VN-Index giảm 38,9 điểm so với tuần trước, xuống 1.154,15 điểm, đây là tuần thứ 3 liên tiếp giảm điểm của chỉ số này. Ảnh Trọng Hiếu Các công ty chứng khoán dự báo nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh trong những…
VN-Index giảm 38,9 điểm so với tuần trước, xuống 1.154,15 điểm, đây là tuần thứ 3 liên tiếp giảm điểm của chỉ số này. Ảnh Trọng Hiếu
Sau hai tuần biến động mạnh và không giữ được vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm, thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận thêm một tuần giảm điểm sâu với thanh khoản sụt giảm mạnh và các nhóm ngành đều chịu áp lực điều chỉnh.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index chịu áp lực giảm điểm mạnh trong 2 phiên giao dịch đầu tuần khiến chỉ số chung liên tục mất điểm giảm về dưới khu vực 1.140. Trong phiên giao dịch ngày 27/9, thanh khoản bán chủ động vẫn tiếp tục gia tăng và đã có lúc kéo thị trường về dưới vùng điểm 1.130. Tuy lực cầu bắt đáy xuất hiện thưa thớt sau đó nhưng cũng đã giúp cho VN-Index lấy lại được sắc xanh, quay trở lại khu vực 1.155.
Kết tuần 25-29/9, VN-Index giảm 38,9 điểm (tương đương với 3,26%) so với tuần trước, xuống 1.154,15 điểm, đây là tuần thứ 3 liên tiếp giảm điểm của chỉ số này. Thanh khoản đạt hơn 92.945,2 tỷ đồng, giảm 21,6% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 17%. Đây cũng là tuần kết thúc quý III/2023, và chỉ số VN-Index tăng 3,03% so với quý II, duy trì ba quý liên tiếp tăng điểm.
Xét theo mức độ đóng góp, CTG, VCB và HPG là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, CTG đã lấy đi gần 1 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, VIC, VHM và VPB là những mã có tác động tích cực nhất. Tính riêng VIC đã bù lại gần 2 điểm cho chỉ số.
Với áp lực giảm điểm của thị trường chung, nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến kém tích cực nhất, như TCH (-14,0%), NHA (-13,79%), DRH (-12,87%), TDC (-11,69%), NBB (-11,29%), CEO (-10,88%)…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đa số đều chịu áp lực bán mạnh trong những phiên đầu tuần, nhiều mã kết thúc tuần giảm mạnh như VIX (-11,27%), WSS (-10,39%), PSI (-8,57%), VDS (-7,65%), VND (-6,85%)… Tương tự, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng có diến biến kém tích cực là EIB (-8,42%), STB (-6,84%), KLB (-6,02%), SHB (- 5,93%)… ngoài SSB (+5,33%), VPB (+2,12%)… Hướng ngược lại, nhóm cổ phiếu cảng biển, logistics ghi nhận diễn biến ngược chiều như GMD (+3,59%), DVP (+2,38%), TCL (+2,35%), HAH (+1,57%)…
Diễn biến tích cực là nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trở lại với giá trị 632,26 tỷ đồng trên HOSE sau khi bán ròng mạnh 4 tuần liên tiếp trước đó.
Chứng khoán SHS nhận định, nhịp điều chỉnh trong tuần vừa qua là cần thiết tuy nhiên biên độ điều chỉnh lại rộng hơn dự báo và làm suy yếu động lực tăng ngắn hạn, thị trường do vậy sẽ cần thêm nhiều thời gian để hình thành nền tích lũy mới. Nhóm phân tích này cho rằng các nhịp hồi phục sắp tới chỉ mang tính hồi phục kỹ thuật đi kèm theo những nhịp điều chỉnh để dần hình thành nền tảng chặt chẽ.
“Trong ngắn hạn nhịp điều chỉnh và tích lũy trở lại của thị trường có thể còn kéo dài, các nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì danh mục với tỷ trọng thấp và thận trọng bởi các nhịp hồi phục chỉ mang tính kỹ thuật”, SHS cho biết.
Theo SHS, trong trung, dài hạn mặc dù xu hướng uptrend vẫn được duy trì tuy nhiên thị trường cần tiếp tục giao dịch tích cực trên ngưỡng 1.150 điểm để củng cố nền tảng và xu hướng. Do vậy nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục đã được giải ngân.
Về góc nhìn kỹ thuật, VCBS đánh giá trong trường hợp tích cực, VN-Index vẫn có thể hướng lên khu vực 1.170 – 1.175 trong ngắn hạn. Nhóm phân tích này khuyến nghị các nhà đầu tư cần thận trọng và lên kế hoạch giao dịch ngắn hạn để quản trị rủi ro, chỉ nên duy trì tỉ trọng từ 10 – 30% tài khoản cổ phiếu cho chiến lược giao dịch lướt sóng ngắn hạn.
Tương tự, VDSC nhận định thanh khoản thấp cho thấy áp lực cung tạm thời chưa gây sức ép lớn cho thị trường. Với trạng thái thăm dò cung cầu chưa rõ kết quả, có khả năng thị trường sẽ dao động tại vùng 1.150 – 1.165 điểm trong phiên giao dịch đầu tháng 10. Nhà đầu tư vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu và đánh giá trạng thái thị trường. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc khả năng hồi phục của thị trường trong thời gian tới để cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Ở góc nhìn thận trọng hơn, KBS cho rằng nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh trong các phiên tới nhằm thiết lập một mặt bằng giá vững chãi hơn với ngưỡng hỗ trợ gần được đặt quanh 1.14x và sâu hơn là 1.12x.
Nhà Đầu Tư