Theo Chủ tịch FiinGroup, trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm khá phức tạp, có rủi ro, và đây là nghiệp vụ của ngân hàng đầu tư, không phải của ngân hàng thương mại. Một nhân viên ở quầy ngân hàng, không phù hợp để có thể tư vấn cho…
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đánh giá, thị trường trái phiếu năm 2023 sẽ còn nhiều thách thức và khó khăn. Riêng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, những đề xuất tháo gỡ khó khăn từ cơ quan quản lý hay việc các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng cường đầu tư vào trái phiếu xanh…được coi là những điểm tích cực trong năm 2023. Ngoài ra, cũng theo các chuyên gia, dù những khó khăn còn ở đó, nhưng đối với những doanh nghiệp kinh doanh tốt và chủ động minh bạch từ sớm sẽ luôn thu hút các nhà đầu tư trên thị trường này.
BTV Mùi Khánh Ly: Ô ng đánh giá thế nào về thị trường trái phiếu năm 2022?
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty CP FiinGroup
Về trái phiếu Chính phủ, lãi suất đã tăng trong năm nay. Thực tế, mức xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam trên thị trường quốc tế là cải thiện, tăng lên nhưng lãi suất tăng chủ yếu là do vấn đề về mặt môi trường, về lãi suất của quốc tế ảnh hưởng.
Còn trái phiếu doanh nghiệp, nếu nhìn lại năm 2022, tổng giá trị phát hành tính đến thời điểm này khoảng hơn 300.000 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 50% so với năm 2021. Nhìn lại 3 năm trở lại đây, từ 2019, phát hành trái phiếu đã ngang bằng hoặc vượt tăng ròng về tín dụng trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng. Ví dụ như năm 2021, tăng ròng về tín dụng trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng là khoảng 485.000 tỷ đồng, còn tổng trị phát hành của kênh trái phiếu doanh nghiệp khoảng hơn 600.000 tỷ. Chỉ có điều rất đáng tiếc là từ tháng 10 thì thị trường này khựng lại, không phải chỉ là sự thay đổi về tiết cung mà nó cũng là vấn đề về cầu, vấn đề về các sự việc vi phạm và hệ quả từ sự tham gia quá của quá nhiều nhà đầu tư cá nhân mà chưa thực sự hiểu biết trên thị trường này.
BTV Mùi Khánh Ly: Vậy theo ông, thực trạng trên đến từ những nguyên nhân chính nào?
Bên cạnh những ảnh hưởng từ biện pháp lành mạnh hóa của cơ quan quản lý, thị trường trái phiếu cũng chịu tác động kép, mang tính chu kỳ ngành. Chúng ta đã thấy tổ chức phát hành trái phiếu ngoài ngân hàng chủ yếu là bất động sản, họ chịu tác động không chỉ là lãi suất, không chỉ là pháp lý bất động sản, mà bản chất, sau một chu kỳ, một thời gian phát triển rất mạnh và nóng, rồi có tính đầu cơ cao, thì phải “hạ cánh”.
Một lưu ý, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước mới phát hành ở đỉnh cao trong thời gian 3 năm, từ 2019, cũng là điểm rơi về mặt dòng tiền, áp lực trả nợ, cộng với tác động từ bên ngoài, và với đặc thù mang tính chu kỳ của ngành, các yếu tố đó đã làm cho vấn đề trở nên lớn hơn. Doanh nghiệp phát hành buộc phải mua lại trái phiếu, gây bất lợi cho doanh nghiệp. Đương nhiên không hoàn toàn là chỉ có vấn đề của doanh nghiệp mà tâm lý của nhà đầu tư và những yếu tố mang tính khách quan mà không ai có thể kiểm soát được nữa.
Riêng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, năm 2022 đã chứng kiến cảnh nhà đầu e ngại và bán ra chưa từng có, thậm chí là bán ra cả những chứng chỉ quỹ đầu tư vào trái phiếu…Theo ông, đó có phải là những phản ứng quá đà?
Theo tôi, mối liên thông giữa các kênh vốn trên thị trường tài chính, bao gồm chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ và thậm chí là tín dụng ngân hàng cực kỳ lớn. Thời gian vừa rồi sau những sự việc vi phạm đã tạo ra một hiệu ứng dây chuyền lên các kênh. Đặc biệt nhà đầu tư cá nhân tạo ra hiệu ứng bất lợi cho thị trường. Những kiến thức cơ bản để đánh giá một doanh nghiệp vẫn còn mới mẻ đối với phần lớn đại bộ phận nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là đầu tư nhỏ lẻ. Và điều này ngụ ý cần thiết kế chính sách cũng như thiết kế hạ tầng…để làm sao nâng cao chất lượng không chỉ đối với doanh nghiệp và còn đối với nhà đầu tư.
Và tôi vẫn cho rằng, về bản chất, trái phiếu doanh nghiệp là một sản phẩm khá phức tạp, có rủi ro, và đây là nghiệp vụ của ngân hàng đầu tư chứ không phải của ngân hàng thương mại. Một nhân viên ngồi ở quầy ngân hàng, tôi không cho rằng phù hợp để có thể tư vấn cho khách hàng về một sản phẩm phức tạp như trái phiếu hoặc cổ phiếu giống như trong thời gian vừa qua, với trường hợp của SCB.
T rước thực trạng trên thì cơ quan quản lý cũng đã đề xuất một số giải pháp để giúp ổn định lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp như sửa đổi nghị định 65. Ô ng đánh giá như thế nào về những giải pháp của cơ quan quản lý?
Về chính sách là cần thiết, và tôi không chỉ nhìn ở góc độ Nghị định 65 mà tôi muốn bình luận rộng hơn một chút. Vừa rồi Thủ tướng có 4 chỉ thị, trong đó có 3 chỉ thị liên quan đến thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản và trái phiếu.
Và tôi kỳ vọng là sự triển khai những chỉ thị đấy thực sự hiệu quả. Bởi chúng tôi tham gia vào xếp hạng tín nhiệm rất nhiều các giao dịch trái phiếu, ví dụ trái phiếu bất động sản, người ta không mua, bởi vì sợ rủi ro pháp lý. Thế nên những biện pháp ở góc độ trên thị trường bất động sản mà đầu mối ở bên Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng cũng quan trọng không kém ở phía Bộ Tài chính.
Tôi rất kỳ vọng những việc triển khai hiệu quả và phối hợp cao giữa các bộ, ngành chung chứ không chỉ trái phiếu mà là liên thông để có thể khơi thông thị trường trái phiếu cũng như là tín dụng.
Điểm thứ hai, đối với nghị định 65, những đề xuất thay đổi tôi nghĩ đang lấy ý kiến và cũng khá là tốt nhưng có vẻ tập trung vào phía cung nhiều hơn. Tôi hy vọng Chính phủ có thể xem xét những thay đổi mang tính vừa vẫn hỗ trợ xây dựng nền tảng thị trường, vừa khơi thông hoặc khôi phục tâm lý nhà đầu tư.
Với những khó khăn và thách thức trong năm 2022, ông dự báo thị trường trái phiếu năm 2023 sẽ như thế nào?
Trong thời gian gần đây, huy động vốn nợ trái phiếu, chủ yếu là vốn nợ quốc tế diễn ra rất mạnh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp minh bạch. Riêng trong tháng 10, con số chúng tôi thống kê là khoảng 1,9 tỷ USD. Trong đó có một số doanh nghiệp tham gia xếp hạng tín nhiệm của chúng tôi, và họ có đặc điểm chung là minh bạch. Còn lãi suất thì do môi trường mới, lãi suất có phần cao hơn một chút nhưng doanh nghiệp giải quyết được vấn đề về mặt thanh khoản, tôi vẫn nhìn thấy đó là xu hướng của 2023.
Tôi hy vọng điều tương tự sẽ xảy ra đối với thị trường trái phiếu nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, minh bạch, quản trị doanh nghiệp tốt và nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền để có thể tham tham gia.
Còn những kênh mà mang tính đại chúng, tôi cũng hy vọng Bộ Tài chính có những giải pháp để khai thông kênh trái phiếu doanh nghiệp đại chúng.
Chúng tôi cũng làm việc với một số doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư quốc tế về việc phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh. Mặc dù mới bắt đầu ở Việt Nam, chỉ có một vài doanh nghiệp phát hành theo chuẩn quốc tế nhưng tôi hy vọng trái phiếu xanh sẽ là điểm sáng về thị trường trái phiếu trong năm 2023. Hiện tại, Bộ Tài nguyên Môi trường đang dự thảo quyết định của Thủ tướng về phân loại xanh, hy vọng điều đó sẽ được phê duyệt và đi vào hiệu lực. Các nhà đầu tư quốc tế vẫn đang nỗ lực đồng hành cùng với doanh nghiệp, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chí xanh để có vốn hợp lý hoặc rẻ với kỳ hạn dài.
Bên cạnh các giải pháp từ cơ quan quản lý thì doanh nghiệp nên có những phương án như thế nào để vẫn huy động được vốn?
Đối với những doanh nghiệp có năng lực tín dụng tốt, có các dự án phát triển lớn và cần phải đầu tư, tôi nghĩ vẫn cứ chủ động và tìm kiếm, sàng lọc các nhà đầu tư thì dòng tiền thông minh vẫn tìm đến. Còn những doanh nghiệp mà chẳng may yếu hoặc cạn dòng tiền thì phải chuẩn bị tâm thế chủ động minh bạch; làm việc với trái chủ, đại diện chủ nợ để minh bạch về tình hình tài chính của mình…tôi nghĩ doanh nghiệp cần chủ động minh bạch trước, để tránh rơi vào tình huống bị động mà có những hậu quả không mong muốn đối với doanh nghiệp cũng như đối với thị trường.
Nhịp Sống Thị Trường