý, hiệp hội, từng tổ chức, từng cá nhân nếu xác quyết tinh thần này thì sẽ xuất hiện các sáng kiến giúp doanh nghiệp Việt ngày càng lớn mạnh.
KTSG: Trở lại với vấn đề tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp thông qua vay tín chấp, theo ông, các cơ quan quản lý cũng cần thể hiện “tinh thần phục vụ” như thế nào?
– Có hai việc có thể làm ngay. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tổ chức những khóa đào tạo cho ngân hàng thương mại về nghiệp vụ vay tín chấp. Ngân hàng thương mại được đào tạo bài bản thì sẽ mạnh dạn cho vay, như vậy sẽ tạo ra nguồn thu nhập để trả lãi suất cho người gửi và giúp ngân hàng có lợi nhuận. Nếu họ chưa biết làm thì hãy hướng dẫn cho họ.
Đồng thời, NHNN có thể xây dựng và ban hành một bộ tài liệu về quy trình cho vay tín chấp, từ việc xác định dự án tiềm năng tới các quy trình tiếp theo như các bước giải ngân, quá trình giám định về kỹ thuật, tài chính và gợi ý các tổ chức đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ, kiểm soát dòng tiền vay của dự án và dòng tiền dự án thu về…
Kết luận về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017 của Thanh tra Chính phủ vừa được công bố cho thấy, có ngân hàng cho vay gần nửa số vốn tự có vào một dự án, có ngân hàng cho vay tới gần 20% tổng dư nợ cho nhóm khách hàng chưa tới 20 tổ chức, cá nhân… Sự lệch hướng của dòng tín dụng như vậy sẽ dẫn đến sự thiếu khách quan, thiếu nhiệt tình của ngân hàng thương mại trong hoạt động cho vay tín chấp. Đó là điểm thứ hai cần khắc phục.
Muốn vậy, bộ phận thanh tra, giám sát của NHNN cần hoạt động hiệu quả và thực chất hơn, đảm bảo các ngân hàng thương mại cho vay đúng đối tượng, đúng tiêu chí, đúng quy định của pháp luật. Khơi thông được những bế tắc trong mảng vay tín chấp, cơ hội cho các doanh nghiệp có ý tưởng, có dự án khả thi sẽ tăng lên mà đi kèm với đó là công việc và thu nhập cho người lao động, doanh số và lợi nhuận cho doanh nghiệp… Và cuối cùng, khi nền kinh tế tăng trưởng tốt thì ngân hàng thương mại cũng sẽ hoạt động tốt.
(*), (**) https://vietnamnet.vn/thong-doc-bay-cach-de-doanh-nghiep-nho-va-vua-vay-duoc-von-2162736.html
Tại buổi làm việc vào chiều tối ngày 6-7-2023 giữa Thường trực Chính phủ với Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Hiện nay Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) quy định các TCTD yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng trả nợ, sử dụng vốn đúng mục đích.
Thông tư hướng dẫn của NHNN cũng quy định như vậy; NHNN không quy định khoản vay bắt buộc phải có tài sản bảo đảm (thực tế các TCTD vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ).
NHNN không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản bảo đảm và không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho TCTD để chứng minh đủ điều kiện vay vốn. Những vấn đề này hoàn toàn do TCTD tự quyết trong quy trình nội bộ của chính TCTD (**).
Kinh tế Sài Gòn Online