Theo CEO DATX Việt Nam, chứng khoán phái sinh đang giúp thị trường cơ sở đỡ giảm sâu và giảm kéo dài trong những đợt biến động lớn. Sau 6 năm đi vào vận hành, thị trường chứng khoán phái sinh đang ngày càng thu hút sự quan tâm của…
Sau 6 năm đi vào vận hành, thị trường chứng khoán phái sinh đang ngày càng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Dù vậy, thị trường phái sinh Việt Nam hiện vẫn còn khá sơ khai, ít sản phẩm. Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DATX Việt Nam đã có những chia sẻ quan điểm về triển vọng thị trường chứng khoán phái sinh.
BTV Mùi Khánh Ly: Thị trường chứng khoán phái sinh đã trải qua hơn 6 năm ra đời và phát triển tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về thị trường này?
Ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DATX Việt Nam
Sau 6 năm ra đời và phát triển, thị trường chứng khoán phái sinh đã có sự tăng trưởng khá nhanh, thể hiện qua số liệu như về tài khoản mở mới, tính tới hết tháng 10/2023, đã có 1.440.000 tài khoản phái sinh được mở tại các các công ty chứng khoán ; so với 7.445.000 tài khoản được mở, chiếm tỷ lệ 19,35%. Về khối lượng giao dịch, tính trong giai đoạn từ 2018-2022, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 38,65%/năm. Nếu nói về quy mô thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam còn rất non trẻ nếu so với các nước tiên tiến trên thế giới. Theo dữ liệu của chúng tôi, hiện, quy mô chỉ ở mức 0,1% so với vốn hóa thị trường niêm yết, trong khi con số này ở các nước như Úc (ra đời năm 2.000) là 0,9% và Mỹ (ra đời năm 1982) là 13,6%. Sự non trẻ còn thể hiện ở tỷ lệ rất cao số hợp đồng giao dịch hàng ngày so với số hợp đồng nắm giữ qua đêm, lên đến 600%, trong khi con số này ở Úc là 14% và 40% ở Mỹ.
Không ít ý kiến cho rằng thị trường này chỉ nên dành cho người chuyên nghiệp tham gia do có mức biến động lớn và rủi ro cao? Nhưng điều đó lại không hợp lý vì sẽ không còn đúng với mục tiêu của thị trường khi ra đời là công cụ phòng ngừa rủi ro cho các nhà đầu tư, ý kiến của ông về điều này ra sao?
Mục tiêu của thị trường phái sinh khi ra đời là công cụ phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, nơi nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ lớn, khiến cho ý nghĩa về công cụ phòng ngừa rủi ro của sản phẩm phái sinh bị ảnh hưởng. Nếu theo số liệu VSD cung cấp cuối tháng 10/2023 thì có tới 99% số tài khoản chứng khoán là của nhà đầu tư cá nhân, điều này lại đi ngược lại với thị trường chứng khoán các nước phát triển khi có trên 80% nhà đầu tư tổ chức mang tính chuyên nghiệp như quỹ đầu tư chứng khoán, ngân hàng đầu tư…Việc nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự hiểu rõ về thị trường chứng khoán phái sinh sẽ dẫn đến khả năng bị thua lỗ cao hơn cả khi đầu tư trên thị trường chứng khoán cơ sở.
Trước đây từng có nhiều thời điểm thị trường cơ sở biến động, nhiều nhà đầu tư chuyển qua đầu tư phái sinh, khi đó nhiều ý kiến cho rằng thị trường phái sinh làm ảnh hưởng đến mức độ tăng giảm của thị trường cơ sở, theo ông điều này có đúng không?
Theo tôi, thị trường chứng khoán phái sinh có ảnh hưởng tới thị trường cơ sở, nhưng là theo hướng tích cực, thực tế chứng khoán phái sinh đang giúp thị trường cơ sở đỡ giảm sâu và giảm kéo dài trong những đợt biến động lớn. Trước khi có chứng khoán phái sinh thì khi thị trường vào giai đoạn downtrend thường có hiện tượng dư bán sàn hàng loạt, do từ nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân đều đổ ra bán cổ phiếu nên thị trường mất thanh khoản, còn như giai đoạn downtrend gần đây nhất là năm 2022 thì thay vì đi bán cổ phiếu, nhà đầu tư dùng phái sinh để phòng vệ đã giúp cho thị trường có thanh khoản và mức độ suy giảm sẽ ít hơn, thời gian ngắn hơn.
Vậy theo ông đâu là những giải pháp để thị trường chứng khoán phái sinh phát huy được hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới?
Để phát triển được thị trường chứng khoán nói chung thì các sản phẩm trên thị trường phái sinh cần đa dạng hơn nữa về hàng hoá để tăng quy mô, chất lượng. Thứ nhất, chúng ta cần sớm hiện đại hoá hệ thống giao dịch, đảm bảo hệ thống giao dịch minh bạch, thông suốt, có thể đáp ứng được khối lượng giao dịch lớn. Thứ hai, cần đào tạo theo chiều rộng và chiều sâu để phát triển nhà đầu tư, giúp cho nhà đầu tư có thể sử dụng phái sinh như một công cụ để phòng ngừa rủi ro cho danh mục cơ sở, đúng như bản chất của thị trường phái sinh khi ra đời. Cuối cùng là cần phát triển các sản phẩm theo hướng đa dạng hoá để gia tăng quy mô thì mới thu hút được sự quan tâm của các quỹ đầu tư lớn của nước ngoài. Các quỹ lớn cần có thêm nhiều sản phẩm cả về cơ sở, lẫn phái sinh như các rổ ETF khác nhau, như ETF chuyên về ngành ngân hàng, tài chính, bất động sản hay công nghệ,… đi kèm với đó là các sản phẩm phái sinh để khi thị trường có biến động họ có thể phòng ngừa rủi ro mà không cần phải bán cổ phiếu.
Từ phía nhà đầu tư cần làm gì để có thể dễ dàng tham gia thị trường này hơn, cũng như đầu tư có hiệu quả hơn?
Mục tiêu xuyên suốt và cũng là giá trị cốt lõi hàng đầu của chúng tôi là lấy nhà đầu tư làm trung tâm. Chúng tôi luôn mong muốn giúp cho các nhà đầu tư Việt Nam giảm thiểu được rủi ro thua lỗ và gia tăng lợi nhuận một cách bền vững. Chúng tôi có thể đưa ra cho nhà đầu tư các công cụ như giải pháp phân bổ việc hedging danh mục phái sinh để hỗ trợ cho danh mục cơ sở của chính nhà đầu tư. Bên cạnh đó với việc nhà đầu tư có thể đưa ra các yêu cầu, đề bài cho hệ thống để hệ thống xử lý cho danh mục của nhà đầu tư. Thứ hai là việc hỗ trợ cho nhà đầu tư trong việc giao dịch theo xu hướng, với hệ thống AI ứng dụng vào đầu tư phái sinh, tỷ lệ chiến thắng của chúng tôi cũng đã đạt đến 55%, cũng sẽ giúp cho nhà đầu tư giảm thiểu được rủi ro cũng như tăng khả năng sinh lời. Ngoài ra với việc đo lường các dữ liệu trên thị trường, những biến động trên thị trường theo thời gian tính là mili giây, cùng với các model chúng tôi đưa ra cho máy học, từ đó có thêm các giải pháp như cảnh báo cho nhà đầu tư những điểm đảo chiều trong thị trường phái sinh, từ long sang short và ngược lại, tất cả đều có trên nền tảng XWealth.
Nhịp Sống Thị Trường