Việc những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại như VN30 cũng tới cả chục mã giảm sàn, cho thấy độ tiêu cực của phiên giao dịch hôm nay. Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể dứt khỏi chuỗi giảm…
Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể dứt khỏi chuỗi giảm mạnh, sau phiên cuối tuần trước rơi tới gần 39 điểm, VN-Index tiếp tục mở cửa tuần mới trong sắc đỏ bao trùm. Tâm lý nhà đầu tư càng trở nên bi quan và dòng tiền bắt đáy không có dấu hiệu nhập cuộc. Kết quả, VN-Index thủng mốc 1.000 điểm, ghi nhận đóng cửa tại vùng ba chữ số sau gần 2 năm. Thậm chí nếu xét việc chỉ số chính của TTCK trên đà rơi và “xuyên thủng” mốc 1.000 điểm thì lần gần nhất cũng đã là gần 3 năm về trước, vào tháng 11/2019 – thời điểm COVID bắt đầu xuất hiện trên thế giới.
Quay trở lại phiên hôm nay 24/10, từ các nhóm cổ phiếu lớn như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán đến các mã vốn hóa vừa, nhỏ và dòng đầu cơ như “họ” FLC, Louis, thủy sản, dệt may.. đều ghi nhận sắc “xanh sàn” chiếm đa số. Kết quả, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 33,67 điểm (3,3%) xuống 986,15 điểm, VN30-Index cũng đánh rơi 3,63% xuống 976,88 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên cầm cổ phiếu, thống kê trên sàn HoSE có tới 430 mã giảm trong đó 148 mã giảm sàn, nhóm VN30 đóng góp tới 10 cái tên; tổng cộng cả ba sàn có tới 823 mã giảm trong đó có tới 249 mã giảm hết biên độ.
Mức giảm hơn 3% cũng khiến VN-Index lọt top những chỉ số chứng khoán “tệ” nhất châu Á trong phiên hôm nay 11/10. Đồng thời, vốn hóa của sàn HoSE đã bị”thổi bay” hơn 134.000 tỷ đồng chỉ sau một phiên, giá trị còn lại rơi về mức 3.934.048 tỷ đồng. Tính từ thời điểm đỉnh cao tháng 4/2022 tới nay, vốn hóa HoSE đã “bốc hơi” hơn 2 triệu tỷ đồng vốn hóa.
Xét về mức độ đóng góp, bluechips bất động sản Vinhomes (VHM) đã trở thành tác nhân tiêu cực nhất khiến VN-Index đánh rơi 3,63 điểm trong phiên đầu tuần. Thị giá VHM hôm nay giảm sàn 7% xuống 44.600 đồng/cp. Cổ phiếu khác nhóm Vingroup là VRE hôm nay cũng đóng cửa giảm kịch biên độ 6,9% xuống 22.350 đồng/cp, qua đó góp gần 1 điểm giảm cho VN-Index.
Loạt mã ngân hàng hôm nay cũng ghi nhận biên độ giảm mạnh, góp mặt trong danh sách cổ phiếu tác động tiêu cực lên thị trường. Trong đó tác nhân lớn nhất là BID khi giảm sàn 6,9%, qua đó lấy đi 2,84 điểm của VN-Index. TCB, CTG, ACB trong phiên hôm nay cũng kết phiên với mức giảm mạnh, lần lượt tác động khiến chỉ số sàn HoSE mất 1,4 điểm, 0,78 điểm và 0,76 điểm
Việc những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại như VN30 cũng tới cả chục mã giảm sàn, cho thấy độ tiêu cực của phiên giao dịch hôm nay. Top 15 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này này còn có những cổ phiếu như SAB, VNM, MWG, GVR, mỗi mã lấy đi từ 1-2 điểm của chỉ số chính TTCK Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, sắc xanh le lói tại một số cổ phiếu như PGV, HAG, AGG, FRT… giúp thị trường có lực chống đỡ, thu hẹp một phần đà giảm. Tuy nhiên mức độ tăng không thấm vào đâu với đà lao dốc mạnh của các nhóm cổ phiếu còn lại.
Trong báo cáo cập nhật tuần mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá bối cảnh nhiều những thông tin tiêu cực về các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp không thể trả được nợ gốc và lãi đến hạn, thậm chí bán tháo tài sản để lo thanh khoản,… đã phủ bóng đen lên thị trường, bất chấp mùa kết quả kinh doanh quý 3 ghi nhận nhiều điểm tích cực.
Theo BSC, khi thị trường không còn phản ứng với thông tin tích cực mà chỉ phản ứng với thông tin tiêu cực thì áp lực giảm điểm vẫn đang rất lớn. BSC khuyến nghị nhà đầu tư tranh thủ giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn, chưa vội vàng bắt đáy và nên chờ các tín hiệu thị trường rõ ràng hơn.
Chứng khoán VCBS thì cho rằng tỷ giá giao dịch thị trường tự do và tỷ giá giao dịch tại các NHTM liên tục tăng nóng cho thấy các áp lực lên tỷ giá không những không suy giảm mà còn liên tiếp tăng trong giai đoạn này. Ngoài ra, xu hướng tăng lãi suất nhanh và mạnh của Fed cũng như nhiều NHTW khác trên thế giới vẫn đang tiếp diễn xác suất cao về một đợt tăng lãi suất 75 điểm vào đầu tháng 11 và một lần tăng 50 điểm trong tháng 12, dẫn tới xu hướng giảm giá của VND tiếp diễn. Với sự căng thẳng hiện nay, VCBS cho rằng các rủi ro thanh khoản đối với an toàn hệ thống tài chính cũng sẽ tăng thêm nếu không có các biện pháp quản lý và theo dõi sát sao.
Do đó, tình hình tiêu cực sẽ tạo tác động đến tâm lý của nhà đầu tư, đẩy VN-Index giảm dưới đáy 1.000 điểm trong ngắn hạn. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động nâng cao tỉ trọng tiền mặt, kiên nhẫn chờ đợi thị trường tìm lại điểm cân bằng và hạn chế giải ngân bắt đáy sớm.
Nhịp Sống Thị Trường
Trả lời