(KTSG Online) – Hai ngân hàng 0 đồng gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank) được chính thức chuyển giao trong chiều nay (17-10). Cụ thể, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ nhận chuyển giao bắt buộc với CBBank, còn Ngân hàng Quân…
(KTSG Online) – Hai ngân hàng 0 đồng gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank) được chính thức chuyển giao trong chiều nay (17-10). Cụ thể, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ nhận chuyển giao bắt buộc với CBBank, còn Ngân hàng Quân đội (MB) nhận chuyển nhượng bắt buộc đối với OceanBank
Tại buổi họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quí 3-2024, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, lễ chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng yếu kém là CBBank và OceanBank sẽ diễn ra trong chiều nay (17-10).
“Hôm nay sẽ thực hiện chuyển giao hai ngân hàng, một ngân hàng nữa trong thời gian tới”, ông Tú nói.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Đức Long, Phó chánh thanh tra, Cơ quan thanh tra -giám sát NHNN, cho biết Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc với CBBank, còn MB nhận chuyển nhượng bắt buộc đối với OceanBank.
Về quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng này được chuyển giao bắt buộc, đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN cho biết mục tiêu của chuyển giao bắt buộc là để các ngân hàng quay về hoạt động bình thường, khắc phục lỗ luỹ kế, đảm bảo các quy định về an toàn, quyền lợi người gửi tiền đảm bảo trước trong và sau quá trình chuyển giao.
Với Dong A Bank – một ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, và GPBank, hiện NHNN chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao thực hiện và rà soát phương án để trình các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện. Với riêng SCB, mục tiêu hiện tại là duy trì hoạt động ổn định.
Về lợi ích khi nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên HĐQT Vietcombank từng cho biết, nếu nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc.
Theo đó, nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách, như chuyển sang ngân hàng số.
Còn lãnh đạo MB cho biết, việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD giúp ngân hàng có cơ hội tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5-2 lần trong dài hạn. Đồng thời, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó đó, với việc tối ưu mạng lưới kênh phân phối của MB và TCTD được chuyển giao bắt buộc, cùng các điều kiện ưu tiên được phát triển mạng lưới trong tương lai, sẽ giúp ngân hàn tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư, tăng độ bao phủ phục vụ khách hàng theo chiến lược bán lẻ và chuyển đổi số.
Không chỉ vậy, trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, MB được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt, qua đó MB có cơ hội tạo giá trị thặng dư vốn và/ hoặc tăng quy mô cho MB.