(KTSG) – Xu hướng lãi suất đi xuống trở lại từ đầu năm đến nay, đặc biệt là đợt giảm mạnh vừa qua, làm xuất hiện những kỳ vọng chính sách tiền tệ đang được nới lỏng trở lại, như là chất xúc tác để hỗ trợ cho tăng trưởng…
(KTSG) – Xu hướng lãi suất đi xuống trở lại từ đầu năm đến nay, đặc biệt là đợt giảm mạnh vừa qua, làm xuất hiện những kỳ vọng chính sách tiền tệ đang được nới lỏng trở lại, như là chất xúc tác để hỗ trợ cho tăng trưởng bên cạnh chính sách tài khóa mở rộng. Tuy nhiên, điều này có lẽ cần phải quan sát thêm…
Đợt giảm mạnh lãi suất
Giảm mạnh 0,7 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 6-12 tháng, từ mức cao 9,15-9,3% về 8,45-8,6%, là khung lãi suất huy động điều chỉnh của Ngân hàng Quốc Dân (NCB) từ đầu tháng 3-2023. Trong khi kỳ hạn 1-5 tháng giữ nguyên ở mốc 6%, kỳ hạn từ 13 tháng trở lên cũng chứng kiến mức giảm đều ở 0,2 điểm phần trăm về 8,75-9,1%. Diễn biến tại NCB là nét chấm phá rõ nhất trong bức tranh lãi suất huy động của ngành ngân hàng hiện nay.
Trong tuần trước, thị trường đã chứng kiến một đợt giảm lãi suất tiền gửi đồng loạt của nhiều ngân hàng. Đặc biệt lần này có sự tham gia của nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank, dù mức giảm chỉ 0,2 điểm phần trăm cho kỳ hạn 6-11 tháng, nhỏ hơn phần lớn các ngân hàng thương mại tư nhân. Tuy nhiên, được xem là đầu tàu định hướng và dẫn dắt thị trường, động thái của bốn ngân hàng này luôn nhận được sự chú ý của thị trường như là một tín hiệu đáng tin cậy xác nhận xu hướng.
Đợt giảm lãi suất vừa qua như đã nói đơn thuần đến từ việc thị trường cần phải trở về cân bằng hơn sau khi đã phản ứng thái quá trong những tháng cuối năm ngoái, thời điểm nhiều nỗi sợ hãi lan tràn khắp nơi.
Vốn nhận được lượng lớn tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước và lượng tiền này đã được cho phép tính vào tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi với lộ trình giảm dần, theo Thông tư 26/2022/TT-NHNN ban hành gần đây, dễ hiểu vì sao nhóm “Big 4” có động thái như vậy. Cách đây một tháng, các ngân hàng này đã cho biết về khả năng giảm lãi suất huy động khi không còn chịu áp lực huy động vốn lớn, và nay điều đó đã thành hiện thực.
Các dữ liệu thống kê cho thấy đợt giảm lãi suất huy động này là khá mạnh, với mức giảm phổ biến từ 0,3-0,5 điểm phần trăm, chủ yếu diễn ra ở các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên. Cụ thể, so với thời điểm cuối tháng 2-2023, lãi suất bình quân của 35 ngân hàng nội địa kỳ hạn 6-11 tháng giảm 0,33 điểm phần trăm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng giảm xấp xỉ 0,3 điểm phần trăm.
Theo đó, khoảng cách giữa kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài cũng đã thu hẹp đáng kể so với trước. Cụ thể, so với thời điểm cuối tháng 2-2023, chênh lệch giữa bình quân kỳ hạn 6-11 tháng so với kỳ hạn 1-5 tháng đã giảm khoảng 0,32 điểm phần trăm về còn 2 điểm phần trăm, trong khi chênh lệch giữa kỳ hạn từ 13 tháng trở lên so với kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0,28 điểm phần trăm về còn quanh 2,4 điểm phần trăm. Nếu so với thời điểm cuối năm 2022, mức chênh lệch này còn giảm lớn hơn, tương ứng là 0,34 điểm phần trăm và 0,42 điểm phần trăm, cho thấy các kỳ hạn dài từ 13 tháng trở lên đã liên tục giảm mạnh từ đầu năm đến nay.
Chính sách tiền tệ đang nới lỏng trở lại?
Với xu hướng lãi suất đi xuống trở lại từ đầu năm đến nay, đặc biệt là đợt giảm mạnh vừa qua, làm xuất hiện những kỳ vọng chính sách tiền tệ đang được nới lỏng trở lại, như là chất xúc tác để hỗ trợ cho tăng trưởng bên cạnh chính sách tài khóa mở rộng. Tuy nhiên, điều này có lẽ cần phải quan sát thêm trong thời gian tới, khi các phân tích cho thấy đợt giảm lãi suất vừa qua có lẽ chủ yếu đến từ những tác động của thị trường.
Những ảnh hưởng tiêu cực nếu có lên lãi suất trong thời gian tới có lẽ nằm ở động thái chính sách tiền tệ hiện đã khó lường hơn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), những biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong năm nay, dù có thể được giãn, hoãn thời gian thanh toán theo Nghị định 08 nhưng ít nhất phải thỏa thuận được với các trái chủ.
Trước tiên, cần phải nhìn nhận rằng lạm phát ở mức ổn định trong hai tháng đầu năm nay và dự báo cả năm cao nhất cũng chỉ quanh 4,5%, khiến lãi suất thực (bằng lãi suất danh nghĩa trừ lạm phát kỳ vọng 12 tháng tới) thời gian qua đang ở mức quá cao, vì vậy sự điều chỉnh có lẽ là tất yếu. Với mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trước đây nằm ở vùng 9-9,5% tại nhiều ngân hàng, nếu trừ đi lạm phát kỳ vọng 4-4,5%, lãi suất thực đang nằm ở vùng 4,5-5%.
Nếu so với cùng thời điểm năm ngoái, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cao nhất cũng chỉ ở mức 7%, lạm phát kỳ vọng khi đó là 4%, theo đó lãi suất thực là 3%, có thể thấy lãi suất thực trước đợt giảm lãi suất đồng loạt vừa qua đang cao như thế nào. Điều này cho thấy từ cuối năm 2022, lạm phát chỉ mới nhen nhóm lên nỗi lo sợ chứ chưa thực sự ập đến, nhưng lãi suất đã chạy quá nhanh và phản ứng quá mức cần thiết, vì vậy khi nỗi lo sợ qua đi, biến số này giảm trở lại về mức cân bằng hơn là cần thiết.
Điều quan trọng hơn là nếu tiếp tục giữ lãi suất tiền gửi quá cao sẽ tác động tiêu cực lên hoạt động tín dụng của các ngân hàng, vốn cũng đang gặp rất nhiều thách thức để đẩy vốn cho vay ra. Vì vậy, việc giảm lãi suất huy động vốn để kéo giảm chi phí vốn, thúc đẩy tăng trưởng cho vay cũng là một mục tiêu quan trọng và cần thiết trong chiến lược phát triển của các ngân hàng trong thời gian còn lại của năm nay.
Ngoài ra, như nhiều phân tích đã chỉ ra trong thời gian qua, việc nhà điều hành liên tục mua vào ngoại tệ, bơm thanh khoản tiền đồng, cũng như tỷ giá tiếp tục ổn định thúc đẩy dòng tiền dịch chuyển trở lại tiền đồng gửi tiết kiệm càng giúp thanh khoản hệ thống dồi dào trở lại, thể hiện qua khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm đáng kể so với giai đoạn cao điểm cuối năm 2022 và các phiên phát hành tín phiếu kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước luôn thu hút được các thành viên tham gia.
Việc thị trường 2 (liên ngân hàng) đã được liên thông, vận hành trơn tru trở lại, niềm tin được cải thiện cũng giúp giải quyết tình trạng căng thẳng thanh khoản cục bộ nếu có xảy ra ở ngân hàng nào, mà có thể làm lây lan sang mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (giữa ngân hàng và cá nhân, tổ chức). Cũng cần nhắc lại rằng các đợt tăng mạnh lãi suất trong cuối quí 3 đầu quí 4-2022 là do tình trạng tắc thanh khoản trên nhiều thị trường, tâm lý thận trọng gia tăng, ai cũng ưu tiên giữ tiền mặt và không dám vay/gửi. Nhưng nay thị trường 2 đã được nối trở lại, áp lực thị trường trái phiếu trước mắt cũng được giải tỏa nhờ Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành gần đây.
Trong thời gian tới, nếu không có gì đột biến và lạm phát kỳ vọng vẫn nằm quanh 4,5%, lãi suất huy động nếu chứng kiến giảm thêm cũng có thể hiểu được, với kỳ hạn 12 tháng có thể về lại quanh 8%, khi đó lãi suất thực sẽ nằm quanh vùng 3,5%, gần vùng ổn định trong nhiều năm gần đây.
Những ảnh hưởng tiêu cực nếu có lên lãi suất trong thời gian tới có lẽ nằm ở động thái chính sách tiền tệ hiện đã khó lường hơn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), những biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong năm nay, dù có thể được giãn, hoãn thời gian thanh toán theo Nghị định 08 nhưng ít nhất phải thỏa thuận được với các trái chủ.
Trước tình hình này, chính sách tiền tệ có lẽ sẽ chưa sớm được nới lỏng như những kỳ vọng dựa trên xu hướng lãi suất gần đây. Thực tế lạm phát vẫn là nỗi lo ngại không nhỏ của nhà điều hành, khi các tác động từ quốc tế là rất khó lường, do đó Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục ưu tiên ổn định vĩ mô thông qua kiểm soát chặt lượng cung tiền và tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo đó, đợt giảm lãi suất vừa qua như đã nói đơn thuần đến từ việc thị trường cần phải trở về cân bằng hơn sau khi đã phản ứng thái quá trong những tháng cuối năm ngoái, thời điểm nhiều nỗi sợ hãi lan tràn khắp nơi.
Kinh tế Sài Gòn Online