(KTSG) – Giảm mạnh ngay từ những phiên giao dịch đầu năm, chỉ số VN-Index mở màn năm 2025 không mấy tích cực. Phải chăng kỳ nghỉ Tết năm nay đến sớm hơn khiến dòng tiền cũng rút ra nghỉ Tết sớm, hay còn có những thông tin nào đang…
(KTSG) – Giảm mạnh ngay từ những phiên giao dịch đầu năm, chỉ số VN-Index mở màn năm 2025 không mấy tích cực. Phải chăng kỳ nghỉ Tết năm nay đến sớm hơn khiến dòng tiền cũng rút ra nghỉ Tết sớm, hay còn có những thông tin nào đang gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư?
Tiền nghỉ Tết sớm?
Chỉ trong hai phiên ngày 3 và 6-1, chỉ số VN-Index đã mất 24 điểm, rớt xuống mức thấp nhất trong một tháng qua tại vùng 1.246 điểm. Khối lượng giao dịch cũng cao hơn so với bình quân những phiên trước đó cùng với điểm số đi xuống là tín hiệu khá tiêu cực, cho thấy nhà đầu tư quyết tâm thoát hàng, bất chấp các thông tin kinh tế vĩ mô tích cực mới được công bố.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quí 4-2024 đạt mức cao 7,55%, giúp GDP cả năm 2024 tăng 7,09%, vượt xa mục tiêu 6-6,5%. Kết quả tích cực này là nền tảng quan trọng để hướng đến mục tiêu phấn đấu 8% mà Chính phủ đặt ra cho năm 2025. Đây cũng là mức tăng cao thứ hai trong 17 năm qua, chỉ sau mức tăng 8,02% đạt được vào năm 2022.
Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất, thương mại và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đạt kết quả khả quan. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,4%, xuất siêu hàng hóa đạt 24,77 tỉ đô la Mỹ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục 25,35 tỉ đô la – tăng 9,4% so với năm 2023. Đáng lưu ý là nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân tiếp tục phục hồi khi tăng 7,7% so với năm 2023.
Ngoài ra, lạm phát cũng được kiểm soát tốt ở mức 3,63%, cách xa mục tiêu 4,5% đề ra trong năm nay. Đây là cơ sở quan trọng để Ngân hàng Nhà nước có điều kiện tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cho giai đoạn kế tiếp, từ đó có thể tiếp tục hỗ trợ sự tăng trưởng ở các kênh đầu tư tài sản như thị trường chứng khoán (TTCK).
Dù vẫn đang có những kỳ vọng khả quan hơn về kinh tế vĩ mô trong năm 2025, TTCK lại phản ứng không mấy tích cực trong những ngày qua, khiến không ít nhà đầu tư cho rằng dòng tiền đang rút ra nghỉ Tết sớm, nhất là khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn mọi năm. Hay hiệu ứng “tin ra là bán” đang diễn ra, khi nhà đầu tư tận dụng các báo cáo kinh tế vĩ mô tích cực để thoát hàng?
Với các nhà đầu tư e ngại rủi ro, việc tạm thoát khỏi thị trường hoặc giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu là lựa chọn đã được cân nhắc, nhất là khi phía trước là kỳ nghỉ lễ dài ngày. Ngoài ra, dưới góc độ kỹ thuật, chỉ số VN-Index cũng đã bước vào pha điều chỉnh ngắn hạn, với mô hình hai đỉnh đang hình thành sau khi không thể thoát khỏi vùng kháng cự 1.280 điểm, càng thúc đẩy các nhà đầu tư quyết định bán ra.
Quá khứ cho thấy giao dịch trên TTCK thường ảm đạm trước các kỳ nghỉ Tết, dù về mặt điểm số vẫn có năm tăng và có năm giảm trong giai đoạn này. Các nhà đầu tư có khuynh hướng chờ đợi kết quả kinh doanh trong năm tài chính của doanh nghiệp được công bố chính thức, cũng như không ít nhà đầu tư quyết định tạm thoát khỏi thị trường để tránh những thông tin bất lợi có thể xuất hiện trong giai đoạn kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Đơn cử như cách đây năm năm, các thông tin về đại dịch Covid-19 xuất hiện dày đặc trong những ngày nghỉ Tết năm 2020, kéo theo nỗi sợ hãi lan rộng. Hệ quả là TTCK khi giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết đã lao dốc không phanh, khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, không kịp thoát hàng, dẫn đến thua lỗ nặng nề. Sự hoảng loạn chỉ kết thúc vào cuối tháng 3 khi dòng tiền bắt đáy tham gia mạnh mẽ và kéo thị trường bước vào chuỗi tăng trưởng tích cực trong hai năm kế tiếp.
Hay e ngại những thông tin tiêu cực?
Đáng lưu ý, một trong những thông tin có thể cũng đã gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư trong những ngày qua là các hình ảnh và video trên mạng xã hội cho thấy các bệnh viện ở Trung Quốc đang quá tải bởi tình trạng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do nhiễm virus Human Metapneumovirus (HMPV) đang lây lan ở nước này.
Dù Bắc Kinh lên tiếng trấn an đây là bệnh thường quy và chỉ là hiện tượng hàng năm vào mùa đông, không phải là điều bất thường, nhưng căn bệnh có triệu chứng tương tự cúm này đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau đại dịch Covid-19. Hiện một số quốc gia như Indonesia, Ấn Độ và Nhật Bản đã khuyến cáo công dân lưu ý tình hình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, còn quốc gia láng giềng Pakistan đã chỉ đạo Viện Y tế quốc gia (NIH) theo dõi chặt chẽ căn bệnh này.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. Còn theo thông tin từ các chuyên gia y tế, HMPV được phát hiện từ năm 2001, thuộc họ Pneumoviridae – cùng họ với virus hợp bào hô hấp (RSV). Điểm quan trọng là mức độ nghiêm trọng và khả năng lây lan của HMPV thấp hơn nhiều so với Covid-19. HMPV thường chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ và có thể tự khỏi ở đa số các trường hợp, thường tập trung ở người già và trẻ nhỏ.
Đáng chú ý, lễ nhậm chức chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 20-1 tới cũng khiến các nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi liệu ông sẽ thực hiện những chính sách quan trọng nào ngay sau khi nhậm chức. Trong đó, các hàng rào thuế quan mới có thể sớm được triển khai đang khiến các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ thật sự lo ngại, nhất là khi lưỡng viện Mỹ đều đang đặt dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa khiến các chính sách đề xuất từ Tổng thống Donald Trump có thể dễ dàng được thông qua.
Chính vì vậy, với các nhà đầu tư e ngại rủi ro, việc tạm thoát khỏi thị trường hoặc giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu là lựa chọn đã được cân nhắc, nhất là khi phía trước là kỳ nghỉ lễ dài ngày như đã nói.
Ngoài ra, dưới góc độ kỹ thuật, chỉ số VN-Index cũng đã bước vào pha điều chỉnh ngắn hạn, với mô hình hai đỉnh đang hình thành sau khi không thể thoát khỏi vùng kháng cự 1.280 điểm, càng thúc đẩy các nhà đầu tư quyết định bán ra.
Trong trường hợp tiếp tục điều chỉnh, vùng hỗ trợ gần nhất của VN-Index sẽ nằm tại 1.240 điểm và xa hơn là mốc tâm lý 1.200 điểm. Tuy nhiên, triển vọng thị trường năm 2025 vẫn được đánh giá tích cực, do đó các đợt điều chỉnh sâu dù có diễn ra cũng sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại và tái cấu trúc danh mục.
Theo báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2025 mới được công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo VN-Index có thể kết thúc năm 2025 ở mức 1.486 điểm. Trung tâm phân tích ABS Research tin rằng trong kịch bản tốt nhất VN-Index có thể đạt 1.435 điểm. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, VN-Index có thể đạt mức 1.460 điểm vào cuối năm 2025, trong khi các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcap còn lạc quan hơn khi nhận định VN-Index có thể chinh phục trở lại đỉnh cao 1.500 điểm.
Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư cũng có thể được hỗ trợ khi nhìn vào hiệu suất trong quá khứ của thị trường vào tháng 1 hàng năm. Thống kê cho thấy mức tăng trưởng bình quân vào tháng 1 của chỉ số VN-Index giai đoạn 2021-2024 là 4%, đây là mức cao nhất trong năm. Trong hai năm gần nhất, VN-Index đều có diễn biến tích cực khi tăng 3,1% vào tháng 1-2023 và tăng 3,6% vào tháng 1-2024. Tuy nhiên, cũng có những năm thị trường đi xuống, như giai đoạn 2020-2022 VN-Index lần lượt giảm 4%, 7,6% và 1,8% trong tháng 1.