Tín hiệu kỹ thuật cho thấy thị trường chứng khoán vẫn còn động lực đi lên trong tháng 6, nhưng khó có sự bứt phá và cần phải thận trọng chuẩn bị cho các nhịp “pullback” xuất hiện sau đợt hồi phục đáng kể và vùng 1.260 điểm là ngưỡng…
Trong báo cáo mới đây, SSI Research nhận định thị trường chứng khoán tiếp nối nhịp phục hồi xuyên suốt tháng 5 và hiện tạm chững lại đi ngang khi tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.285-1.292. Nhờ lực đẩy từ dòng tiền cá nhân và lực bắt đáy mạnh mẽ, bức tranh chung của thị trường mang gam màu sáng nhưng phân hóa xuyên suốt tháng 5. Điểm nhấn là xu hướng dòng tiền hướng đến nhóm vốn hóa trung bình thấp với một số nhóm cổ phiếu ở các ngành CNTT, Bán lẻ, Thép, Năng lượng, Tài chính đã phục hồi mạnh mẽ và thậm chí vượt đỉnh lịch sử.
Tín hiệu kỹ thuật cho thấy thị trường vẫn còn động lực đi lên trong tháng 6, nhưng khó có sự bứt phá và cần phải thận trọng chuẩn bị cho các nhịp “pullback” xuất hiện sau đợt hồi phục đáng kể và vùng 1.260 điểm là ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn cho chỉ số.
Bên cạnh đó, TTCK vừa trải qua qua giai đoạn biến động mạnh từ điều chỉnh đến phục hồi và cần thời gian để củng cố cung cầu trên vùng đỉnh cũ. Đặc biệt, theo thống kê của SSI Research kể từ năm 2010 đến nay, tháng 6 không phải là một tháng thật sự tích cực cho TTCK, đặc biệt trong bối cảnh chỉ số VN-Index đã phục hồi gần 10%.
SSI Research cho rằng cung chốt lời bảo toàn lợi nhuận và hạ tỷ lệ vay nợ khi tiến về cuối Q2 có thể khiến thị trường khó bứt phá trong ngắn hạn. Trong ngắn hạn, cơ hội sẽ đến từ kỳ vọng về KQKD Quý 2 hay thông tin liên quan đến Thông tư cho phép CTCK triển khai hình thức hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức.
Sau khi nhấn mạnh thời điểm chọn lọc cổ phiếu vào tháng trước, đội ngũ phân tích cho rằng tận dụng vùng giá cao để bảo toàn thành quả cho danh mục là chiến lược có thể phù hợp với bối cảnh thị trường hiện tại.
Ở chiều mua, việc đa dạng hóa danh mục theo ngành có thể giúp NĐT chủ động đón đầu dòng tiền liên tục xoay vòng và hạn chế rủi ro. Tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục duy trì ở mức cân bằng, chỉ mua gom trong các nhịp điều chỉnh và việc lựa chọn nên tập trung vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng KQKD cao và ổn định.
Nhiều nhóm ngành sẽ lần lượt hồi phục trên nền so sánh rất thấp của năm ngoái. Theo ước tính của SSI Research, các cổ phiếu có KQKD tăng trưởng vững chắc trong các nhóm ngành Bán lẻ, Phân bón, Thép-Tôn mạ, Chứng khoán và Xuất khẩu sẽ có cơ hội nhiều nhất trong năm 2024. Trong khi đó, sự chú ý của thị trường còn mở rộng sang một số nhóm ngành có định giá gần như đi ngang nếu tính từ đầu năm 2023 như nhóm Thực phẩm đồ uống và nhóm Tiện ích (điện) và các cổ phiếu dự kiến trả cổ tức cao.
Nhìn về triển vọng TTCK trung dài hạn, nhóm phân tích vẫn đánh giá tích cực khi nhìn vào bức tranh lớn. Việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng trong năm 2024 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư và tiêu dùng lần lượt hồi phục. Nhờ vậy, kỳ vọng về KQKD các DNNY quay lại quỹ đạo tăng trưởng là một trong những động lực chính cho TTCK Việt Nam trong Q2 và nửa cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc trong việc nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russel sẽ được cụ thể hóa hơn cũng là một yếu tố quan trọng cho TTCK. Giai đoạn nửa cuối năm cũng là lúc các NĐT bắt đầu thiết lập kỳ vọng cho 2025 và đang có những cơ sở để cho rằng sẽ có những hồi phục tốt hơn về kinh tế thế giới và Việt Nam, trong khi các yếu tố rủi ro cũng sẽ hiện diện rõ hơn và có thể có tác động nhẹ hơn đối với thị trường.
An ninh Tiền tệ