Từ vụ Vạn Thịnh Phát – SCB, bàn chuyện lành mạnh hóa thị trường tín dụng Việt Nam LTS: Những sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là không có tiền lệ và không thể để lặp lại. Hoàn thiện các quy định của pháp luật,…
Từ vụ Vạn Thịnh Phát – SCB, bàn chuyện lành mạnh hóa thị trường tín dụng Việt Nam
LTS: Những sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là không có tiền lệ và không thể để lặp lại. Hoàn thiện các quy định của pháp luật, giám sát việc thực thi các quy định này và có những biện pháp xử lý phù hợp với các tổ chức tín dụng yếu kém là đề xuất của các chuyên gia nhằm hướng tới mục tiêu tái cơ cấu, lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Sự việc đã xảy ra ở ngân hàng SCB liệu có phải là cá biệt? Làm cách nào để ngăn chặn những sự việc tương tự, bảo đảm an toàn cho hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam? Đó là những vấn đề được chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành đưa ra và tự giải đáp trong cuộc trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
Dấu hiệu sở hữu chéo từ vụ Vạn Thịnh Phát – SCB
KTSG: Thưa ông, sự liên quan mật thiết gây ra những tác hại khôn lường giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.
Trên sổ sách, bà Trương Mỹ Lan sở hữu chưa tới 5% cổ phần của SCB nhưng thực tế lại là người chi phối hoạt động của ngân hàng này, vậy thì cần nhận diện vấn nạn sở hữu chéo mà chúng ta đang phải đương đầu như thế nào?
Đây có phải là một vấn đề mang tính đặc thù của hệ thống NHTM Việt Nam hay không và vì sao?
– Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Trong vụ việc của Vạn Thịnh Phát và SCB, có hai vấn đề cần quan tâm.
Thứ nhất, theo thông tin từ cơ quan điều tra, tính tới tháng 10-2022, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Vạn Thịnh Phát) sở hữu, chi phối hơn 91% cổ phần của SCB, thông qua việc sở hữu 4,982% cổ phần, đúng theo quy định của pháp luật là không vượt quá 5% và nhờ 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp phần còn lại.
Thứ hai, cũng theo cơ quan điều tra, từ tháng 1-2012 đến tháng 10-2022, SCB đã giải ngân cho các công ty thuộc “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát hơn một triệu tỉ đồng. Trong đó, tổng dư nợ thuộc nhóm không có khả năng thu hồi lên tới hơn 667.000 tỉ đồng và chỉ tính riêng con số này đã gấp hơn 30 lần số vốn điều lệ của SCB (từ năm 2021 đã là hơn 20.000 tỉ đồng).
Đáng nói, con số tổng dư nợ thuộc nhóm không có khả năng thu hồi nêu trên bằng khoảng 130% tổng số tiền 511.262 tỉ đồng khách hàng gửi tại SCB vào thời điểm 17-10-2022 theo tính toán trên sổ sách. Ở đây, rõ ràng SCB đã vi phạm quy định về tỷ lệ được phép cho vay trên tổng số tiền gửi huy động được (Quyết định 1158/2018 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định các tổ chức tín dụng phải đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 3% với khoản tiền gửi bằng tiền đồng dưới 12 tháng và 1% với khoản tiền gửi bằng tiền đồng trên 12 tháng).
Như vậy, trong trường hợp này, sở hữu chéo được hình thành khi một cá nhân nhờ pháp nhân và nhiều cá nhân khác đứng tên cổ phần trong NHTM. Và hệ lụy của sở hữu chéo dạng này là dòng tín dụng được điều chỉnh về các tập đoàn, doanh nghiệp nằm trong “hệ sinh thái” của cá nhân nêu trên, vi phạm các nguyên tắc trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM.
Câu hỏi tiếp theo là sự việc đã xảy ra ở SCB liệu có phải là cá biệt? Nhìn vào cơ cấu cổ đông của một số NHTM, chúng ta thấy những tên tuổi lớn, sở hữu hoặc đồng sở hữu nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa ngành. Đó là dấu hiệu đầu tiên cần xác định để theo dõi, giám sát.
Dấu hiệu tiếp theo nằm ở hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng có liên quan tới các tên tuổi lớn nói trên. Trong danh sách khách hàng lớn của NHTM, phải tìm ra mối liên quan (nếu có) giữa các doanh nghiệp này và mối quan hệ giữa các doanh nghiệp khách hàng này với các cổ đông lớn của ngân hàng, tránh tình trạng NHTM cho vay doanh nghiệp sân sau của chính họ. Hai việc này cần phải làm ngay và làm một cách nghiêm túc bởi lẽ không thể chấp nhận một kịch bản tương tự SCB lặp lại.
Cũng phải thẳng thắn thừa nhận, kiểu sở hữu chéo thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng, dẫn đến việc cấp tín dụng hơn cả tổng tiền gửi huy động như SCB là câu chuyện không thể xảy ra tại hệ thống NHTM các nước phát triển, nơi có các quy định chặt chẽ về hoạt động của tổ chức tín dụng cùng với các hoạt động thanh tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục và rất minh bạch.
Bịt lỗ hổng thế nào?
KTSG: Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đặt ra mục tiêu “từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan” và trong một phát biểu của lãnh đạo gần đây, tình trạng sở hữu chéo trên sổ sách đã không còn xuất hiện.
Nhìn nhận bản chất mối liên hệ Vạn Thịnh Phát – SCB có giúp cho mục tiêu ngăn ngừa tình trạng trên của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 trở nên khả thi hơn? Xin ông phân tích kỹ ở hai khía cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường khả năng giám sát.
– Trong vụ việc của Vạn Thịnh Phát – SCB, các đối tượng cố tình khai thác lỗ hổng trong quy định hiện tại của pháp luật về tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng.
Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; cổ đông là cá nhân và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (trừ các trường hợp đặc biệt). Quy định về người có liên quan của cổ đông là cá nhân và tổ chức trong Luật các tổ chức tín dụng 2010 mới chỉ đề cập tới quan hệ của cá nhân với vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em.
Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân và cổ đông là cá nhân và người có liên quan xuống lần lượt còn 3% và 15%, mở rộng phạm vi nhóm người có liên quan tới ông bà nội ngoại, cô cậu, chú bác, cháu ruột… và xác định người có liên quan là “pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng” theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng hoặc thông qua giám sát của NHNN.
Dù dự thảo luật sửa đổi được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ và nghiêm khắc hơn, từ trường hợp bà Trương Mỹ Lan, việc xác định người có liên quan tiềm ẩn cần phải được thực hiện một cách thực chất, thậm chí, coi đó là yêu cầu nội bộ bắt buộc của tổ chức tín dụng.
Rõ ràng, không thể có một người đã về hưu, một người công chức thu nhập không tới 200 triệu đồng/năm lại có thể sở hữu hàng tỉ cổ phần của một tổ chức tín dụng, nghĩa là, yêu cầu kê khai tài sản và thu nhập có thể giúp bản thân các ngân hàng phát hiện ra các cổ đông rủi ro. Từ phía NHNN, tiếp cận được những báo cáo nội bộ như vậy sẽ tạo nên kênh giám sát thứ hai, ngăn chặn và điều chỉnh những sai phạm tương tự SCB có thể xảy ra trong tương lai.
Về giới hạn cấp tín dụng, theo Luật các tổ chức tín dụng 2010, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng, đối với khách hàng và người có liên quan thì không vượt quá 25% vốn tự có. Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định tỷ lệ nói trên không vượt quá lần lượt 10% và 15% nhưng để xảy ra sự việc ở Vạn Thịnh Phát – SCB, không phải do chúng ta thiếu quy định pháp luật.
Theo cơ quan điều tra, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo những người liên quan tổ chức lập hàng loạt công ty “ma” để vay tiền từ SCB. Trên sổ sách giấy tờ, mối liên hệ trong “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát này không rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn sẽ xuất hiện sự trùng lặp giữa các cá nhân và các địa chỉ doanh nghiệp “ma”, điều mà phía cấp tín dụng và phía giám sát cấp cao hơn không thể không nhìn thấy.
Mặt khác, không khó phát hiện tính xác thực và hiệu quả của các dự án xin cấp tín dụng, và dù trong trường hợp tổ chức tín dụng cố tình làm sai, các cấp giám sát khó có thể không nhìn ra. Nếu những người có trách nhiệm “mơ màng trên tay lái”, chúng ta phải nhanh chóng chấm dứt hiện tượng này.
Một vấn đề khác là phải nghiên cứu và đưa ra những quy định giới hạn tỷ lệ vay tối đa của một doanh nghiệp trên tổng tài sản và vốn tự có của doanh nghiệp đó. Tại Việt Nam, chúng ta đã ghi nhận những trường hợp doanh nghiệp bất động sản có vốn điều lệ vài chục ngàn tỉ đồng mà vay nợ gấp tới 4-5 lần vốn điều lệ, dư nợ vay từ các NHTM và các nguồn trái phiếu trên 80% tổng tài sản, trong đó hơn một nửa là hàng tồn kho, hơn 90% tồn kho là các bất động sản để bán nhưng đang xây dựng. Điều này gây rủi ro cho các NHTM, biến bên cho vay thành “con tin” của bên vay. Bản thân các ngân hàng nên tự giám sát để tránh xảy ra hiện tượng này, và các cơ quan quản lý cũng nên có quy định cụ thể để điều chỉnh.
Về việc giám sát, nhìn từ vụ Vạn Thịnh Phát – SCB, việc nâng cao trách nhiệm giám sát cần phải thực hiện đồng bộ ở các cấp độ. Thứ nhất, ban kiểm soát nội bộ của từng NHTM phải phát hiện được các rủi ro với hệ thống để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Ban kiểm soát chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị và các cổ đông, vậy nên, trong trường hợp ban này không độc lập với hội đồng quản trị, các cổ đông dù chỉ sở hữu một cổ phần trong NHTM cũng có quyền khởi kiện dân sự, yêu cầu xử lý trách nhiệm của những người này.
Thứ hai, NHNN thực hiện nghiêm giám sát về room tín dụng, các hoạt động cấp tín dụng, mua bán chuyển nhượng cổ phần tại các NHTM. Trong vụ việc Vạn Thịnh Phát – SCB, một đoàn thanh tra từ NHNN đã cố tình làm sai, vậy nhưng, nếu giám sát nội bộ trong hoạt động của NHNN hiệu năng hơn, sai phạm sẽ được ngăn chặn sớm hơn, thiệt hại sẽ được giảm thiểu nhiều hơn.
Thứ ba, những người tham gia đoàn thanh tra hoặc thực hiện các nhiệm vụ giám sát phải trung thực về mối quan hệ huyết thống hay xã hội với các đối tượng bị thanh tra, giám sát. Phía NHTM và NHNN nên đưa ra những quy định nội bộ xử lý nghiêm khắc hành vi che giấu mối quan hệ cá nhân, gây ảnh hưởng tới tính khách quan, trung thực của việc thanh tra, giám sát.
Để không dám làm sai
KTSG: Trong vụ việc xảy ra ở SCB, đoàn thanh tra nhận hối lộ sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng, vẫn phải thừa nhận thực tế, tình trạng như vậy lại có thể diễn ra trong một thời gian dài. Câu hỏi trách nhiệm cần được giải đáp như thế nào, thưa ông?
Và làm thế nào để người ta biết rằng như vậy là sai vì thế không dám làm, hay quan trọng hơn, có thể ngăn chặn tình trạng biết sai mà vẫn dám làm như trong vụ việc vừa qua?
– Dù không biết sai phạm xảy ra tại đoàn thanh tra SCB, những người quản lý nhân viên thuộc đoàn thanh tra và giám sát hoạt động thanh tra đều phải tự đối diện với trách nhiệm. Ở các nước như Nhật Bản, Mỹ…, ngoài việc tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để chứng minh mình trong sạch, những người này sẽ chủ động xin từ chức hoặc thuyên chuyển do đã không làm tròn nhiệm vụ được giao phó. Văn hóa từ chức phải dựa trên nền tảng tự ý thức về lỗi lầm, tự chịu trách nhiệm cho lỗi lầm mình phạm phải, dù không cố ý như vậy.
Về ý thứ hai, người ta sẽ biết sai vì thế không dám làm hay chỉ có thể ngăn chặn tình trạng biết sai mà vẫn dám làm khi và chỉ khi các quy định của pháp luật chặt chẽ, việc xét xử và việc thi hành bản án đã tuyên được thực hiện nghiêm minh. Tôi cho rằng, kể cả đối với án tham nhũng, trong một số trường hợp không nên áp dụng biện pháp khoan hồng, giảm án dù đối tượng vi phạm đã thực hiện khắc phục hậu quả. Khắc phục hậu quả nên coi là điều kiện để tránh tăng nặng mức án, còn các vi phạm vẫn phải xử đúng khung tội được pháp luật quy định.
Kinh tế Sài Gòn Online